31/08/2021 06:01
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ hàng hóa khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, kinh tế của người dân nói chung, doanh nghiệp nói riêng. Trong ngổn ngang đó, nhóm người khuyết tật Tự lực 1 cũng tồn đọng khoảng 4.000 cây chổi đót. Theo anh Lê Văn Thạch - trưởng nhóm Tự lực 1, trước đây, nhóm có nhận làm 4.000 cây chổi đót cho một đơn vị. Để có tiền làm số lượng lớn, nhóm phải xoay xở nguồn vốn lên đến hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, khi làm xong, do ảnh hưởng của dịch khiến hàng hóa không thể xuất được như dự kiến ban đầu.
Trước tình hình trên, nhờ có sự vận động, kêu gọi của Thành đoàn Kon Tum, sự chung tay “giải cứu” của các cơ quan đoàn thể trên địa bàn thành phố, chỉ khoảng 3 ngày sau, số lượng các loại chổi đã được tiêu thụ hết. Không chỉ hỗ trợ bán, đoàn viên thanh niên còn tích cực giúp đỡ, chia nhau chở sản phẩm giao đến tận nơi người nhận.
Trong khó khăn, việc thu mua hỗ trợ người dân là hành động kịp thời, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái. Khỏi phải nói, nhóm Tự lực 1 vui mừng đến mức nào. Bởi nhóm vốn đã chật vật, nay lại bị tồn hàng, nếu không có sự hỗ trợ, đời sống của nhóm thật sự khó khăn.
|
Không riêng câu chuyện lần này, đầu năm ngoái, tỉnh ta cũng giúp người dân trên địa bàn huyện Đăk Tô, Đăk Hà “giải cứu” dưa hấu. Cùng với việc Sở Công thương khảo sát diện tích, sản lượng dưa hấu của nông dân và làm việc với các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, các cơ quan đoàn thể cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ, nhờ đó, nhiều hộ dân đã thu được vốn liếng đầu tư. Với tinh thần tương thân tương ái, việc “giải cứu” phần nào giúp nông dân, doanh nghiệp vơi bớt khó khăn.
Việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là một yếu tố, nhưng thực tế, không phải đến khi xảy ra dịch bệnh mới phải “giải cứu”. Trước đây, không ít lần nông sản, các mặt hàng ế ẩm, người dân bán không được, cho không xong. Nguyên nhân, do thương lái “lật kèo”. Ban đầu, các đối tác hứa hẹn thu mua sản phẩm với mức giá đảm bảo. Thấy thế, người dân dốc vốn, tập trung sản xuất. Thế nhưng, khi hoạt động sản xuất và thu gom lên cao trào, các thương lái mới giở bài ép giá hoặc “rút êm” khiến người sản xuất lao đao. Bỏ vốn đầu tư sản xuất nhưng không bán được sản phẩm khiến người dân lao đao. Và để giải quyết khó khăn nhất thời, người dân phải nhờ đến sự “giải cứu” hoặc phải bán đổ, bán tháo.
Từ trước đến nay, người nông dân chất phác, tin vào chữ tín. Do đó, có những hợp đồng chỉ được thỏa thuận bằng miệng, và khi thương lái “rút” khỏi thị trường, người dân mới tiến thoái lưỡng nan. Trước thực trạng trên, một vấn đề đặt ra, người dân cần được phổ biến kiến thức, tập huấn nâng cao kỹ năng đàm phán, ký hợp đồng. Hơn thế, trong quá trình sản xuất, buôn bán, phải hiểu rõ về các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng, tính an toàn trong các giao dịch. Đặc biệt, khi nhận đơn đặt hàng, cần tìm hiểu kỹ, nắm rõ các thông tin về đối tác. Và phải cảnh giác, thông báo với các cơ quan chức năng nếu như có dấu hiệu bất thường trong giao dịch, nhất là với thương nhân nước ngoài, để tránh gây thiệt hại cho chính mình và cộng đồng.
Bên cạnh đó, đã đến lúc cần có sự tổ chức chặt chẽ, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với cung ứng, tiêu thụ nông sản. Hơn lúc nào hết, cần có sự liên kết, phát triển đa dạng thị trường để giảm tỉ lệ rủi ro, bất ổn, giúp người dân thoát khỏi cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Hoài Tiến