17/04/2019 06:03
Trên Fanpage cá nhân, bạn bè tôi liên tục chia sẻ thông tin về cô gái tên Phạm Thị Huế (quê Thái Bình) - người đã ra đi đêm 2/4 sau hơn 7 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư gan.
Điều gì ở cô Phạm Thị Huế khiến cho mọi người quan tâm và tỏ lòng thương tiếc khi cô mất đi đến vậy, dù rất nhiều người chưa hề quen biết cô?
Cô gái trẻ này mới chỉ 23 tuổi và cô được nhiều người biết đến khâm phục bởi nghị lực, khát vọng sống; đặc biệt những việc làm của cô đã truyền đi cảm hứng sống đầy ý nghĩa cho thế hệ trẻ…
Phát hiện bị bệnh ung thư từ năm học lớp 10, nhưng Huế vẫn tốt nghiệp THPT và đại học, tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam “đúng hẹn” như bao bạn trẻ khác.
Sau đó, Phạm Thị Huế đã tham gia vào Dự án cộng đồng “Hành trình Memento Mori, đi qua sự chết để nghĩ về sự sống” do tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ thực hiện.
Cô đi khắp nơi để thực hiện vai diễn Liên trong vở kịch này - cô gái có số phận tương tự như chính cuộc đời Huế, nhiều hoài bão, ước mơ, nhưng cô bị ung thư và cuối cùng cô đến với cái chết một cách thanh thản.
Hơn thế nữa, Phạm Thị Huế còn gây xúc động sâu sắc khi cô đăng ký hiến tặng giác mạc, nhưng cô đã ra đi mà không kịp thực hiện nguyện vọng ấy. Song, hành trình sống và cả vai diễn mà Huế đảm nhận không chỉ tiếp thêm nghị lực cho các bệnh nhân ung thư mà là năng lượng tích cực cho rất nhiều người đang loay hoay tìm ý nghĩa sống.
Thông điệp sống mà Huế đã truyền tới cho các bạn trẻ là không ai có thể khước từ cái chết, nhưng điều quan trọng là cách mà chúng ta lựa chọn để sống đó là: hãy sống lạc quan, luôn cố gắng hết sức, yêu thương nhiều hơn... dù chúng ta đã đi qua nỗi đau, sự mất mát hay đang có một cuộc sống tươi đẹp.
Ngày nay, không ít người hàng ngày chỉ tìm kiếm điều xấu, những việc làm không hay diễn ra trong cuộc sống để đưa lên mạng xã hội nhằm “câu like”. Và, cũng không ít người lên mạng xã hội xem những tin tức, sự việc như vậy rồi “còm, like” như một kiểu “hội chứng ăn theo, chém gió” nhưng không hề biết họ đã vô tình “tô nên những mảng màu đen” trong cuộc sống; thậm chí còn bị các thế lực thù địch lợi dụng để tạo ra tâm lý dao động hoang mang nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình” mà không hề hay biết.
Trong khi đó, cuộc sống quanh ta luôn có những người tốt, những việc thiện diễn ra. Họ âm thầm lặng lẽ làm những việc tốt đẹp đó chỉ với mục đích là góp phần làm cho cuộc đời thêm tươi đẹp. Thế nhưng, không ít con người ấy, việc làm tốt đẹp ấy lại bị những bộn bề lo toan cuộc sống và những điều chưa thiện trong cuộc sống che lấp đi.
Hơn bao giờ hết, lúc này đây những “người tốt, việc tốt” trong cuộc sống hàng ngày cần được kịp thời biểu dương, khen thưởng, tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội. Bởi, họ chính là “những đóa hoa mặt trời” đang lặng thầm tỏa hương ngát thơm cho đời. Nhiệm vụ của chúng ta là kết nối, khơi dậy và tạo sự lan tỏa yêu thương trong đời sống xã hội…
Ngay tại tỉnh ta, chúng ta cũng được chứng kiến những việc tử tế của các thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa.
Đó là câu chuyện về các thầy, cô giáo ở Trường Tiểu học thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei) góp gạo, thức ăn giúp cho 59 học sinh nhà cách xa trường có bữa ăn trưa tại trường để các em không phải nghỉ học vào buổi chiều. Dẫu rằng cuộc sống của các giáo viên nơi đây chẳng dư giả gì, nhưng họ sẵn sàng san sẻ một phần tiền lương để lập ra một bếp ăn “dã chiến” ngay dưới chân cầu thang của nhà trường, nấu những bữa cơm đầy đủ để các em yên tâm gắn bó với trường, với lớp.
|
Hay như câu chuyện của thầy giáo Phạm Đình Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô) nhận đỡ đầu cho 2 em nhỏ mồ côi là A Chất (10 tuổi) và Y Viên (9 tuổi) ở làng Đăk Tông (xã Ngọc Tụ). Thầy Thu đã trích những đồng lương ít ỏi của mình để mua gạo nuôi các em, mua sắm áo quần, sách vở, dép để các em đi học. Việc làm đầy nhân ái của thầy đã lan tỏa tới 25 giáo viên trong nhà trường. Và rồi các thầy cô giáo trong trường đã tự nguyện nhận đỡ đầu cho 27 em mồ côi, những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để chăm sóc, giúp đỡ.
Những hành động đẹp của các giáo viên vùng khó ở tỉnh ta xuất hiện giữa bao nhiêu chuyện ồn ào, kém vui của ngành GD&ĐT (như học sinh bắt nạt nhau mang tính côn đồ, giáo viên đánh học sinh, thậm chí có cả những vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo... diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước gần đây) như ngọn lửa thắp lên niềm tin cho cả xã hội về tình thầy trò, về lòng nhân ái.
Đúng là trên đời này có gì đẹp bằng lòng nhân ái. Và, một khi lòng nhân ái được lan tỏa chính là lúc chúng ta góp phần làm cho cuộc sống con người hạnh phúc hơn, xã hội tốt đẹp hơn. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, hãy mang những hạt giống yêu thương lan tỏa trong mỗi con người để sống tử tế, nhân ái hơn.
Thùy Hương