Lạc quan giữa đại dịch

14/04/2020 06:03

Cùng với sự nỗ lực, góp sức chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thiết nghĩ, những người “yếu thế trước dịch bệnh” cũng nên chủ động vượt qua khó khăn với tinh thần lạc quan.

Gần 2 tuần nay, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng và Công điện số 05 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19, gia đình chị bạn tôi ở nhà, không đi bán vé số. Mất nguồn thu nhập chính, cuộc sống bị đảo lộn, đối diện với nhiều khó khăn, thế nhưng chị vẫn lạc quan, nhìn mọi việc theo hướng tích cực. Cười thật tươi, chị bảo: “Tình hình khó khăn chung mà. Dù có chật vật hơn nhưng mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Nhiều cơ sở kinh doanh phải thuê mặt bằng, lo cho nhân công, giờ đóng cửa, họ phải lo các khoản nợ, còn nặng gánh hơn mình…”.

Lạc quan giữa khó khăn, thay vì ngồi than thở, chờ đợi sự trợ giúp, chị nhận đan mũ len, thêu tranh, trồng thêm ít rau để có thêm niềm vui, kiếm thêm đồng ra đồng vào và cải thiện bữa ăn trong gia đình. Cùng với đó, chị tính toán lại bữa ăn cho hợp lý; không hoang phí, chỉ chi tiêu những việc cần và chính đáng.

Máy "ATM gạo" xuất hiện tại một số địa phương để phát gạo miễn phí cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Vnexpress.net 

 

Nghe thông tin về việc các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được nhận hỗ trợ, chị rất mừng nhưng cũng khá buồn vì nghĩ rằng mình trở thành gánh nặng cho xã hội. Chị bảo, chị sẽ cùng với mọi người chấp hành nghiêm theo quy định để chung sức phòng tránh dịch, giúp nhịp sống sớm quay lại bình thường.

Quán cà phê của anh bạn tôi đang ăn nên làm ra, giờ phải đóng cửa, đời sống của cả gia đình cũng gặp khó khăn. Thế nhưng, thay vì rầu rĩ, than thở, anh xem đây là thời điểm để bản thân sống chậm, làm những việc thiết thực. Anh kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để mua các nhu yếu phẩm: gạo, mì tôm…, giúp đỡ, hỗ trợ những người nghèo khó hơn. Anh dành thời gian trang trí lại hàng quán, dẫu chưa biết khi nào mới có thể đi vào hoạt động trở lại.

Trong cuộc chiến chống dịch bệnh, chống sự lây lan, truyền nhiễm của dịch bệnh Covid-19, ai cũng nhìn thấy, hiểu rằng, cả hệ thống chính trị ngày đêm gồng sức phòng chống, dập tắt dịch. Không chỉ lo lắng để đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho người dân, bảo vệ an toàn cho cộng đồng, cả hệ thống chính trị còn lo lắng về sự suy giảm kinh tế, đau đáu quan tâm đến đời sống của lao động nghèo, của những hoàn cảnh khó khăn.

Các chính sách hỗ trợ được đưa ra để không ai bị bỏ lại phía sau. Ngay từ khi thông tin Chính phủ sẽ hỗ trợ 20 triệu người ảnh hưởng dịch, các bộ, ngành, địa phương, nơi đâu cũng nỗ lực rà soát, thống kê thật nhanh chóng, chính xác, đảm bảo kịp thời hỗ trợ, để những người nghèo không bị bấp bênh bên lề xã hội. Cùng với gói hỗ trợ an sinh xã hội, các bộ, ngành cũng đề xuất giảm giá điện, nước… để người dân nói chung, người thu nhập thấp đảm bảo mức sống tối thiểu.

Để những người yếu thế được hưởng hỗ trợ an sinh xã hội trong khó khăn, các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh nhanh chóng rà soát, tổng hợp số liệu và dự toán kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng người có công cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và người lao động tự do không có hợp đồng, mất việc hoặc không có việc làm trên toàn tỉnh.

Rất vui khi hàng ngày, cả cộng đồng đều đã và đang chung tay lo cho người nghèo. “Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường người khác”, nhiều nhà hảo tâm đã để những phần quà là các nhu yếu phẩm, tặng cho những người thật sự cần; những chủ nhà trọ giảm giá thuê nhà trọ, giảm giá thuê mặt bằng kinh doanh…; các cơ sở kinh doanh hỗ trợ lương cho nhân viên… Tình người lan tỏa, ai nấy đều mong người nghèo, người lao động tự do bị mất việc, sớm được hỗ trợ, an tâm vượt qua khó khăn.

Cùng với sự nỗ lực, góp sức chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thiết nghĩ, những người “yếu thế trước dịch bệnh” cũng nên chủ động vượt qua khó khăn với tinh thần lạc quan.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác