26/11/2018 12:59
“Im lặng là vàng” mà, các cụ vẫn bảo vậy. Im lặng vì rất nhiều người không hiểu biết đầy đủ về luật pháp, quyền của chính mình, quyền của trẻ em để mà lên tiếng.
Im lặng vì sợ “xấu chàng hổ ai”, “trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường”, hóa ra mình “vạch áo cho người xem lưng”. Im lặng vì thương các con còn nhỏ, phải chứng kiến, phải lắng nghe những bất hòa từ cha mẹ. Đã vậy, nếu nói ra, biết đâu lại phải chịu thêm những trận thượng cẳng chân hạ cẳng tay khác nữa; đã vậy, chính quyền biết được, xử phạt chồng mình – cũng từ túi tiền gia đình mà ra, lại thôi.
Im lặng khi nghĩ đến tương lai của chính nạn nhân (trẻ em gái). Nếu lên tiếng - lời ong tiếng ve mệt mỏi lắm, biết đâu còn phải chịu cái nhìn khắt khe của xã hội, không khéo còn đàm tiếu, nghi hoặc, “chắc nó cũng phải thế nào mới bị như vậy”, thôi thì chọn cách im lặng để được sống một cách bình thường như những người xung quanh, như bạn bè cùng trang lứa…
Quan niệm đó đã khiến cho không ít người cho rằng, con số khảo sát trong 10 năm (từ năm 2008 đến 6 tháng đầu năm nay), toàn tỉnh có 2.580 vụ bạo lực gia đình, tức là bình quân mỗi năm có hơn 250 vụ bạo lực gia đình và cũng bình quân mỗi năm xảy ra 10-15 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái là khi chuyện đã rơi vào thế chẳng đặng đừng, khi chén bát loảng xoảng, rượt đuổi nhau hay hậu quả đem lại nặng nề (để lại thương tích, mang thai, thỏa hiệp giữa nạn nhân với bị hại/gia đình bị hại không thành…), thì nhà bên cạnh, nhà trước mặt…, dần dà làng trên xóm dưới mới biết.
Và tất nhiên, sẽ còn những nạn nhân khác nữa (nạn nhân bị bạo lực gia đình, nạn nhân là trẻ em – đặc biệt là trẻ em gái bị bạo hành, bị xâm hại) chưa đến mức “ngoài ngõ đã tường”, tức là ở trong ngưỡng được cho “bình thường” đã chọn cho mình sự im lặng như là một cách cứu vãn tình thế, thậm chí như để “mua” lấy sự bình an.
Nhưng, im lặng có khi lại không phải là vàng!
Có là vàng được không khi biết bao nhiêu đứa trẻ bị bạo hành, bị xâm hại không thể lớn lên bình thường vì những vết thương dai dẳng và sâu sắc đó? Có bao nhiêu gia đình không thể vượt qua nỗi đau, phải lánh nạn, dọn nhà đi nơi khác sinh sống, chọn chuyển trường cho trẻ bị bạo hành, xâm hại, thậm chí mắc những chứng bệnh liên quan đến thần kinh?
Và, có là vàng được không khi chính sự im lặng lại tiếp tay cho đối tượng bạo hành “được đằng chân lân đằng đầu”. Biết bao gia đình vì thế triền miên trong những trận cãi vã, xô xát, đánh đập với mức độ vi phạm ngày càng nặng và tần suất ngày càng dày? Biết bao đứa trẻ nơm nớp trong sợ hãi, mặc cảm, tự ti khi lớn lên trong gia đình thiếu đi sự chan hòa, yêu thương của chính những bậc sinh thành mình? Bao nhiêu người chồng, người đàn ông sau vài lần “được im lặng” lại nhầm tưởng sức mạnh bản thân - là đàn ông mình phải thế, phải có quyền phán xét, hành xử, có quyền thượng cẳng chân hạ cẳng tay khi không vừa ý… và vợ mình là phụ nữ phải thế, phải nhẫn nhịn, nếu mặt mũi tay chân bầm tím vì bị chồng đánh đập cũng phải nói “bị ngã”, “bị va” … - mà thiếu đi sự tôn trọng người bạn đời? Còn bao nhiêu người vợ, mặc nhiên chấp nhận, thôi thì, “phận đàn bà”, “một điều nhịn, chín điều lành”, một điều nhịn, hai điều nhịn, ba điều nhịn…., nhịt miết thành quen đến mức nhu nhược, mất đi khả năng phản kháng?
Chỉ có điều, sự im lặng mà không ít nạn nhân bị bạo hành, bị xâm hại, đặc biệt là người phụ nữ, trẻ em gái/gia đình trẻ em gái chọn lựa đã vô tình thỏa hiệp với kẻ xấu, cái ác. Và một khi họ không dám lên tiếng để bảo vệ chính mình thì chẳng ai bảo vệ được họ. Cái xấu, cái ác được đà, “leo thang”.
Nạn nhân lên tiếng, người bạo hành, xâm hại ít ra cũng xấu hổ, cũng chùn tay vì lo sợ cộng đồng, xã hội lên án. Lên tiếng, thì cộng đồng mới biết, mới khuyên giải, sẻ chia, cao hơn là được bảo vệ và tạo ra hiệu ứng tích cực, thay đổi nhận thức, hành động về bình đẳng giới nói chung, về phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái nói riêng.
Không chỉ trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm nay với chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em” mà trải đều các ngày, các tháng trong năm - ngoài sự chủ động vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội thì cần lắm sự chủ động – lên tiếng của chính các nạn nhân. Đừng để “cái sảy nảy cái ung” – những việc sai trái lúc mới manh nha, nếu không có sự lên tiếng để giải quyết thấu tình đạt lý, lâu dần trở nên rối rắm, thành ung nhọt càng khó bề chữa trị!
Liễu Hạnh