06/04/2021 06:06
Đúng như lời giới thiệu, vừa bước chân vào cửa, một mùi hương thật khó diễn tả, nhưng cảm thấy thích lắm, quen thuộc lắm lan tỏa khắp không gian. Mùi hương đồng nội – mùi bồ kết, mùi vỏ bưởi hòa quyện trong ca nước màu nâu cánh gián sóng sánh. Thấy chị hít hà, cô chủ quán nhỏ nhẹ, chị gội bồ kết nhé. Tự tay em nấu, ai đến đây cũng thích gội nước bồ kết cả. Ai nấy đều bảo, vừa an toàn, không hóa chất, vừa như tìm lại hương xưa – hương của những ngày đã cũ…
Ừ, hương xưa. Mùi hương ấy đang viếng thăm tất cả các giác quan, tìm về trú ngụ trong từng mạch máu li ti đang phập phồng trong huyết quản. Chẳng gì thú vị hơn khi vừa thưởng thức cảm giác từng ca nước màu nâu cánh gián sóng sánh tòa hương thơm cây cỏ thấm chầm chậm vào tóc, vào da, vừa trượt trôi cảm xúc vào hoài niệm…
Chị lại nhớ về mẹ, về mấy chị em gái, về tuổi thơ, về mùi hương bồ kết xen lẫn hương cây cỏ vườn nhà lan tỏa khắp không gian căn bếp ám khói. Cứ cách 2-3 ngày là mẹ chị lúc nấu ăn tranh thủ vùi 5-7 quả bồ kết vào lớp than lá phi lao đang cháy dở. Chờ cho màu đen của quả bồ kết có thêm sắc vàng và dậy lên mùi đặc trưng là lấy ra liền. Những ngày đó thể nào chị cũng có nhiệm vụ đi quanh vườn nhà hái lá. Kiểu mùa nào thức nấy. Hôm thì nắm lá sả kèm lá hương nhu. Hôm thì nắm lá nếp, lá đinh lăng. Hôm thì lá bưởi, vỏ bưởi…
|
Quả bồ kết nướng xong, mẹ chị bẻ nhỏ cho vào miếng vải màn quấn lại. Các loại lá rửa sạch, bỏ chung với bồ kết vào nồi nước to nấu lên. Nồi nước bắt đầu sôi là lúc hương bồ kết hòa lẫn cùng các loại lá tạo thành một mùi rất riêng, hăng hắc, ngan ngát, lan tỏa khắp không gian. Chờ cho nước bồ kết nguội dần, mẹ bưng nồi nước ra giếng nước đầu nhà, í ới gọi. Cả mấy mẹ con lại ríu rít bên nhau.
Lần nào gội đầu, chị cũng nhẩn nha, túc tắc. Không vội vàng kiểu “nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ”. Mắt chị nhắm lại. Vừa không để bị nước bồ kết làm cay mắt vừa như để tận hưởng lâu hơn hương vị đồng nội. Cảm giác nhẹ nhàng với mùi hương của cây cỏ quanh nhà. Cảm giác như được xông tinh dầu dược liệu, các giác quan trở nên thông suốt. Cảm giác thư thái, chầm chậm để những gáo nước thấm đẫm tình yêu thương của mẹ dành cho các con thấm dần vào làn da, mái tóc.
Hương bồ kết và các loại lá vườn cứ thế mà theo mẹ chị và mấy chị em đi qua những cơn gió bấc rét căm căm, đi qua những tháng ngày nắng gió Lào của miền Trung đổ lửa… Hương bồ kết làm dài mái tóc mấy chị em chị, làm mướt thêm mái tóc của mẹ chị. Mái tóc mẹ chị ngày ấy đến là mê. Tóc dài qua mông, dày, óng ả.
Ngày xa nhà đi học đại học, hành trang mang theo là một ít bồ kết mẹ chị nướng sẵn bỏ vào hộp nhựa cho chị dùng dần. Nhưng cuộc sống sinh viên, lắm khi nước sôi lại thành của hiếm, các loại lá vườn nhà chẳng lấy đâu ra, chỉ được một thời gian, chị đành chọn dầu gội bán sẵn trên thị trường. Cũng loay hoay đủ loại, đủ kiểu nhưng mái tóc chị chẳng được như những ngày ở nhà, ríu rít cùng mẹ và mấy chị em bên nồi nước gội bồ kết. Cũng ngậm ngùi lắm nhưng chị đành chọn kiểu tóc ngắn cho dễ gội, dễ chăm, thành quen cho đến tận giờ.
Như tìm về hương xưa, giữa muôn vàn hương thơm, màu sắc dầu gội, chị từng chọn loại dầu gội được giới thiệu chiết xuất từ bồ kết. Nhưng dù cho đã đôi ba lần chọn loại này, đổi loại kia, chị vẫn không thể nào tìm lại được mùi hương ngày cũ.
Không ít lần chị tự hỏi, có mùi hương nào ngọt ngào, chứa chan tình yêu thương như mùi hương bồ kết cùng cỏ cây đồng nội tự thuở nào? Có không gian nào lại khiến cho hương bồ kết gắn chặt vào tâm hồn chị như nếp nhà xưa cũ, như bên giếng khơi ríu rít mẹ con, chị em mỗi chiều?
Phố phường, cuộc sống hiện đại ngày càng vắng đi những mùi hương đồng nội khiến chị từng nghĩ, mùi hương bồ kết như chỉ có sau lũy tre, chỉ thuộc về ngôi nhà cũ với cây lá um tùm.
Nên khi bất chợt gặp lại lòng tha thiết nhớ những mùa ký ức đã qua, nhớ về mùi hương đã cũ. Chợt nhận ra thời gian đã đẩy nhiều vẻ lãng mạn cùng nết ăn nết ở dân dã vào dĩ vãng. Song có những khoảng trời, những mùi hương mãi nằm trong miền nhớ. Dẫu chị có đi xa, dẫu chỉ là vô tình bắt gặp, cũng sẽ như làn gió mát dịu ùa về, mang lại bình yên từ trong tâm khảm…
Nguyên Phúc