25/03/2019 06:25
Kiểu người nọ rỉ tai người kia, người này dặn dò người nọ tránh ăn cho lành đó khiến thị trường thịt lợn ở các chợ trở nên ế ẩm. Thậm chí, có những gia đình lo xa tới mức, loại trừ hoàn toàn món thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn ra khỏi thực đơn hàng ngày của gia đình.
Hệ lụy kiểu tránh cho lành này khiến thị trường mua bán thịt lợn trầm lắng. Nhưng người bán buôn thịt lợn thiệt một, thì người chăn nuôi lợn lại thiệt năm, thiệt mười!
Cũng khó mà trách người tiêu dùng. Vì chẳng phải, xung quanh chúng ta đầy rẫy những vụ việc làm ăn chụp giật, thật – giả lẫn lộn, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng trở nên soi xét, khó tính hơn cũng là chuyện thường tình.
Để rồi, nhằm “qua mắt” đôi mắt soi xét, khó tính của các bà nội trợ, những nông dân, những tiểu thương lại tìm cách “lừa gạt” một chút, gian dối một chút hòng bán được nhiều hơn và tất nhiên lợi nhuận cũng sẽ cao. Trong vòng luẩn quẩn ấy, giai đoạn này, không ít bà nội trợ mỗi sáng mai trở nên lẩn thẩn: Biết đâu người chăn nuôi lại móc nối với các tiểu thương, trà trộn lợn bị bệnh vào bán. Thôi thì, cái gì nằm trong mối nghi ngờ cứ tránh ăn cho lành!
Kiểu tránh ăn cho lành theo hiệu ứng đám đông lắm khi thiếu đi căn cứ, cơ sở ấy vô tình đẩy người nông dân vào thế bí. Trong thời điểm này, người nuôi lợn là một ví dụ.
Nuôi được con lợn phải mấy tháng trời, nào tiền mua giống, nào công chăm sóc, nào rau cám… Mới nuôi, chỉ mất tiền con giống; nuôi lâu, chẳng những tiền con giống mà còn cả cám, cả công… Tất nhiên, khi lợn bị bệnh tiêu hủy, người nuôi lợn nhận được tiền hỗ trợ với mức 38 nghìn đồng/kg lợn hơi (theo quy định của Nhà nước). Nhưng, “của đau” thì “con xót”, dẫu được đền bù thiệt hại, việc làm ăn trong gia đình không được thuận buồm xuôi gió, người chăn nuôi nào chẳng lo toan.
Chưa hết âu lo với dịch lở mồm long móng trên đàn lợn xảy ra trên địa bàn tỉnh, người nuôi lợn lại thấp thỏm trước dịch tả lợn châu Phi ở các tỉnh, thành phía Bắc, nay đang có xu hướng lan rộng đến một số tỉnh miền Trung. Những hộ có lợn đang khỏe mạnh lo. Lo phải đối mặt với dịch bệnh và lo cả chuyện người dân tránh ăn thịt lợn cho lành. Những hộ có lợn đã bị tiêu hủy, đang chuẩn bị tính đến chuyện tái đàn, trước thông tin dịch bệnh, trước lo ngại của người tiêu dùng, lại tặc lưỡi, để chuồng trống, từ từ tính tiếp…
Kiểu từ từ tính tiếp của người chăn nuôi tất yếu sẽ dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Và thực tế đã xảy ra, mặc dù nhu cầu giảm nhưng nguồn cung lại không dồi dào, dư thừa. Nguyên do là một lượng lớn lợn đã bị tiêu hủy do diễn biến phức tạp của dịch bệnh lở mồm long móng trong thời gian qua và nay là nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi khiến người nuôi lừng khừng, kiểu không tái đàn hoặc không mở rộng, phát triển đàn…
Nhưng không phải nguồn cung không dồi dào mà người nuôi lợn mừng. Vì khi người tiêu dùng có tâm lý tránh thịt lợn cho lành thì dẫu nguồn cung có khan vẫn cứ khó bán. Đã thế, lại không thể cầm chừng được, lợn hàng ngày vẫn cứ phải cho ăn, vẫn cứ phải chăm mà trọng lượng thì chẳng tăng là bao, nên trừ chi phí con giống, thức ăn… lỗ cầm chắc trong tay.
Nghịch lý xảy ra. Nhu cầu được ăn thịt sạch, thịt rõ nguồn gốc là có thật và người chăn nuôi khó bán lợn cũng là có thật. Dường như giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng chưa gặp được nhau để theo kiểu đôi bên cùng có lợi.
Không để người tiêu dùng lo xa đến vậy và cũng không để người nuôi lợn “tự bơi”, cùng với đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh, làm tốt công tác kiểm dịch thì việc tuyên truyền để mọi người cùng hiểu, xóa bỏ tâm lý lo xa kiểu hội chứng đám đông và hỗ trợ kịp thời cho người nông dân là hết sức bức thiết. Vấn đề này không mới nhưng cũng không bao giờ cũ, luôn khiến cho các cấp, các ngành trăn trở, người tiêu dùng và hơn cả là người nông dân đau đáu…
Liễu Hạnh