Hoài niệm

31/12/2021 10:48

Tôi thường hoài niệm về những ngày tháng đã qua. Không phải vì “đã già”, mà hoài niệm để không thể quên, để thấy cuộc đời này, dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn có những điều tốt đẹp. Và hoài niệm giúp tôi sống ý nghĩa hơn, với chính mình và với đời.

Bạn có thường nhớ về những gì đã đi qua trong cuộc đời mình với bao cảm xúc yêu thương đong đầy không? Có vẩn vơ nghĩ về những gì đã qua mỗi khi nhìn thấy, nghe thấy điều gì đó mang tính gợi nhớ?

Riêng tôi, những kỷ niệm, cảm xúc đã từng đi qua trong đời vẫn thường bất chợt ùa về mỗi khi có cơ hội. Và tôi luôn đón nhận nó bằng sự nâng niu, trân trọng, và sau đó, “sắp xếp” nó vào một “ngăn” nào đó trong tâm trí, để nó không bị lãng quên, hay bị xóa nhòa trong dòng chảy ký ức.

Người ta thường bảo đó là hoài niệm.

Tháng năm trôi đi, trong mỗi con người chúng ta có biết bao nhiêu là ký ức, kỷ niệm. Chút hoài niệm ấy thường đến khi trên đường đời ta vô tình bắt gặp những khoảnh khắc, không gian, hình ảnh thân thương nào đó mà ta chợt thấy “quen quen”.

Cũng có khi ta tự tìm về chút hoài niệm để khỏa lấp những nỗi nhớ trong tâm hồn hay đơn thuần chỉ là muốn lưu giữ lại những kỷ niệm thật đẹp đẽ trong cuộc đời mình. 

Nhớ vị bánh thuẫn ngày Tết. Ảnh minh họa

 

Nhìn một bức ảnh hay nghe một cuộc điện thoại với đứa bạn thân nơi phương xa cũng khiến tôi cảm thấy nhớ quay quắt thuở ấu thơ với những trò đùa tinh nghịch cùng bạn bè chốn quê nhà. Nhìn nồi khoai bốc khói nghi ngút ở góc chợ trong buổi sớm tinh mơ, tôi cũng nhớ lắm những năm tháng  học trò gian khó, sáng nào mẹ cũng dậy sớm lui cui nấu khoai cho mấy chị em ăn để đến trường.

Nhìn bức ảnh của người bạn chụp cảnh gặt lúa trên những cánh đồng ở vùng ven thành phố, tôi chợt nhớ, chợt thương thật nhiều những giọt mồ hôi ướt đẫm lưng áo của ba mẹ mỗi mùa gặt.

Rồi chiều qua, trên đường đi làm về, tôi ngẩn ngơ khi bắt gặp cảnh những đứa cháu quây quần bên bà, tôi lại nhớ da diết đến dáng hình và những cử chỉ yêu thương của ngoại mỗi khi ôm ấp, vỗ về bầy cháu bé bỏng, trong đó có tôi.

Sáng cuối tuần, ngồi nhâm nhi ly trà nóng bên góc phố, tiết trời lành lành của những ngày cuối đông, nhìn sang bên kia đường, người ta phơi đầy  củ kiệu, su hào, cà rốt…, tôi nhớ đến hũ dưa món của mẹ mỗi khi tết đến xuân về. Ở quê tôi, mà không, ở bất cứ làng quê nào khác, Tết đến, trong nhà dường như chẳng bao giờ thiếu dưa món. Dưa món để cúng ông bà; dưa món không bao giờ “vắng mặt” trong các bữa ăn. Ngày nhỏ ở quê, tôi vẫn thường giúp mẹ lặt củ kiệu ngâm nước tro; rồi xắt cà rốt, su hào để mẹ chần qua nước muối, đem phơi heo héo trước khi chế biến thành món dưa nhiều màu sắc.

Những ngày cuối Đông, đi trên phố, tôi rất thích được ghé vào những nơi làm bánh mứt cho đỡ nhớ những buổi chiều cuối năm cùng ngoại và mẹ làm bánh thuẫn, làm mứt gừng, mứt dừa. Nhìn đôi tay thoăn thoắt của người thợ bánh, tôi như thấy mình cũng đang lấy từ khuôn đồng nóng rực ra những cái bánh thơm lừng, ngun ngút khói. Để có những cái bánh thơm tho ấy, ngoại và mẹ  đã phải nhồi bột, đánh trứng từ hôm qua. Bột trứng dẻo nhẹo, cầm bàn chụp đánh mỏi nhừ tay, thì bột mới dậy, bánh mới nở bung. Than rực dưới đáy khuôn bánh, rải ủ đều trên cái nắp bằng đồng nữa, cho hai mặt bánh vàng đều.

Những mẻ bánh đầu, do khuôn chưa nóng đều, thường thì khét quá hoặc chưa được vàng ươm như ý, mẹ để riêng ra, cho tôi mời bạn bè. Những cái bánh ngon nhất, đẹp nhất được đặt vào hộp riêng, để dành cúng gia tiên.

Những chiếc bánh thuẫn của ngoại và những bì bánh mứt ngày tết do chính tay mẹ làm thường cất thật kỹ trong chiếc tủ dưới chân có kê 4 chén nước thật to để kiến khỏi đánh hơi bò lên “đánh chén”. Mùi thơm của trứng, của bột nếp sấy để làm nên những chiếc bánh thuẫn, bánh in; rồi mùi thơm phức của mứt gừng, mứt dừa… tạo nên hương vị tết không thể nào phai nhòa trong tâm trí.

Người ta bảo, “có tuổi” rồi người ta mới thường hay sống hoài niệm. Cũng đúng! Nhưng với tôi, có khi chưa hẳn đã là “có tuổi” mà gọi là “già trước tuổi” thì đúng hơn. Bởi từ ngày sống xa nhà, xa quê, tôi đã thường hoài niệm. Hoài niệm để nhắc bản thân luôn nhớ về nơi mình đã sinh ra. Hoài niệm để giúp tôi bớt nhớ nhà. Hoài niệm để luôn nhắc bản thân mình luôn nhớ những năm tháng khó khăn của gia đình để từ đó ý thức vươn lên trong cuộc sống.

Hoài niệm cũng đã cho tôi thật nhiều cảm xúc để viết lên những bài viết mà ở đó mình được trải nghiệm rất nhiều điều, dù sự trải nghiệm ấy lắm lúc cũng nhiều gian nan, vất vả.

Tháng năm trôi đi, dù dòng đời ngược xuôi vất vả, nhưng chắc chắn một điều rằng tôi vẫn luôn giữ mãi những ký ức, hoài niệm đẹp đẽ. Hoài niệm để không thể quên, để thấy cuộc đời này dẫu còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có những điều tốt đẹp.

Và hoài niệm giúp ta sống ý nghĩa hơn, với chính mình và với đời.

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác