“Hồi môn” của cha

19/06/2024 06:04

Cha tôi là người điềm đạm, ít nói, nhưng đã nói thì cứ gọi là sâu thăm thẳm. Cha tôi nói một câu rất hay mà tôi mãi khắc cốt ghi tâm: Cái gì trông bình lặng, giản dị lại chính là gốc của mọi thứ, hạnh phúc từ đó mà ra. Càng phô trương, ồn ào thì khi lui về với chính mình lại càng trống rỗng. Nói vậy và cũng thực hành vậy, thế nên cả một đời cha tôi sống rất nhẹ nhàng với những ân tình, thanh thản, say mê với những sở thích bình lặng của riêng mình.
Ảnh minh họa

 

Nói về sở thích của cha tôi mỗi ngày, gói gọn trong mấy việc, đó là đọc báo, chăm sóc cây hoa và mày mò làm ra các vật dụng phục vụ cuộc sống gia đình. Những sở thích đó của cha tôi những tưởng chẳng liên quan gì đến nhau, vậy mà cha tôi theo đuổi, nuôi dưỡng như là niềm vui sống trọn cả cuộc đời.

Còn nhớ trước đây, cuộc sống khó khăn, vài ba nhà mới được phân cho cái thau giặt, lốp xe. Hay cả sau này, dẫu các vật dụng phục vụ cuộc sống hàng ngày đã bán trên thị trường nhưng giá lại cao, vượt ra khỏi khả năng tài chính của một gia đình viên chức đông con như gia đình tôi thuở ấy. Nên tay nghề của cha tôi càng phát huy. Cha tận dụng từng từng con ốc, từng mảnh thép… để làm nên các vật dụng sinh hoạt như cái thau, cái xô, cái ca múc nước. Ngày ấy, ở quê chưa có điện, vậy mà cha tôi đã thiết kế hệ thống điện cho gia đình, ngày ở làng đóng điện, trong khi nhiều nhà còn loay hoay đủ bề thì nhà tôi đã đâu vào đấy.

Không chỉ mày mò, làm ra các vật dụng phục vụ cho cuộc sống hằng ngày, cha tôi còn mê trồng hoa, cây cảnh. Góc vườn nhà tôi dẫu nhỏ thôi nhưng mà nhờ cha chăm bón nên có cây mai bung nụ lúc chớm xuân, có vườn hoa lay ơn, thược dược rực rỡ sắc màu lúc tết về, có hoa xương rồng bát tiên đỏ rực quanh năm và có cả cây sử quân tử leo phía bờ rào ngan ngát hương thơm mỗi khi đêm về.

Ngày còn nhỏ, tôi chẳng ngẫm ngợi nhiều. Vật dụng cha làm nên, chỉ biết dùng; hoa cha trồng nên, thi thoảng ngắm và ai vào nhà khen vườn hoa, cây cảnh đẹp, cũng thấy vui vui. Sau này, đi học, rồi lập nghiệp xa nhà, mỗi khi nhớ nhà, nhớ mẹ cha, lại thấy hình ảnh cha khi thì cốc cốc, gõ gõ, tháo tháo, lắp lắp, khi thì lúi húi ngoài vườn trồng cây, bắt sâu, khi thì ngồi xếp bằng trên chiếc ghế xích đu đầu hồi nhà, chiếc kính lão trễ xuống cả sống mũi, lật từng trang báo đọc không sót một câu, một chữ nào mà nhớ thương vô cùng.

Như một khúc đoạn cuộc đời rồi ai cũng lần lượt đi qua. Từ mảnh vườn nhỏ với những luống rau mùng tơi, luống khoai lang vun đầy, những giàn bầu, giàn bí lúc lỉu trái, những đứa con của cha mẹ được ăn no trong những tháng ngày gian khó. Từ khoảng sân với cây mai, cây tường vi, những chậu hoa xếp vào nhau san sát, bao nhiêu năm xuân về mãi nở hoa trong lòng mẹ cha. Từ ngôi nhà nhỏ, những đứa con của cha mẹ lần lượt lớn lên, lấy vợ, lấy chồng, rời đi muôn phương.

Ngày anh chị em chúng tôi lấy vợ, lấy chồng, rời xa căn nhà nhỏ thân yêu, ai cũng vậy, đều được cha “hồi môn” cho một vài vật dụng, một vài chậu hoa, cây cảnh mang về căn nhà riêng của mình. Dù lúc này, các vật dụng, tiện ích phong phú, mua sắm cũng dễ dàng, hoa lá, cây cảnh cũng muôn hình vạn trạng, không dừng lại ở những loại cây truyền thống cha trồng từ thuở nào nhưng anh chị em chúng tôi dù mưu sinh nơi vùng đất mới cách xa quê nhà cả ngàn cây số vẫn nâng niu trên hành trình phương xa như một cách giữ trọn bóng hình mẹ cha mãi bên. Ai nấy đều cảm thấy hạnh phúc khi mang theo những món đồ “hồi môn” của cha - mang theo tình yêu thương ấm áp của mẹ cha, mang theo những gì lấp lánh, tươi đẹp của tuổi thơ yêu thương.

Đến bây giờ, mỗi lần ngồi bên hiên nhà, ngắm chậu hoa tường vi, chậu hoa bát tiên khoe sắc hồng, sắc đỏ, ngắm chậu cây xương rồng gai góc bỗng sớm mai khoe sắc trắng tinh khôi mà tôi thấy sao thật ấm lòng. Mấy chậu cây hoa đó đều là “hồi môn” của cha, tôi khăn gói mang theo từ ngày đi lấy chồng.

Nhìn cây, nhìn vật lại nhớ nhà, nhớ mẹ cha. Lại nhớ mấy chậu cây xương rồng hình quả cầu nhỏ xinh, cha tận dụng đủ  các vật dụng làm chậu trồng, rồi để thành cả hàng dài trước căn nhà cũ. Lại nhớ ngày tôi khăn gói đi xa, đôi tay sù sì, đôi tay thật thà, đôi tay khiêm nhường của cha cẩn thận gói ghém, bọc bao nhiêu lần báo quanh từng chậu cây như gửi gắm bao tâm tình, bao mong ước cho tôi trên chặng đường mới.

Nghĩ vậy thôi mà cảm giác những câu chuyện đã trôi qua mấy chục năm rồi đâu như mới hôm qua, lẩn quất đâu đây, như một mùi hương, như một mùi hoa, cứ trở về trong tôi bằng thương nhớ, trở về giữa những nhớ quên thấp thoáng nửa đời người.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác