25/10/2020 13:12
Không riêng chị, cả tuần nay, khi miền Trung hứng chịu cơn bão lũ lịch sử, nhìn hình ảnh người dân leo tận nóc nhà để tránh dòng nước ngày càng dâng cao; nhìn cảnh kêu cứu xé màn đêm, bà con trắng đêm giữa mưa lạnh; nghe thông tin về các thảm kịch liên tiếp xảy ra khiến nhiều chiến sĩ trong khi làm nhiệm vụ bỏ mình trong những lớp đất đá sạt lở… cách xa hàng trăm cây số nhưng người dân khắp tỉnh, ai nấy không khỏi thao thức, quặn thắt lòng.
“Phải làm gì đó cho miền Trung”, trái tim thôi thúc hành động, khắp nơi, từ thành phố cho đến nơi rẻo cao: Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông…; từ công chức, viên chức, công nhân lao động, nông dân, cụ già... không ai bảo ai, tất cả đều chung một tấm lòng, một nghĩa cử, tận tâm góp sức, góp của để chia sẻ với đồng bào.
Chẳng cần phải kêu gọi, khi nhìn thấy hình ảnh xóm làng bị cô lập, nhiều ngôi nhà bị lũ nhấn chìm, những bạn trẻ ở phố núi đã tức tốc huy động các nguồn lực, lao nhanh vào tâm lũ, chung sức cứu trợ. Ngày 20/10 năm nay, nhiều chị em, cô giáo kêu gọi người thân, bạn bè, thay vì tặng hoa, tặng quà, hãy để dành tiền gởi về miền Trung yêu thương. Rồi sáng thứ hai, câu chuyện mở đầu trong buổi chào cờ ở các trường là thông tin về đồng bào miền Trung bị lũ lụt để mỗi người thêm hiểu, thêm thương, chung sức, chung tay sẻ chia bằng cả tấm lòng.
|
Nghĩ về miền Trung, nhiều đoàn, nhiều nhóm còn trăn trở tìm cách để có những việc làm thiết thực. Trước khi thực hiện những chuyến xe về với “rốn” lũ, các đoàn thiện nguyện đều tìm hiểu, chia sẻ danh sách những vùng dân cư, những hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ; liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm trao đổi, nắm chắc những thứ bà con đang cần để các phần quà thiết thực đến kịp thời, đúng đối tượng.
Nhờ nắm rõ các thông tin nên bên cạnh các nhu yếu phẩm thiết yếu, mọi người vận động mua cục sạc pin dự phòng để giúp người dân giữ liên lạc, quần áo ấm, dầu gió, thuốc cảm, áo phao… Nhiều người, nhiều trường, lớp còn vận động chuẩn bị sách vở, dụng cụ học tập, kêu gọi hỗ trợ tiền để giúp người dân miền Trung vực dậy sau bão lũ. Thật ấm lòng biết bao khi giữa mênh mông biển nước, các nhà xe cũng góp sức thiết thực bằng cách ủng hộ chuyến xe không đồng cho các nhà hảo tâm vận chuyển hàng hóa cứu trợ đến tận tay bà con vùng lũ. Vậy mới thấy, hơn bao giờ hết, truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam nói chung, của người dân trên địa bàn tỉnh nói riêng luôn được phát huy trong hoạn nạn, thử thách.
Thiện nguyện rất đáng quý nhưng khi an toàn mới có thể cứu được người khác, hiểu được điều đó, những người dùng mạng xã hội tích cực chia sẻ những thông tin về dự báo thời tiết đúng và cần thiết để người dân miền Trung nói riêng, các đoàn từ thiện chuẩn bị tinh thần ứng phó, đảm bảo an toàn. Ngoài tính kịp thời, phù hợp, hiệu quả, mỗi người, trong các chuyến thiện nguyện đều đề cao, có phương án đảm bảo sự an toàn cho bản thân, cho cả đoàn.
“Nắng rồi! Nắng rồi, miền Trung ơi cố lên! Mong sao trong mấy ngày nắng, nước sẽ rút, các đội cứu hộ sẽ tiếp cận được các vùng bị cô lập, mọi người sẽ được cứu trợ”, ngập tràn mạng xã hội, những thông tin về thời tiết nắng ráo khiến ai nấy đều mừng rỡ. Chưa bao giờ người dân ở Kon Tum nói riêng, người dân cả nước nói chung mong trời hửng nắng như thế. Tất cả đều nguyện cầu, mong những tia nắng rực rỡ chiếu rọi về miền Trung để người dân sớm vượt qua được hoạn nạn.
Đã cùng nhau vượt qua được dịch bệnh Covid-19, giờ đây, triệu tấm lòng lại cùng hướng về khúc ruột miền Trung. Chắc chắn rằng, với tinh thần chung lòng giúp nhau vượt khó và sức mạnh của sự đoàn kết trên khắp cả nước, miền Trung sẽ chiến thắng thiên tai lẫn địch họa, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Hoài Tiến