Không chỉ là danh hiệu

19/11/2019 06:00

Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Đặc biệt, việc việc bình xét “gia đình văn hóa” cần được tiến hành nghiêm túc, lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng dân cư trên tất cả các mặt, trong đó, chú trọng vào chất lượng.

Trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Plei Trum - Đăk Choăh (phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum), khi 5/131 hộ gia đình được vinh dự lên bục nhận danh hiệu “gia đình văn hóa 3 năm liền”, tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên. Nhiều người hớn hở gật đầu: Xứng đáng lắm. Những gia đình ấy là điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm êm, hạnh phúc; sống hòa thuận, thương yêu với xóm làng nên được bầu chọn là phải.

Bà con nơi đây cho biết, dù số lượng gia đình văn hóa trong thôn không nhiều nhưng rất chất lượng. Nắm rõ các tiêu chí xây dựng “gia đình văn hóa”, không chạy theo phong trào, theo thành tích, từ việc đăng ký danh hiệu “gia đình văn hóa” đến bình chọn, thủ tục xét công nhận đều được tổ chức nghiêm túc, công khai và được thông tin cụ thể đến bà con vào buổi chào cờ sáng thứ 2 hàng tuần nên kết quả đánh giá rất thực chất, chất lượng. Nhờ đó, những hộ được bình xét “gia đình văn hóa” luôn là tấm gương sáng để những gia đình khác noi theo.

Cuộc vận động và phong trào xây dựng “gia đình văn hóa” đã có từ lâu, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nếp sống văn minh. Ý nghĩa của phong trào là điều ai cũng thấy, nhưng không phải nơi nào cũng làm được như thôn Plei Trum - Đăk Choăh. Thực tế nhìn nhận, một số nơi vẫn làm hời hợt, mang tính áp đặt, thủ tục xét và công nhận gia đình văn hóa có biểu hiện hình thức và bệnh thành tích. Có những nơi, cứ 10 hộ thì có đến 8-9 hộ đạt chuẩn “gia đình văn hóa”, nhưng khi được hỏi về các tiêu chí để được công nhận “gia đình văn hóa” thì lại khá mơ hồ, thậm chí không biết gì. 

Những hộ gia đình vinh dự được nhận danh hiệu “gia đình văn hóa 3 năm liền” tại thôn Plei Trum - Đăk Choăh (phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum). Ảnh: HT 

 

Tôi nhớ vài năm trước, dù đã chuyển đi nơi khác nhưng cứ “đến hẹn lại lên”, gia đình chị bạn tôi vẫn nằm trong danh sách “gia đình văn hóa” ở phường. Không riêng chị, một số hộ tỏ ra bất ngờ, ái ngại khi “bỗng dưng” được công nhận “gia đình văn hóa” dù từ đầu năm không đăng ký thực hiện.

Việc chạy theo số lượng dẫn đến tình trạng công nhận “gia đình văn hóa” tràn lan; kết quả không phản ánh được thực chất, không thể hiện được quá trình phấn đấu khiến “gia đình văn hóa” từ một danh hiệu đáng quý bỗng trở nên quá đỗi tầm thường và chỉ là… danh hiệu trên giấy tờ. 

Không riêng chuyện gia đình văn hóa, việc bình xét, thực hiện các khu dân cư văn hóa, tổ dân phố văn hóa cũng tương tự. Chính vì lẽ đó, số lượng “gia đình văn hóa”, tổ dân phố văn hóa, khu dân cư văn hóa thì nhiều nhưng đời sống văn hóa vẫn tồn tại nhiều vấn đề, đạo đức xã hội, nếp sống văn minh còn nhiều chuyện nhức nhối. Gia đình được công nhận văn hóa nhưng thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình, con cái bỏ học, lêu lổng; khu dân cư văn hóa nhưng lại có đối tượng nghiện ngập, hay xảy ra trộm cắp vặt…

Trước thực trạng trên, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “gia đình văn hóa”, “làng văn hóa”, “tổ dân phố văn hóa”… nhằm đưa việc bình xét, khen tặng và tôn vinh các danh hiệu văn hóa đạt hiệu quả và chất lượng. Nghị định đã đưa ra, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/11/2018, tuy nhiên, để phong trào đi vào thực chất, thiết nghĩ, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Đặc biệt, việc thực hiện theo Nghị định, việc bình xét “gia đình văn hóa” cần được tiến hành nghiêm túc, lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng dân cư trên tất cả các mặt, trong đó, chú trọng vào chất lượng.

Ngoài ra, các cấp, các ngành cần tích cực tuyên truyền, giúp cộng đồng dân cư nói chung, mỗi hộ gia đình nói riêng hiểu được ý nghĩa của việc thực hiện phong trào; nhận thức rõ những tiêu chí để phấn đấu, nỗ lực, tự giác thực hiện vì gia đình mình và vì cộng đồng.

Đặc biệt, bên cạnh việc công nhận, cần kiểm tra, giám sát, rà soát, tước bỏ danh hiệu “gia đình văn hóa” đối với những gia đình chưa đạt, hoặc không còn đạt các tiêu chí. Đồng thời, với những cá nhân, hộ gia đình, khu dân cư tiêu biểu, điển hình, xuất sắc trong việc thực hiện phong trào cần biểu dương, khen thưởng kịp thời, khơi dậy niềm tin, thi đua sáng tạo trong nhân dân.

Và quan trọng hơn, mỗi người dân cần thể hiện ý thức văn hóa từ trong nhận thức, suy nghĩ và việc làm của chính mình nhằm góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, để “gia đình văn hóa” không chỉ là một danh hiệu mà còn là nền tảng để xây dựng xã hội no ấm, hạnh phúc, văn minh.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác