Học thật, thi thật

27/05/2019 06:10

Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo Kỳ thi THPT quốc gia tỉnh năm 2019 nhằm triển khai nhiệm vụ kỳ thi mới đây, lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã đề cập đến nghi vấn về điểm thi của Kon Tum trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Không phải “ăn cơm mới nhắc lại chuyện cũ”, lãnh đạo ngành nhắc lại, nêu lại như một cách để cùng nêu cao quyết tâm nghiêm túc, công bằng, minh bạch, phải coi trọng đến yếu tố học thật và thi thật khi kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đang đến gần.

Nhớ lại chuyện cách đây gần 1 năm, trước những lùm xùm quanh chuyện sửa điểm, nâng điểm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình và có dư luận cho rằng kết quả thi THPT Quốc gia năm 2018 ở một số địa phương (trong đó có Kon Tum) là bất thường đã khiến cho các thí sinh đạt điểm số cao bằng chính năng lực của mình cảm thấy thật nặng nề. Có gì đó nhói đau, thậm chí suy giảm niềm tin khi thật - giả lẫn lộn. Các em muốn có cái nhìn khách quan. Các em không muốn “vơ đũa cả nắm”. Vì vàng thau, thật giả lẫn lộn, sự nghi ngờ dễ khiến cho con người ta - đặc biệt những bạn trẻ trên con đường bước vào đời dễ bị tổn thương, thậm chí bị xúc phạm.

Gần đây, báo chí đã “điểm danh” những thí sinh được nâng điểm thi vào đại học với mức nâng cao nhất lên 25 điểm và thành phần xã hội của bố mẹ được liệt kê bên cạnh.

Bệnh thành tích cộng với những vụ lợi của cá nhân đã khiến cho không ít người (bố mẹ và một số thầy cô giáo - những người cầm cân nảy mực trong kỳ thi) có những việc làm sai trái.

Một điều nhân văn đơn giản mà hầu như ai cũng hiểu, mục tiêu của một nền giáo dục tử tế là để lớp trẻ trưởng thành và trở thành những công dân lương thiện, có trách nhiệm với quê hương, đất nước, có tình yêu thương với những gia đình và những người xung quanh. “Thành nhân” rồi mới “thành công”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 

Nhưng, với những bạn trẻ bước đi bằng những bước “học giả” - “thi giả” ấy có thực sự đạt được mục tiêu mà một nền giáo dục hướng đến hay không? Và rồi đây, các em sẽ có một tương lai thế nào, khi được bố mẹ dắt tay vào đời bằng sự dối trá, giả sử cả khi sự dối trá ấy mãi mãi không bị phanh phui?

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 đến gần và những bất cập trong kỳ thi năm trước ở một số địa phương dần sáng tỏ thì chuyện học thật - thi thật càng trở thành nỗi trăn trở đau đáu của các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, của các em học sinh và toàn xã hội.

Nhiều đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam; nhiều trường đại học buộc những thí sinh gian lận điểm thi thôi học; không ít bạn trẻ lỡ bước những bước đi gian dối ấy giờ đây đang bị gập ghềnh, lạc bước; nhiều học sinh đạt được điểm cao bằng năng lực chính mình vẫn có gì đó nhói lòng, tổn thương… là những bài học cảnh tỉnh cho tất cả thí sinh, phụ huynh và những người làm nhiệm vụ trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.

Để có kết quả tốt nhất trong kỳ thi, trong khoảng thời gian còn lại, mỗi học sinh phải không ngừng nỗ lực trau dồi kiến thức, học thật, để thi thật. Vì muốn làm gì đi nữa, học thật - thi thật vẫn luôn là cần thiết. Học cho mình, học để tích lũy kiến thức chứ không phải lấy cái bằng. Học thật, thi thật để tự tin bước trên con đường phù hợp với năng lực và ước mơ, với mái đầu ngẩng cao đầy chính trực, dù làm bất cứ ngành nghề gì mà xã hội phân công.

Einstern từng viết: “Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”. Nhưng, tất nhiên, nó phải đi bằng chính đôi chân của mình, phải học thật - thi thật, chứ không phải bằng những điểm số của “học giả” - “thi giả”.

BÌNH TOÀN

Chuyên mục khác