Hãy đặt mình vào vị trí của con!

16/04/2018 07:00

​Khi đọc thông tin nam sinh Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, Thành phố Hồ Chí Minh nhảy lầu tự tử vì áp lực học hành, tôi tự hỏi, không biết có bao nhiêu phụ huynh giật mình?

Mỗi ngày, đứng trước các cổng trường cấp hai, cấp ba sau giờ học, không khó để nhìn thấy hình ảnh các em học sinh gặm vội ổ bánh mì, cái bánh tiêu hoặc ly nước đậu lót dạ để tiếp tục lên xe đi học thêm. Có nhiều em, học cả ngày kết thúc lúc 5h chiều nhưng phải đến 9h tối mới được đặt chân về nhà sau 2 ca học thêm. Thế rồi, chỉ vội thay cái áo, tắm táp, chưa kịp tỉnh táo lại vội vàng bắt đầu học bài cũ, chuẩn bị bài mới để tiếp tục sáng mai lên lớp.

Theo quy định, người lao động đi làm 8 tiếng/ngày để có thời giờ nghỉ ngơi, nhằm đảm bảo sức khỏe, nâng cao hiệu suất và làm việc được lâu dài. Các em học sinh cũng phải lao động trí óc, tiếp thu, vận dụng kiến thức mỗi giờ, nhưng nhiều phụ huynh ép con phải học cật lực từ 7h sáng đến 21h, 22h thậm chí 23h đêm thì bộ óc các em sao chịu nổi?

Nhớ năm ngoái, bé gái con của thầy hiệu trưởng một trường danh tiếng trên địa bàn tỉnh tham gia lớp học cầu lông. Giai đoạn đó, bé đang ôn thi vào lớp 10. Bố là hiệu trưởng, mẹ là giáo viên dạy giỏi, bé bị áp lực: “Phải thủ khoa hoặc đứng tốp  đầu vào, nếu không thì bố mẹ không có mặt mũi nhìn ai”. Vậy là, cứ hết giờ học trên trường, cô bé lại mang trong mình áp lực: phải nhồi nhét, phải học, phải học để không phụ niềm kỳ vọng, không làm ba mẹ xấu hổ.

“Em mệt mỏi, stress, áp lực lắm! Lúc nào cũng học, học, học, em phải học từ sáng đến tối mịt, em không chịu nổi” - nhiều lần bé khóc và tâm sự trên sân. Áp lực đến nỗi, đầu óc căng thẳng, bé không tự chủ được việc làm của mình. Lên sân, bé chỉ cầm cầu, đánh thật mạnh dù thầy không cho phép; đôi lúc lại cười toáng lên, ngồi tách biệt rồi lại lảm nhảm trong miệng.

Kỳ thi trôi qua, bé cũng đứng top ten, đúng như mong muốn của ba mẹ. Những tưởng thôi áp lực, nhưng không, bé lại níu tay tôi, khóc nức nở: “Lịch học thêm của em vẫn nhiều như vậy. Em chỉ muốn nghỉ ngơi, đi chơi nhưng không được”.

Sáng nay, trên mạng lan truyền bức thư hiệu trưởng một trường ở Singapore gửi cho phụ huynh trước kỳ thi. Trong thư, ông nói rằng: “Kỳ thi của các con sắp bắt đầu, tôi biết quí vị đều lo lắng, muốn con mình làm bài tốt… Nếu con của quý vị đạt điểm số cao, điều đó thật tuyệt vời. Nhưng nếu chúng không đạt được, thì làm ơn đừng lấy đi của con sự tự tin và phẩm giá của chúng. Hãy nói với con rằng: không sao đâu, đó chỉ là một bài thi. Con được nuôi dạy cho những điều to lớn hơn thế nhiều. Hãy nói với con rằng: dù điểm số như thế nào cha mẹ cũng vẫn yêu con và sẽ không đánh giá thấp con…”.

Tôi tin chắc rằng, trong số rất nhiều phụ huynh, không mấy ai làm được như lời thầy hiệu trưởng này nhắn nhủ. Bởi, sau mỗi giờ học, bước chân về nhà, câu đầu tiên ba mẹ hỏi luôn là: “Hôm nay con được mấy điểm?”. Điểm số cao thì không sao, điểm số thấp, ngay lập tức bị phàn nàn, la mắng, thậm chí bị cho ăn đòn.

Không chỉ tạo áp lực về điểm số, dường như bố mẹ bị mất niềm tin vào chính bản thân mình nên luôn đặt một niềm hi vọng lớn ở con: sau này con phải làm bác sĩ, con phải làm kiến trúc sư, công an… để làm nở mày nở mặt ba mẹ, dòng họ…

Bởi vậy, ngay từ nhỏ, dù con thích học văn nhưng cứ bắt con phải luyện toán, lý, hóa, sinh; con thích trở thành vận động viên chạy bộ nhưng cứ bắt con phải vào “lò” luyện anh văn, toán để đỗ vào trường ngoại ngữ. Theo ba mẹ, con tự ti vì học mãi không giỏi, đánh mất niềm đam mê vào năng khiếu mình có. Không theo ba mẹ, lại trở thành con hư, không nghe lời.

Mới đây, một em trai có nhắn tin cầu khẩn rằng: “Chị ơi! Chị thuyết phục ba mẹ cho em học thiết kế thời trang đi! Em thích nghề đó quá mà ba mẹ em nhất quyết không cho. Ba mẹ muốn em mạnh mẽ, sợ em vô ngành thời trang sẽ yểu điệu…”.

Trên đời này, đâu chỉ có công an, bác sĩ, đâu chỉ có ngân hàng mà còn có rất nhiều ngành nghề. Mỗi ngành nghề đều nuôi sống mỗi người. Và hơn thế, tôi tin chắc rằng, được học điều mình thích, làm điều mình đam mê, các em sẽ có được niềm vui, chắc chắn sẽ làm tốt và thành công hơn nhiều.

Dẫu biết rằng, cha mẹ nào không mong những điều tốt đẹp đến với con; mong tương lai của con sẽ rạng ngời, không phải khổ cực, nhưng mong các bậc phụ huynh hãy đặt mình vào chính bản thân của các con. Đừng vì sự kỳ vọng quá mức của mình mà áp đặt, biến các con của mình thành “những con gà công nghiệp”, nói đâu làm đó, không có niềm đam mê, theo đuổi riêng của mình. Đừng vì áp lực của mình khiến con mất đi sự tự tin, luôn mặc cảm vì không được là chính mình.

Kỳ thi cuối năm học sắp đến và kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học năm 2018 sắp chạm ngõ. Hi vọng, cái chết của nam sinh nêu trên sẽ là liều thuốc cảnh tỉnh cho nhiều phụ huynh!

Hoài Tiến

Chuyên mục khác