Hương muối ngày Tết

06/02/2019 17:00

Khi những cánh mai vàng bắt đầu khoe sắc, cũng là lúc báo hiệu một mùa xuân mới đến. Đã trở thành nét đẹp văn hoá bao đời nay, dù ở đâu xa ai ai cũng đều hướng về cội nguồn, hướng về gia đình và trong chúng ta lại cảm thấy thân thiện, gần gũi hơn. Niềm vui như tràn ngập khi được hội ngộ cùng người thân sau một năm lao động miệt mài để vui xuân mới và đây là cơ hội để chúng ta ôn lại những kỷ niệm vui buồn sau một năm xa cách.

Tôi còn nhớ, chiều 30 Tết năm trước, cháu tôi hỏi, bác sẽ làm gì trong lúc giao thừa và ngày mùng Một Tết? Nghe vậy, trong phút chốc tôi như bị “đứng hình”. Ấy là bởi câu hỏi của cháu tôi lạ quá! Lúc giao thừa thì sum họp gia đình, cúng gia tiên; còn ngày mùng Một Tết thì chúc tết mọi người trong gia đình, bà con họ hàng, bạn bè gần xa, ai mà chẳng thế nhỉ?

Cháu tôi nở một nụ cười thật tươi, nói rằng lúc giao thừa và ngày mùng Một Tết cháu sẽ cùng mẹ đi bán muối cho khách, bao năm nay cháu vẫn thường làm như vậy.

Cháu tôi kể, cứ trước giao thừa hoặc sáng mùng Một Tết, sau khi sửa soạn cùng gia đình mâm cỗ cúng gia tiên đầu năm cho bố cúng, cháu và mẹ bắt đầu với rổ muối trên tay đi đến các cổng chùa hoặc chợ trung tâm để bán muối. Người ta mua muối đầu năm không bởi là vì họ thiếu gia vị, mà họ tin vào sự may mắn trong cõi thiện, của ngày đầu năm mới bằng việc mua một túi muối.

Các cụ vẫn nói: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Muối có vị mặn mòi của tình nghĩa, thủy chung trong cuộc sống. Còn với vôi, người dân Việt quan niệm rằng đó là sự biểu tượng của thói bạc bẽo, vô ơn. Cuối năm mua vôi chính là để xua đi những thực dụng, thực lợi, vị kỷ... đang bào mòn nếp sống chân tình vị tha.

Những đồng tiền bán muối đầu năm mẹ cháu sẽ để dành vào việc học hành, sắm sanh quần áo cho các con. Nước mắt cháu rưng rưng rằng mỗi khi nghĩ về mẹ, con tim cháu như nhói đau, xót thương. Bao mùa Tết như thế, mẹ của cháu chẳng sắm sanh gì cho mình, tóc đã điểm bạc thế nhưng mẹ của cháu vẫn miệt mài làm việc...

Mỗi khi nghĩ về hương muối Tết tôi lại nghĩ tới những người đi “bán may mắn” đầu năm như cháu và mẹ cháu. Trong trăm ngàn việc để yêu thương, gieo hạnh phúc, mẹ cháu chính là những sứ giả của mùa xuân, mang cho đời những mặn nồng, vị tha cũng như lòng yêu thương tới muôn người.

                              Hoàng Lan

Chuyên mục khác