01/10/2018 13:02
Không đồng tình, hưởng ứng sao được khi có chuyện anh em một nhà, cách có 1-2 năm học lại không thể sử dụng sách giáo khoa của nhau. Vậy là, cứ đầu năm học, trong hàng loạt khoản các bậc phụ huynh phải lo, áo quần đồng phục, đồ dùng học tập, các loại phí, quỹ đóng nhà trường còn có thêm khoản chi mang tên sách giáo khoa.
Nhắc đến chuyện này mới nhớ đầu năm học trước, chị hàng xóm nổi giận lôi đình cũng từ những cuốn sách giáo khoa. Chả là, nhà có cậu anh trai lên lớp 4, cậu em cùng trường, lại cùng học mô hình trường học mới. Sắp vào năm học, chị vẫn ung dung cậu em đã có sách của anh, chỉ mua thêm bộ sách cho cậu anh nữa là ổn. Ngày nhập học cận kề, mở ra, thấy cậu anh hết ghi, lại đến vẽ vào sách, chị lên cơn nổi giận. Nào là, không biết giữ gìn sách vở cho em học. Nào là không biết tiết kiệm, chẳng biết cha mẹ khổ cực, đi phụ hồ cả ngày không mua nổi bộ sách giáo khoa hay không… Cậu anh chỉ biết lặng im, chờ mẹ nguôi cơn giận mới thỏ thẻ, cả lớp ai cũng vậy cả, đều ghi vào sách, giải thích một lúc, chị mới hiểu ra. Như một lời xin lỗi cho cơn giận vô cớ của mình, chị đành nói với các con, ngày mai, mẹ sẽ đi mua cho hai anh em hai bộ sách giáo khoa mới, cố gắng mà học giỏi nhé!
Thế mới thấy, với những gia đình có điều kiện, đầu mỗi năm học chi vài trăm nghìn đồng mua cho con bộ sách giáo khoa chỉ là chuyện nhỏ. Còn với những gia đình nghèo như chị hàng xóm, mua cho con bộ sách giáo khoa, sách bài tập đi kèm, cộng thêm trước “ma trận” các loại sách tham khảo, phụ huynh không biết có khi mua cho một bộ môn 2-3 quyển na ná nhau, nhẩm tính sơ sơ cũng mất vài trăm nghìn đồng.
Vậy là, mỗi năm mỗi ít, mỗi nhà mỗi ít, tính ra khoản chi cho sách giáo khoa đầu mỗi năm học cho con trẻ là không hề nhỏ.
Anh em trong một nhà, năm trước, năm sau đã không học được sách giáo khoa của nhau, sao lại lãng phí thế? – chị hàng xóm sau cơn nổi giận lôi đình đã băn khoăn.
Băn khoăn của chị cũng là băn khoăn chung của rất nhiều phụ huynh khác. Nếu như trước đây, điều kiện kinh tế khó khăn, anh em trong một gia đình cứ thế mà xoay vần theo một bộ sách giáo khoa. Anh học, đến em; em học xong lại chuyển giao cho anh em họ hàng. Chưa hết năm học, ngắm nghía nhà bên không có ai nối tiếp, thể nào cha mẹ cũng sang “đặt hàng” cho con.
Còn hiện nay, trong sách giáo khoa, ở các mục trắc nghiệm, điền vào chỗ trống, nối hình ảnh, vẽ hình ảnh, tô màu hay phần bài tập để trống phần lời giải… buộc các em học sinh, đặc biệt ở bậc tiểu học ghi, vẽ, tô màu trực tiếp vào sách. Gia đình có em nhỏ, muốn sử dụng lại sách giáo khoa của anh chị, cũng đành chịu. Vậy là, hết năm học, các bậc phụ huynh, các em học sinh lại dọn dẹp sách vở, bộ sách mới mua đầu năm học cả trăm nghìn đồng, đến hè đã nằm gọn trong hàng phế liệu với giá bán chỉ vài nghìn đồng.
Còn ở các trường, mô hình tủ sách dùng chung cũng đâm ra khó, học sinh học năm trước viết, vẽ cả vào sách, các em năm sau học lại, đến ngang phần mục đó cũng mất đi phần hứng thú, thậm chí không biết phải như thế nào. Vậy là tẩy, là xóa, là tô màu chồng chéo cả lên, khiến cuốn sách cũng chẳng thể bền lâu.
Cũng có người cho rằng, con trẻ, vào đầu năm học, mua mới bộ sách giáo khoa, tinh thần phấn khởi, học hành hanh thông. Nên, tiết kiệm gì thì tiết kiệm, gia đình cứ mua mới cho con một bộ sách
Nhưng, không phải ai cũng đủ điều kiện để như vậy. Nhìn ở góc độ người nghèo, nhìn ở góc độ tránh lãng phí cho xã hội thì việc sử dụng sách giáo khoa một lần, chuyện trong một gia đình, anh em liền kề không học được sách giáo khoa của nhau sẽ không còn là chuyện nhỏ. Và không chỉ giúp cho mỗi gia đình giảm bớt nguồn chi đầu năm học, việc nhắc nhở, giáo dục học sinh giữ gìn sách giáo khoa để tái sử dụng, thậm chí sử dụng nhiều lần cũng là cách dạy cho con trẻ ý thức cẩn thận, biết thực hành tiết kiệm và biết sẻ chia ngay từ chính bộ sách giáo khoa.
Liễu Hạnh