Khi mẹ là phóng viên

22/06/2020 06:07

Đêm khuya, con khóc vang xóm nhỏ. Thấy dáng mẹ về, con ôm chặt, khóc nức nở, tủi thân rồi ngủ gục luôn trên tay. Dạo này công việc bận rộn, đi sớm, về muộn, ngày nào con cũng ngóng đợi mẹ về mới yên giấc.

Trong ánh sáng mờ mờ của bóng đèn ngủ, nhìn con nằm thiu thiu với đôi mắt ướt, sao mà thương, mà xót. “Nghề này là vậy, mẹ phải thường xuyên đi công tác, thường xuyên xê dịch, lớn dần, con sẽ quen và sẽ hiểu”- tôi chỉ biết thì thầm.

Có mẹ làm phóng viên, giấc ngủ của con tôi cũng chập chờn theo con chữ. Đêm nào cũng vậy, đợi con vào giấc, tôi mới rón rén trở dậy, lục đục bật máy, viết bài. Tiếng gõ bàn phím lọc cọc dội vào màn đêm tĩnh mịch luôn làm con giật mình. Vội vàng gập máy, quay trở ra vỗ về, à ơi… Một đêm, để tôi hoàn thành bài viết, con cũng phải thức giấc đôi ba lần. Có những hôm, được mẹ nằm ôm ngủ, con mừng khôn xiết. Cả đêm cứ cố ôm lấy mẹ, lâu lâu mở mắt kiểm tra và lại yên tâm ngủ khi thấy mẹ nằm bên vỗ về.

Ít ra, tôi vẫn may mắn khi được ở gần con. Câu chuyện của cô đồng nghiệp ở huyện Ia H’Drai luôn làm tôi rưng rưng, xúc động. Thời điểm con mới được 6 tháng, công tác ở xa, buộc cô phải gửi con cho bố mẹ. Mỗi sáng, ở huyện xa xôi, cô phải tranh thủ dậy sớm, vắt sữa, bỏ thùng bảo quản rồi gởi xe đò về cho con uống. Cả tuần đi làm chỉ được nhìn con qua những cuộc gọi video. Con đau không được ở bên chăm sóc, vỗ về. Lúc đi làm con chưa biết ngồi, lúc trở về, con đã vỗ tay hoan hô. Những lúc đó, nước mắt cứ thế trào ra, vì thương, vì hạnh phúc. Nhưng biết sao được, công việc, đành phải chấp nhận!

Làm phóng viên vui lắm! Đúng vậy, cái nghề được đi đây, đi đó, có nhiều trải nghiệm. Nhưng với phụ nữ, với những người có con mọn, mới thấm thía những khó khăn, nhọc nhằn.

Không như những nghề khác, mọi việc cơ bản được giải quyết ở văn phòng trong giờ hành chính. Còn với nghề cầm bút, thời gian ban ngày đa số là “đi chợ”, thu thập thông tin, tài liệu. Và khi mọi người yên giấc, nghỉ ngơi, phóng viên mới lọc cọc “chế biến” ra những “món ăn”. Bởi vậy, tưởng rỗi rãi, thư thả, nhưng không, theo kế hoạch, bài vở, có khi ngày mới bắt đầu từ lúc 5h sáng, mãi đến khi mặt trời khuất núi, vẫn chưa xong việc.

Bất kể mẹ nào cũng thèm ôm con, vỗ về để con say giấc, nhưng ngày ra báo sắp đến, vì trách nhiệm với công việc, những người mẹ làm phóng viên buộc phải làm. Nhớ những lần kế hoạch cận kề, tôi đành phải mặc kệ con khóc trong cũi để hoàn thành nhiệm vụ. Rồi những lần con đau, gầy rạc người, vì công việc lu bu, cũng chẳng có thời gian lo cho con chu đáo.

Có riêng gì tôi, chị đồng nghiệp, có thời điểm, thường xuyên đi công tác, chồng lại đi làm xa, việc đưa đón đành cậy vào cả hàng xóm. Đến mức, buổi chiều, chỉ cần nhìn thấy chị gọi điện thoại, hàng xóm liền biết “nhiệm vụ” của mình. Nhờ mãi cũng ngại, nhiều lúc chị đành phải để con chờ đợi ở trường, vội vã chạy từ huyện về để kịp đón.

Tết cận kề, người ta được bố mẹ chở đi sắm Tết, xem chợ hoa… Nhưng với nghề phóng viên, càng cận Tết, công việc lại càng dày đặc. Mẹ lại đi sớm, về tối. Vào Tết, người ta quây quần bên gia đình, còn mẹ, vẫn phải xách ba lô đi, chụp ảnh và viết. Năm này qua năm khác, con cũng quen luôn với việc bận rộn của mẹ.

Công việc áp lực, thời gian bận bịu, cũng có những lúc, những bà mẹ là phóng viên suy nghĩ đến việc tìm công việc khác. Nhưng vẫn còn duyên, nợ với nghề, vẫn đam mê, vậy là, dù có vất vả, vẫn vác ba lô lên, đi, viết, và sống với nghề.

Dẫu chịu không ít thiệt thòi, nhưng có mẹ làm phóng viên, con cũng vui lắm! Mỗi ngày, con được nghe mẹ thủ thỉ những câu chuyện, trải nghiệm từ thực tế. Những lần theo chân mẹ đến những mảnh đất xa xôi, con có thêm cơ hội để hiểu về những hoàn cảnh khó khăn, để biết yêu thương mọi người và trân trọng những gì đang có. Có mẹ làm phóng viên, con cũng được “truyền” năng lượng tích cực, luôn năng động, sáng tạo, tự lập.

Thôi thì, nghề nào cũng có niềm vui, nỗi buồn, vất vả và hạnh phúc riêng. Dẫu có bận bịu, những người mẹ phóng viên vẫn luôn cố gắng bù đắp, mang lại cho con niềm vui, chia sẻ, xây dựng gia đình ấm êm, hạnh phúc!

Bình An

Chuyên mục khác