07/12/2021 06:17
Trong một phóng sự mới đây khi nói về tình trạng nhiều người dân đến các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhưng không quét mã QR, phóng viên trực tiếp dẫn hiện trường đã gọi QR là “quy a”. Nếu không đã nhiều lần quét mã QR, nếu không xem phóng sự ngay từ đầu thì nói thật, tôi không thể biết “quy a” là gì. Có lẽ, chính phóng viên sử dụng văn nói theo thói quen khi phát âm cách trên cũng không nghĩ ngợi nhiều, thông điệp cốt lõi mà phóng sự cần gửi đến là mỗi người nên nêu cao ý thức quét QR khi đến các cơ sở kinh doanh, dịch vụ… đã đảm bảo sự nhanh nhạy, lan tỏa rộng khắp. Tuy nhiên, cách phát âm hai chữ cái là Q, R nửa tiếng Việt, nửa tiếng Anh, khó đoán, lại được phát trên sóng truyền hình khiến cho không ít người bối rối.
Thực tình kiểu phát âm nửa Việt nửa Anh, kiểu nói tắt, viết lóng, viết thiếu chữ… ngày càng nhiều trong những năm gần đây, đặc biệt là trong đời sống sinh hoạt, trong sử dụng mạng xã hội, thậm chí trên các phương tiện thông tin đại chúng.
|
Ngoài sự giao lưu về văn hóa, về ngôn ngữ, nhiều người đã mượn một số từ nước ngoài để đảm bảo sự nhanh gọn, hiện đại, đa nghĩa, thân thiện thì cũng có những trường hợp cách phát âm, cách viết có sự cải biến. Hoặc là kiểu nửa tây nửa ta, hoặc là cắt bớt, thay đổi từ, sử dụng từ lóng… trong cách nói, cách viết khiến không ít người cảm thấy khó thích ứng hay nói cách khác là khó nghe…Thậm chí có trường hợp chỉ một câu ngắn đăng tải trên Facebook cá nhân đã lạm dụng tới hai, ba lần những từ lóng như: vãi…, lại còn bày tỏ sự thích thú vì cho rằng bắt nhịp được trào lưu, được xu thế khiến không ít người cảm thấy thiếu đi sự chuẩn mực trong sử dụng ngôn từ.
Quá trình toàn cầu hóa với sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ có tác động không nhỏ đến ngôn ngữ. Qua đó đã tạo điều kiện quảng bá và phát triển ngôn ngữ, sáng tạo ra những yếu tố mới nhằm làm cho vốn từ, vốn câu và cách nói tiếng Việt phong phú, đa dạng, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng tiếng Việt thiếu chuẩn xác, nửa tây nửa ta ngay trong phát âm một cụm từ, sáng tác từ mới theo kiểu nói lóng, nói chệch… trong một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ ảnh hưởng không nhỏ đến sự trong sáng của tiếng Việt.
Ngôn ngữ là một thành tố đặc biệt quan trọng của văn hóa tinh thần. Nên nói như thế nào, viết như thế nào để người nghe, người đọc vừa dễ hiểu, dễ tiếp thu, lại vừa góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và thể hiện nét đẹp văn hóa của ngôn ngữ, nét đẹp văn hóa của mỗi con người không phải là dễ.
Nhưng có lẽ trên hết và trước hết, điều mà mỗi người cần phải quan tâm trong việc sử dụng tiếng Việt gồm cả nói và viết phải theo một hệ thống quy định về chuẩn mực. Mà chuẩn mực đó mỗi người chúng ta được dạy dỗ, rèn giũa từ khi bập bẹ những tiếng nói đầu tiên, cho đến những tháng năm được dạy đọc, dạy viết trong chương trình giáo dục phổ thông và cao hơn, chuyên sâu hơn nữa là ở bậc đại học, sau đại học.
Nếu mỗi người, đặc biệt là lớp trẻ sử dụng nhiều, lâu dần thành thói quen những kiểu nói, viết nửa tây nửa ta, nói tắt, viết tắt, nói lóng, viết lóng…, sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển ngôn ngữ, đến giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Và tất nhiên hệ lụy đi kèm, viết sai chính tả, sai ngữ pháp, nói cộc lốc, dùng từ không phù hợp ngữ cảnh, ngữ nghĩa… đang xuất hiện ngày càng nhiều trong lớp trẻ.
Cha ông ta từ xưa có câu “Người thanh tiếng nói cũng thanh”. Tất nhiên hàm nghĩa nội dung câu tục ngữ mà ông cha ta muốn gửi gắm rộng hơn nhiều, nhưng trong đó phần nào nhấn mạnh một điều, lời ăn tiếng nói (ngôn ngữ nói chung) cũng phần nào thể hiện nét đẹp văn hóa của chính mỗi người.
Bởi vậy, “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” không chỉ là khẩu hiệu mà phải là hành động cụ thể của mỗi người trong lời ăn, tiếng nói, cách viết mỗi ngày. Cùng với tiếp nhận những cái mới, cái đẹp thì việc không sử dụng, loại bỏ những yếu tố thiếu chuẩn mực, không phù hợp ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt, đến văn hóa ngôn ngữ là hết sức cần thiết. Đúng như lời Bác Hồ đã căn dặn “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.
Nguyên Phúc