15/04/2019 06:13
Mãi đến khi “Khá Bảnh” bị bắt, không ít người mới giật mình, tò mò đặt câu hỏi: “Khá Bảnh là ai”?
Nhưng, có lẽ đó là chuyện của người lớn. Từ trước đó, Khá Bảnh như trở thành “idol” (thần tượng) với không ít bạn trẻ: có học sinh tìm về tận nhà Khá Bảnh xin chữ ký, có học sinh của một trường học tổ chức đón tiếp Khá Bảnh nồng nhiệt, xin được chụp ảnh chung, xin chữ ký…
Mà chẳng nói đâu xa, cách đây không lâu, cu con hàng xóm tầm 5-6 tuổi sau một hồi xoay xoay hai bàn tay múa, người lắc lư, lại níu tay mẹ, con thích cắt tóc giống Khá Bảnh? “Khá Bảnh là ai” – khi ấy, cả tôi lẫn mẹ cậu bé đều hỏi.
Bạn con có tóc húi cua hai bên, còn tóc trên đỉnh đầu và gáy để dài xuống, bạn bảo đó là tóc Khá Bảnh. Con thích để tóc giống như vậy!
Từ câu chuyện của Khá Bảnh để thấy, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, khoảng cách địa lý, mạng xã hội và những nhân vật mạng xã hội có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của mọi người, đặc biệt là lớp trẻ hiện nay.
Sẽ chẳng có gì là nên chuyện, nếu đây là một hình mẫu nghiêm túc, không ngừng nỗ lực trong học tập, lao động, rèn luyện… Khá Bảnh “nổi lên” trong cộng đồng mạng với “điệu múa quạt”, các phát ngôn, hành động gây sốc và mới đây đã bị công an bắt vì liên quan đến cờ bạc, đề đóm…
Với cậu bé hàng xóm trong câu chuyện vừa kể có lẽ còn quá nhỏ để định hình sở thích, tính cách. Nhưng, từ chuyện nhỏ như kiểu tóc, điệu múa và đặc biệt là nhân phẩm của nhân vật mà cậu bé thích, nếu không có sự điều chỉnh, lâu dần sẽ trở thành chuyện lớn.
Chuyện lớn ở đây là sự lệch chuẩn, nhầm lẫn về giá trị. Nếu cứ theo đà “học hỏi”, chạy theo những “idol” cộng đồng mạng kiểu Khá Bảnh, lâu dần, sẽ dần hình thành lên một lớp trẻ không phân biệt được cái xấu, cái tốt, không phân biệt được cái đúng, cái sai, dễ dàng chạy theo những hành vi lệch chuẩn; có những ứng xử thiếu văn hóa, thiếu đi sự lễ phép với những người lớn tuổi; thiếu đi sự nhân ái, khoan dung, độ lượng; thiếu đi sự chia sẻ, cảm thông của tình người...
Chuyện lớn ở đây là sẽ có những tác động tiêu cực đến nhận thức và ngày càng xuất hiện nhiều các hành vi lệch chuẩn về đạo đức, đặc biệt ở lứa tuổi các em học sinh – tâm lý tuổi mới lớn thường thích thể hiện mình. Lúc ở trường thì vi phạm nội quy nhà trường: hút thuốc, thủ dao trong cặp, quay cóp bài, mắng chửi bạn bè, thầy cô, tỏ thái độ bất cần, bất hợp tác. Lúc ở nhà các em thể hiện sự lười biếng, ỷ lại, sống thiếu trách nhiệm với gia đình và người thân trong gia đình. Khi ra ngoài xã hội thì các em biểu hiện rõ nhất là vi phạm Luật Giao thông đường bộ, kế nữa đón lõng dọc đường để xử bạn không vừa ý, la cà ở quán game, trộm cắp để có tiền tiêu xài, đánh đập nhau rồi quay video cổ vũ tung lên mạng xã hội…
Chuyện lớn ở đây còn là sự im lặng, thậm chí là chạy theo cái xấu, cái ác. Có những học sinh bị các bạn cùng trường bắt phải nộp tiền hàng ngày, đã giấu diếm thầy cô, cha mẹ, bạn bè, im lặng nộp tiền như một cách để yên thân. Có những học sinh phải “quỳ gối”, chấp nhận im lặng trước những đe dọa về thể chất và tinh thần ngay từ chính những người bạn của mình vì sợ trả thù… Khi các em hoặc có sự nhầm lẫn về giá trị, hoặc vì sợ hãi mà im lặng trước cái ác, cái xấu, thậm chí là chạy theo cái ác, cái xấu cũng đồng nghĩa với việc các em đồng lõa với cái xấu, cái ác.
Thực trạng này thật sự đáng lo ngại, nhất là khi mạng xã hội phát triển như hiện nay thì tình trạng này càng dễ lây lan. Nếu các em không được trang bị năng lực ứng xử, tiếp nhận thông tin sẽ khó mà phân biệt đúng, sai, dễ dàng chạy theo “hiệu ứng đám đông” kiểu như tung hô Khá Bảnh.
Các em cần được uốn nắn, nhắc nhở, định hướng, giáo dục nhân cách… từ người lớn, mà đầu tiên là ngay từ các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh. Một khi các em được giáo dục, định hướng đúng đắn cũng đồng nghĩa với việc các em được trang bị “văcxin” tự ngăn ngừa, không dễ bị ám thị bởi những “idol” kiểu Khá Bảnh, không bị cái xấu, cái ác lôi kéo, điều khiển.
Liễu Hạnh