30/05/2021 13:06
Sáng sớm, vừa gặp, anh V. hàng xóm tôi vừa than thở: Hè về, lại thêm dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên em cũng hạn chế cho cu con vừa học xong lớp 6 đi chơi ở các nơi. Học hành mấy tháng trời rồi, em muốn cho cháu được nghỉ ngơi trong dịp hè, nên cũng không nặng nề bắt cháu phải học cái này cái khác. Không học bài, ít đi chơi các nơi, cháu suốt ngày ôm ti vi, máy tính xem phim, chơi trò chơi điện tử…Thấy vậy, gia đình ngăn cản thì cháu có các biểu hiện bứt rứt, chống đối lại, nên rất lo lắng.
Nỗi lo lắng đó không phải là chuyện riêng của gia đình anh V. mà đó còn là nỗi lo của rất nhiều phụ huynh học sinh dịp hè này. Đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bùng phát nên học sinh trên địa bàn tỉnh được nghỉ hè sớm. Các cơ sở dạy thêm, các khu vui chơi cũng không hoạt động. Dịch bệnh nên các gia đình cũng không cho con đi chơi xa, nhắc con hạn chế đi lại, tiếp xúc với người khác…Nghỉ học sớm, không đi học thêm, ít được đi chơi nên phần lớn trẻ em đều chọn làm bạn với công nghệ số, thậm chí có em còn theo hướng nghiện những ứng dụng giải trí, mạng xã hội.
|
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó công nghệ thông tin đã mang lại những lợi ích tích cực. Hầu như gia đình nào cũng có các thiết bị sử dụng công nghệ số như ti vi thông minh, điện thoại thông minh... Nhờ công nghệ mà nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ hòa nhập với thế giới công nghệ số, được cập nhật kiến thức, được tăng thêm tính sáng tạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thì mặt trái công nghệ số cộng với việc trẻ em sử dụng thiếu đi sự quản lý, định hướng của người lớn đã, đang và sẽ tạo ra những rủi ro, nguy hại. Thực tế là không ít trẻ vì sa vào nghiện công nghệ số, cụ thể hơn là nghiện mạng xã hội và các dịch vụ giải trí từ công nghệ nên ít dành thời gian cho học tập, tham gia các trò chơi vận động, gặp gỡ, trò chuyện với người thân, bạn bè... Và hệ lụy là trẻ trở nên thụ động, học hành sa sút, béo phì, sức khỏe ảnh hưởng, bị tác động và ảnh hưởng tiêu cực từ những nguồn thông tin thiếu lành mạnh. Có em, vì bị bố mẹ ngăn cản còn phát sinh những thói hư như nói dối bố mẹ, bỏ học, trộm cắp…Thậm chí có em vì thiếu kỹ năng tham gia vào thế giới công nghệ số đã bị các đối tượng xấu lừa đảo, lợi dụng.
Thực tế là nhiều phụ huynh hiểu rất rõ tác hại của công nghệ số đối với trẻ em nên đã có nhiều biện pháp hạn chế với con mình, nhưng vì nhiều lý do rồi cũng đành phải thuận theo con. Đơn cử như hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh vì con khó ăn, đành phải cho con xem phim hoạt hình, trò chơi trên điện thoại, ipad để con ăn được chén cháo. Hay bố mẹ có khách, có bạn bè, cũng đành cho con dùng điện thoại để người lớn còn chuyện trò. Bố mẹ bận công việc, không có nhiều thời gian cho con cái cũng đành phó mặc cho con vui chơi trên điện thoại, máy vi tính.
Cứ thế, mỗi lúc mỗi ít, lâu dần thành thói quen, trẻ mê các chương trình ti vi, trò chơi…trên điện thoại, ipad, ti vi, máy tính lúc nào không hay. Không chỉ mê, không ít trẻ còn xếp vào dạng nghiện, có những trạng thái kích động khi bị ngăn cấm không được sử dụng các thiết bị thông minh.
Hè về thì vấn đề đáp ứng nhu cầu được vui chơi của trẻ càng cấp thiết và càng được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Bởi, đó không chỉ là nhu cầu của trẻ em, vui chơi còn được Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em xác nhận là một trong những quyền của trẻ em. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh Covid -19 bùng phát như hiện nay thì làm sao để trẻ có được những ngày hè ý nghĩa là hết sức cần thiết. Làm sao để trẻ không quá lạm dụng, sa đà vào các ứng dụng giải trí trên các thiết bị công nghệ số là điều mà các bậc phụ huynh hết sức quan tâm.
Vui chơi như thế nào, dành bao nhiêu thời gian cho các ứng dụng công nghệ số và nên xem, tham gia các trò chơi gì cho các ứng dụng giải trí; nên ứng dụng công nghệ số sao cho hiệu quả để vừa kết hợp giữa việc vui chơi giải trí và củng cố kiến thức là mong muốn của trẻ em và của cả những người làm cha làm mẹ.
Bởi vậy, để trẻ em có một kỳ nghỉ hè vui tươi, an toàn, bổ ích, không quá lạm dụng vào các thiết bị công nghệ số trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay thì điều quan trọng nhất mà các bậc phụ huynh cần quan tâm là dành nhiều thời gian hơn cho con, sắp xếp, bố trí lịch vui chơi, giải trí, ôn tập các kiến thức đã học, hướng dẫn trẻ trau dồi các kỹ năng trong cuộc sống, phụ bố mẹ làm các công việc nhà... là những cách làm cần thiết để trẻ không bị phụ thuộc vào ti vi, điện thoại, ipad.
Phúc Nguyên