Giảm lượng, nâng chất các cuộc họp

24/12/2018 06:05

Đang cắm cúi lướt thông tin thời sự, anh bạn chợt ngẩng lên nói to, từ ngày 25/12, Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước có hiệu lực. Phải thế chứ, có quy định cụ thể như vậy sẽ không chỉ cắt giảm các cuộc họp không cần thiết, không mang lại hiệu quả mà còn tiết kiệm được ngân sách, tiết kiệm được thời gian.

Nghe anh nói, những người có mặt ai cũng gật gù bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ trước một quy định đúng đắn.

Tôi cũng vậy. Đặc thù nghề nghiệp may mắn được tham dự nhiều cuộc họp với đủ các nội dung, quy mô, thành phần khác nhau…, tôi nhận ra rằng, họp là hết sức cần thiết. Có những cuộc họp, nếu không họp thì công việc không thể “xuôi chèo mát mái” được. Các cuộc họp này luôn có sự chuẩn bị chu đáo từ nội dung, tài liệu, thành phần mời họp, đúng giờ giấc quy định, đi sâu vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm… đã lấy được ý kiến, trí tuệ tập thể, đề ra các giải pháp, quyết sách, có sự thống nhất, giải quyết các vấn đề vướng mắc, ách tắc để công việc thông suốt hơn, trôi chảy hơn…

Chỉ đáng lo ngại, họp không mang lại hiệu quả, họp nhiều quá, đến mức lạm dụng, đặc biệt là vào những thời điểm cuối năm, chuyển giao năm cũ và năm mới như hiện nay.

Có lãnh đạo đã thống kê số cuộc họp phải tham dự trong một năm khiến người nghe phải giật mình; thậm chí, từng có lãnh đạo sở ở một địa phương còn đề xuất xin thêm một cấp phó để… đủ người đi họp. Cán bộ, công chức phàn nàn họp nhiều quá, chẳng có thời gian mà đi cơ sở, chẳng có thời gian nghiên cứu tài liệu, đọc sách vở để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, chẳng có thời gian để mà làm việc này, việc nọ. Người dân thì kêu ca, đôi khi cần làm việc nọ, việc kia, đến cơ quan nọ, cơ quan kia mà không gặp được cán bộ để giải quyết vì… bận họp.

Nhưng, số lượng lại không đi cùng với chất lượng cuộc họp. Không ít cuộc họp sau phần khai mạc, là hết đọc báo cáo này đến báo cáo khác, hết tham luận nọ đến tham luận kia… đã chuẩn bị, in sao phát tài liệu cho đại biểu từ trước. Nhiều đại biểu đi cả hàng chục cây số, thậm chí hàng trăm cây số tới cuộc họp chỉ để nghe đọc báo cáo. May ra, có vài ba phút ý kiến góp ý nên bỏ đoạn này, sửa lại câu kia cho báo cáo mà thiếu đi sự trao đổi, thảo luận, bàn bạc, tranh luận, phản biện để tìm ra các giải pháp đúng đắn, hiệu quả hơn cho vấn đề mà cuộc họp đang hướng đến.

Đúng là khó mà chấp nhận kiểu suốt ngày họp hành trong khi hiệu quả công việc không cao như thế này!

Nên, phải giảm các cuộc họp cho có, không cần thiết; giảm các cuộc họp mà thiếu đi sự chuẩn bị để phải họp lui họp tới nhiều lần; giảm các cuộc họp thiếu đi sự gắn kết giữa các đại biểu, thành phần dự họp tràn lan, người thì trốn họp, người thì làm việc riêng; giảm các cuộc họp để giải ngân kinh phí; giảm các cuộc họp thì ít mà lấy cớ để giao lưu, tham quan thì nhiều… trở nên cần thiết và cấp thiết hơn bao giờ hết.  

Quyết định 45 đã có, với các điều khoản cụ thể: các trường hợp không được tổ chức họp, chuẩn bị nội dung họp, nguyên tắc tổ chức cuộc họp, trách nhiệm của thủ trưởng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc họp, hình thức tổ chức họp… nên đã  nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của không chỉ anh bạn, của tôi mà còn của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Vấn đề là để quy định đi vào cuộc sống - đặc biệt vào thời điểm “mùa họp” cuối năm như hiện nay - các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu cần có sự đổi mới việc tổ chức các cuộc họp sao cho hiệu quả, thiết thực. Họp phải đúng đối tượng, lồng ghép các cuộc họp với nhau, nội dung họp phải chuẩn bị chu đáo… để dần giảm bớt các cuộc họp “có mà như không”. Họp phải khai thác tối đa khoa học và công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin, thư điện tử và lựa chọn hình thức họp phù hợp, hiệu quả, chú trọng các cuộc họp trực tuyến… để giảm bớt chi phí đi lại, ăn ở, thời gian, nâng cao hiệu quả điều hành,  quản lý...

Liễu Hạnh

Chuyên mục khác