Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

07/05/2024 06:09

Sáng nay, trong nắng vàng rực rỡ, gã lặng lẽ thắp nén nhang trước di ảnh của ông nội- một chiến sĩ Điện Biên.

Mỗi lần ngắm tấm ảnh đen trắng đặt trên ban thờ đang nghi ngút khói lòng gã lại chùng xuống.

Trong bức ảnh chụp nghiêng, dường như anh bộ đội mặc áo trấn thủ, đội mũ nan bọc vải quấn lá ngụy trang có cặp chân mày rậm, đôi mắt sáng, khóe môi hơi mím lại, vừa kiên nghị vừa mạnh mẽ, đang nhìn gã chăm chú.

Nghe kể, bức ảnh này được chụp trước khi ông nội cùng đồng dội bước vào Chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ). Nó được cả nhà giữ gìn như báu vật.

Sau này, ông nội chụp nhiều ảnh mới, nhưng ông luôn dặn, khi nào ông mất, con cháu lấy bức ảnh này làm ảnh thờ.

Trong nhà, ông nội thương gã nhất. Khi còn nhỏ, gã cũng quấn ông nội suốt ngày. Ngày ấy, mỗi ngày hè, công việc của gã là nấu cơm, quét dọn nhà cửa, sau đó ngồi nghe ông nội kể chuyện xưa.

Nhưng gã khoái nhất là nghe ông nội kể chuyện đi bộ đội đánh Pháp, đánh Mỹ. Từ quê nghèo heo hút ở Bắc miền Trung, ông nhập ngũ năm 18 tuổi, tham gia một chuỗi các cuộc tiến công chiến lược trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, rồi hành quân lên Điện Biên Phủ.

Cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) tại điểm cầu Kon Tum. Ảnh: H.L

 

Khi ông nội đánh Điện Biên Phủ thì ba mới tròn 1 tuổi. Hết đánh Pháp sang đánh Mỹ, ông đi nhiều nơi, Nam - Bắc đủ cả, rồi về quê công tác, cho đến khi không còn sức lội suối, leo núi nữa mới được nghỉ.

Những chuyện của ông kể đều đã xa lắm rồi. Nhưng ông vẫn nhớ từng chi tiết. Rồi đến gã, vì nghe hoài nên cũng nhớ từng chi tiết.

Gã vẫn nhớ, trong xóm ngoài ông nội ra còn có 2 chiến sĩ Điện Biên và 3 dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ nữa. Dân làng luôn tự hào về những người con của làng đã từng tham gia và góp phần làm nên “thiên sử vàng” Điện Biên Phủ.

Mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các ông, bà lại gặp nhau ôn chuyện cũ, những chuyện mà các cụ cất trong tim, trong máu, buổi sáng nhớ, buổi chiều nhớ, buổi tối cũng nhớ.

Mỗi lần như vậy, gã đều đi khoe với đám trẻ con trong làng với tất cả lòng tự hào, và thỏa mãn đón nhận những ánh mắt hâm mộ xen chút ghen tị của chúng bạn.

Và mỗi lần như thế, ông nội lại đọc những câu thơ mang âm hưởng hào hùng trong bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu.

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp!

Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!

Dù ngày ấy còn nhỏ, nhưng gã lại như thấy những ông, những bác, chú, cô trong đoàn quân “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non” suốt 56 ngày đêm mà “gan không núng, chí không mòn”.

Sau này đi học, cô giáo dạy văn từng nói rằng, cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, vang dội địa cầu, bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên đã góp phần làm nên bức tượng đài sừng sững tạc vào năm tháng.

Kể với ông nội, ông trầm ngâm giây lát rồi nói: Đó cũng là một ý hay. Nhưng với những chiến sĩ Điện Biên như ông, đó là một ký sự bằng thơ, đậm tính thời sự. Trong từng câu từng chữ có gian khổ và hy sinh, có máu đổ và hân hoan chiến thắng, có mất mát và niềm tin.

Bởi theo ông, ngay trong 2 câu đầu tiên, nhà thơ Tố Hữu đã viết “Tin về nửa đêm/ Hỏa tốc hỏa tốc…”. Những lời thơ ấy không phải được viết ra sau khi giành được chiến thắng, như một sự ăn mừng mà hình thành ngay khi chiến thắng:

Đuốc chạy sáng rừng

Chuông reo tin mừng

Loa kêu từng cửa

Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa…

Bây giờ, ông nội và các cụ đều đã thành người thiên cổ, nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh những người lính Điện Biên chụm đầu bên nhau, rì ầm nhắc lại kỷ niệm máu lửa ở Điện Biên Phủ năm xưa, gã lại như nghe vang vang đâu đây giọng đọc của ông nội:

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

Chiến sĩ anh hùng

Đầu nung lửa sắt

Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi,

                               ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt

Máu trộn bùn non

Gan không núng

Chí không mòn!

Cụm pa nô chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: HL

 

Từng chữ đều khắc họa một cách trực diện cuộc chiến đấu gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt của quân dân ta để giành thắng lợi cuối cùng.

Từng câu đều khắc họa nên một Điện Biên Phủ- đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh; một cuộc chiến toàn dân, toàn diện, có sự đóng góp sức lực và xương máu của cả nước:

Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ

Đèo Lũng Lô anh hò chị hát

Dù bom đạn xương tan thịt nát

Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh.

Trong đó, sáng rực lên chân dung của những chiến sĩ Điện Biên, những anh hùng đã anh dũng hy sinh:

Những đồng chí thân chôn làm giá súng

Đầu bịt lỗ châu mai

Băng mình qua núi thép gai

Ào ào vũ bão,

Những đồng chí chèn lưng cứu pháo

Nát thân, nhắm mắt, còn ôm...

Để đến trưa ngày 7/5, Cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng giặc, nơi nơi mừng đón “rực trời đất Điện Biên toàn thắng”.

Và máu và nước mắt, tuổi thanh xuân của những anh hùng, liệt sĩ Điện Biên sẽ không uổng. Đất Điện Biên sẽ đơm hoa kết trái từ những mất mát, hy sinh:

Hỡi các chị, các anh

Trên chiến trường ngã xuống

Máu của anh chị, của chúng ta không uổng

Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam

Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam

Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng

Trong phút lắng lại của niềm hân hoan chiến thắng, mọi người nhớ đến Bác Hồ và nghĩ tới công lao của Bác trong trận quyết đấu lịch sử này:

Bác đang cúi xuống bản đồ

Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo...

Từ khi vượt núi qua đèo

Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày

Tổ quốc Việt Nam ta, nhân dân Việt Nam ta mãi ghi nhớ ngày 7/5/1954, ngày “rực trời đất Điện Biên toàn thắng”. Trong tâm trí của bao thế hế mãi vang vọng “tiếng reo núi vọng sông rền” từ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”.

Muôn đời sau, Chiến thắng Điện Biên Phủ và Chiến sĩ Điện Biên sẽ là tượng đài bất tử!

HỒNG LAM

Chuyên mục khác