07/07/2019 06:07
Chúng tôi học chung một lớp, suốt những năm cấp một cấp hai, sang đến cấp ba không còn chung lớp song vẫn đi cùng một đường. Ra trường, bạn bè mỗi đứa một nơi, mỗi việc mưu sinh, mỗi đời mỗi cảnh...
Tháng 6, Kon Tum không còn ám ảnh khát khô và dặm dài nắng cháy. Những cơn mưa khiến cho từng đồi cao su như được đánh thức sau một giấc ngủ dài, bắt đầu từ tết nguyên đán kéo sang. Cả vùng đất dốc đất đồi rộng lớn ở đây, ngày trước còn bị coi là hoang hóa. Đồng bào địa phương chỉ riêng trồng mì tỉa lúa mỗi năm một mùa, bấp bênh, thiếu đói. Cũng vùng đất ấy, hơn hai mươi năm nay đã dần trở thành những khoảnh đồi chuyên canh cao su, xanh thắm bao hy vọng, ước ao.
Tháng 6, như mọi năm thì bây giờ đã mở lại miệng cạo, khơi dòng nhựa mới. Nhưng năm nay, trong khi không ít bà con láng giềng đã hối hả trút mủ, nhà bạn vẫn còn gấp rút hoàn chỉnh công đoạn lắp ghép vật dụng, đồ dùng để khai thác mủ cao su bằng “ép khí ethylene”.
Bạn bảo, cái tên đẫm màu “công nghệ”, thoạt đầu, chỉ nghe thôi còn chưa quen; tưởng dấn chân vào, nhiều xa lạ, khó khăn. Ấy vậy mà, lần lần học hỏi, hóa ra cũng chẳng có gì thử thách. Được “thực hành” trên cây cao su hẳn hoi, càng nhận rõ ra một điều “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Bạn kể, thấm thoát, đã hơn 15 năm. Ngày ấy, vợ chồng bạn nghèo, đông con. Chưa kịp rời ghế bàn lớp cuối cấp, đã phải chân sấp tay ngửa gánh gồng bán buôn vùng sâu vùng xa, người dân heo hút. Long đong hơn 10 năm trời, may còn có lối mở ra... Ấy là gom góp ít tiền dành dụm chắt chiu để sang nhượng mảnh rẫy cách xa phố thị. Lăn lóc phát cỏ, nhổ tranh, trồng cây cao su với kỳ vọng thu về dòng sữa tươi từ đất.
Ăn bờ, ở lán ròng rã tháng ngày, tính đủ 7 năm, cây cho mở miệng. Gặp đúng “vận xui” cao su rớt giá kéo dài, vợ chồng bấm bụng “lấy công làm lời”, cầm cự cho qua những mùa ngay ngáy toan lo vì bài toán thị trường nghiệt cay chưa tìm ra lời giải...
Đó là bao nhiêu chuỗi ngày vất vả, gian nan; từ lúc đào hố, bỏ phân, đến khi cây cho mở miệng cạo. Song, vất vả, gian nan nhất, với người chăm trồng, là đến kỳ khai thác mủ cao su.
Bạn bảo, ngày trước, lát cạo trên thân chính là “vết thương” của cây, để cho ra dòng nhựa trắng. Thường khi gà gáy canh hai, canh ba, vợ chồng tất tả tay thùng tay dao, ra vườn cạo mủ. “Giấc ngon” nào biết lúc đêm dài?... Lần đầu học cách chọn vị trí mở miệng cây, độ sâu vết cạo, tính lượng dăm hao... Rồi còn cất công học từ cách cầm dao, cả tư thế đứng... Bao nhiêu là điều tưởng rất giản đơn, mà thực tình, không khó không khổ “tay quen”, chẳng thể nào thành thục... Thường thì gà gáy mấy canh..., mùa khô nhọc nhằn đã thế, những ngày mưa vất vả hơn nhiều. Biết lý giải làm sao, khi chỉ có hôm sớm gian lao mới là lúc có thể cho cây chắt tinh từng giọt sữa trắng từ trong lòng đất, thân cây; để đến lúc mặt trời lên, người trồng cao su có thể yên tâm với niềm vui nhẹ nhàng trút mủ.
Tháng 6, bạn bảo, bây giờ đã khác. Không còn dậy sớm, mất ngủ khi mạnh dạn áp dụng kỹ thuật khai thác cao su bằng ép khí ethylene. Cái loại hóc môn thực vật có trong cây cao su được nghe phân tích là có tác dụng kích thích phát triển bộ rễ của cây, không chỉ tham gia vào quá trình vận hành tạo mủ, mà còn đồng thời tác động làm cho mủ tươi chậm đông, giúp cho thời gian mủ chảy dài hơn...
|
Ngày trước, khi còn phổ biến phương pháp khai thác bằng lát cạo, người làm cao su đã quen với việc bổ sung ethylene vào thân cây thông qua bôi thuốc vào miệng cạo. Bây giờ thì khác. Không còn những lát cạo... lở thân. Một số dụng cụ nhỏ bé và đơn giản giúp cho việc truyền ethylene vào thân cây được dễ dàng, thuận tiện. Bắt đầu từ 3-4 giờ chiều hôm nay, sáng hôm sau đã ung dung thu sản phẩm. Lợi ích nhiều phần, bạn vanh vách tính ra...
Tháng 6, sau những cơn mưa, những vườn cao su tốt tươi lại lặng lẽ rủ nhau chắt tinh thành dòng nhựa mới. Dòng sữa của những mảnh đất từng nhuốm máu và mồ hôi của bao thế hệ con người, hôm nay, lại tiếp tục sang trang...
Thanh Như