Không nhất thiết cứ phải là tiền mới

06/02/2021 06:16

Năm nào cũng vậy, cứ trước Tết Nguyên đán vào khoảng một tháng, người người, nhà nhà lại chộn rộn chuyện đổi tiền mới để mừng tuổi, để lì xì, để lễ chùa, thậm chí là để sử dụng vì suy nghĩ đầu năm mới dùng tiền mới sẽ có nhiều may mắn. Mặc định thành thói quen, thành việc phải làm, nhiều người đã bằng mọi cách để có tiền mới.

Có người tận dụng các mối quan hệ để nhờ vả. Có người biết chuyện đổi tiền mới dịp tết cũng lắm nhiêu khê, nhiều khi không dặn dò, nhờ vả sẽ không có nên “lo xa”, sau tết thường gom tiền lì xì của con mình lại rồi đổi cho con tiền cũ có mệnh giá tương đương và cất giữ lại cho Tết sang năm. Có người chẳng phải lăn tăn nhờ vả, cất giữ mệt người, gần tết chấp nhận chi thêm một khoản tiền để đổi tiền mới từ dịch vụ.

Có cầu ắt có cung, dịch vụ đổi tiền mới, đặc biệt là tiền mệnh giá nhỏ vào dịp tết lại nở rộ. Thậm chí, dịch vụ đổi tiền những năm gần đây không dừng lại ở các hàng quán, địa chỉ cụ thể, mà công khai giao dịch trên mạng xã hội. Và theo báo chí phản ánh, tùy trường hợp cụ thể mà chi phí đổi tiền có sự chênh lệch, nhưng thường dao động từ 6% -15%; tiền mệnh giá càng nhỏ thì chi phí tỷ lệ phần trăm quy đổi càng cao.

Nhưng, vấn đề đặt ra là có nhất thiết phải đổi tiền mới để mừng tuổi, để lì xì, để lễ chùa, để sử dụng, mà chủ yếu là mừng tuổi, lì xì… hay không?

Mừng tuổi, lì xì là nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa tinh thần. Ảnh minh hoạ

 

Chuyện mừng tuổi, chuyện lì xì vào dịp tết, báo chí đã phản ánh nhiều, thậm chí có người còn cho rằng là vấn nạn đáng quan ngại. Từ nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa tinh thần, dần dà bị lạm dụng, bị biến tướng đã tạo thành phép đong đếm vật chất, lâu dần vô tình tạo cho trẻ thói quen thực dụng. Rồi, nhà không có điều kiện, dịp tết trăm việc phải lo, vì để bằng chị, bằng em, cũng phải cố dành một khoản để lì xì, để mừng tuổi. Đã vậy, nếu không cất giữ được hoặc không nhờ được ai thì còn phải chi thêm một khoản tiền cho dịch vụ đổi tiền mới…

Như đã nói, mừng tuổi, lì xì hay lễ chùa đầu năm… là nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa tinh thần. Mà đã là ý nghĩa tinh thần thì không nên quá cân - đong - đo - đếm. Nói cách khác, không nên đặt nặng vấn đề tiền bạc mới, cũ. Quan trọng hơn chính là tấm lòng, là của cho, là cách cho, cách trao. Nếu mừng tuổi, lì xì với tiền mới nhưng cách cho thiếu đi sự trân trọng thì cũng không mang lại ý nghĩa. Còn dẫu chỉ là tiền cũ, nhưng người cho trao tặng bằng tất cả sự chân thành với ý nghĩa cầu chúc cho người nhận một năm mới tốt đẹp, lại mang ý nghĩa hơn cả tiền mới mà thiếu đi sự chân thành.

Đã vậy, việc chộn rộn, lo toan đổi tiền mới không chỉ dừng lại ở thiệt hại cho chính cá nhân người đổi (mất thời gian, mất chi phí…) mà còn ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước (chi phí in tiền lẻ). Bởi vậy, những năm gần đây, vào dịp giáp Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước không in tiền mới mệnh giá nhỏ. Chính việc không in tiền mới mệnh giá nhỏ trong những năm qua, theo thông tin mà đại diện Ngân hàng Nhà nước đưa ra, đã tiết kiệm được hơn 3.500 tỷ đồng .

Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước không in tiền mới mệnh giá nhỏ vào dịp tết cũng không làm giảm đi sự chộn rộn đổi tiền mới. Nhiều người vẫn tìm mọi cách để có tiền mới. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc có nhiều người tích trữ tiền lẻ mới từ trong năm để phục vụ cho việc đổi.  Và tất nhiên, khi tiền mới mệnh giá nhỏ ít, mà nhu cầu lại cao nên chi phí đổi cao (như báo chí phản ánh từ 6%-15%) là tất yếu.

Ông cha ta xưa có câu “Của cho không bằng cách cho”. Nên có nề hà gì đâu mới – cũ. Nên gạt bỏ suy nghĩ tiền mới sẽ may mắn, tài lộc hơn tiền cũ. Cách cho sao trọn tấm chân tình bao giờ cũng được ghi nhận. Chẳng phải, cái gì xuất phát từ trái tim luôn đi tới trái tim hay sao. 

Nếu có tiền mới để chúc tết, lì xì, mừng tuổi, lễ chùa … thì càng tốt. Còn nếu không có tiền mới, sử dụng tiền cũ cũng chẳng sao. Thay đổi nhận thức để thay đổi hành động, dẫu chỉ từ việc nhỏ là đổi tiền mới vào dịp tết hàng năm.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác