GIẢI QUYẾT NHỮNG VƯỚNG MẮC TRONG XÂY DỰNG ĐẬP ĐĂK RƠN GA: Trách nhiệm thuộc về ai?

30/10/2016 14:28

Đập Đăk Rơn Ga được phê duyệt xây dựng để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân ở 2 xã Tân Cảnh, Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô). Song 2 năm nay, kể từ khi đập tích nước cũng là lúc con đường đi vào khu sản xuất của 40 hộ dân ở thôn 4, xã Tân Cảnh ngập trong lòng hồ. Không có đường, việc đi lại sản xuất khoảng 200ha cây trồng của người dân nơi đây bị ách tắc, trì trệ.

Thất thu vì… đường

Đập Đăk Rơn Ga được phê duyệt xây dựng vào ngày 14/8/2007 với tổng mức đầu tư 128 tỷ đồng. Theo thiết kế, đập có dung tích phục vụ tưới nước cho 829ha cây công nghiệp thuộc 2 xã Tân Cảnh và Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô.

Người dân nơi đây cho biết, khi chưa có đập Đăk Rơn Ga, khoảng 200ha rẫy của họ nằm cạnh đường Đăk Tông – Đăk Tang cũ (con đường liên xã Tân Cảnh – Ngọc Tụ). Từ con đường này, người dân tự mở các đường mòn dân sinh để đi vào khu sản xuất và vận chuyển nông sản.

Đường xá khó khăn khiến việc sản xuất của người dân bị trì trệ. Ảnh: H.T

 

Cuối năm 2014, khi đập Đăk Rơn Ga bắt đầu tích nước, nước dâng lên khiến con đường dân sinh đi vào khu sản xuất của 40 hộ dân ở thôn 4, xã Tân Cảnh bị ngập chìm trong lòng hồ. Ngay sau đó, UBND huyện Đăk Tô đã mở đường mới vòng sang bên kia sườn đồi thay thế cho đoạn đường đã bị ngập.

“Mở con đường mới khiến khu sản xuất của chúng tôi như cô lập. Chúng tôi phải tự mua đất sản xuất của người khác, mở đường mòn nối từ đoạn đường Đăk Tông - Đăk Tang mới cắt ngang qua đồi để tới được khu sản xuất. Làm thủ công không được nên 40 hộ dân nơi đây tiếp tục bỏ ra gần 100 triệu để ủi, san 1 con đường dài gần 2km, mặt đường rộng tầm 3m” – anh Nguyễn Văn An, thôn 4, xã Tân Cảnh cho biết.

Vì người dân tự làm nên con đường rất tạm bợ, độ dốc lớn, loang lổ những ổ voi, sống trâu. Hôm chúng tôi đến, dù trời nắng ráo nhưng đường rất trơn trượt. Càng vào trong sâu, đường càng xấu, cả đoàn phải bỏ xe phía trên để đi bộ xuống.

Đám mì của anh An đã 3 năm vẫn chưa thu hoạch vì không có đường vận chuyển. Ảnh: H.T

 

Đi lại, vận chuyển khó khăn, vừa qua, anh An đã chặt 1,7ha cao su đang trong thời kỳ thu hoạch. Không chỉ thế, chỉ vào 2ha mì cao quá đầu, anh An cho hay, đám mì này anh đã để 3 năm.

 “Ngày trước cứ 2 năm tôi thu mì một lần, mỗi lần thu được vài chục triệu. Nay không có đường vận chuyển, tôi đành phải để đến năm thứ 3, phải mất nửa vụ. Vừa rồi nóng ruột quá tôi có gọi người thu mua nhưng họ bảo phải vận chuyển mì ra đầu đường rồi họ mới chở được. Đường sá thế này tiền đâu mà kêu nhân công, kêu xe vận chuyển từng bao mì ra phía ngoài đường được” – anh An nói.

Gia đình anh Nguyễn Văn Lợi ở thôn 4, xã Tân Cảnh có 3ha cao su ở khu vực này cũng lâm vào cảnh khó khăn. “Cao su chỉ có nhiều mủ vào mùa mưa, thế nhưng mùa mưa đường lại trơn trượt không đi được nên tôi đành phải bỏ cạo. Nhiều lần tôi phải bó xích vào lốp xe cho có độ bám nhưng đường trơn quá nên vẫn không ăn thua. Tôi chở, vợ tôi giữ xe phía sau nhưng cả người và mủ vẫn cứ đổ nhào” – anh Lợi than thở.

Không chỉ có 40 hộ dân bên này, ở phía bên kia đập có gần 20 hộ dân cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Theo phản ánh của người dân, lòng hồ chứa nước trước đây chỉ là 1 con suối nhỏ, người dân tự bắc cầu, vận chuyển nông sản theo đường mòn dân sinh. Khi đập tích nước, đường chìm trong lòng hồ,  nông dân trở thành "ngư dân". Để qua lại rẫy, người dân phải tự sắm thuyền chèo qua.

Nhiều hộ dân phải sử dụng thuyền để qua nơi sản xuất. Ảnh: H.T

 

Như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Toản ở thôn 4, xã Tân Cảnh có 7,5ha cao su, cà phê, tiêu và 3ha mì tại khu sản xuất này. Không thể bỏ rẫy, buộc lòng anh phải sắm thuyền và xây dựng luôn cả nhà thuyền làm bãi trung chuyển nông sản. Thế nhưng, việc đi lại trên lòng hồ, đặc biệt vào những ngày mưa rất nguy hiểm.

“Trời mưa tôi không dám đi vì rất nguy hiểm. Cao su cạo bữa được bữa mất khiến đời sống kinh tế gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại cà phê tôi chưa thu hoạch, tôi đang rất lo không biết đến mùa thu hoạch phải vận chuyển thế nào” – anh Toản cho hay.

Bên cạnh đó, hai hộ dân Bế Văn Hợp và Nguyễn Thanh Đàm còn có ý kiến, vừa qua, thủy lợi Đăk Rơn Ga mở nước xả thẳng vào rẫy gây sạt lở đất canh tác khoảng hơn 3.000m2, khiến gia đình 2 ông không thể canh tác được.

“Trước đây khu vực này gia đình chúng tôi trồng lúa nhưng bây giờ thì đất bị xói mòn nên không thể sản xuất được. Chúng tôi đã có ý kiến nhưng mãi vẫn chưa thấy giải quyết” – ông Bế Văn Hợp cho hay.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, các hộ dân đã phản ánh cũng như bày tỏ mong muốn được đầu tư để làm một con đường khác đi vào khu sản xuất. Song nguyện vọng đó mãi không được giải quyết.

Làm việc với chúng tôi, ông Trần Ngọc Tuấn – Trưởng ban Quản lý dự án thủy lợi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nói rằng, sau khi tích nước, hồ Đăk Rơn Ga đã đem lại hiệu quả, đảm bảo nước tưới cho diện tích cây công nghiệp trong mùa khô vừa qua. Tuy nhiên, từ tháng 8/2015, Sở đã nghe phản ánh của người dân về việc nước dâng làm mất đường.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, trong ngày 10/8/2015, Sở đã chủ trì cùng với UBND huyện Đăk Tô, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Giao thông vận tải, UBND xã Tân Cảnh và các hộ thôn 4 đi kiểm tra thực tế.

Theo ông Tuấn khi kiểm tra trở về, Sở đã có công văn số 933/SNN-KH ngày 11/8/2015 về việc tham mưu thực hiện nội dung tại mục 6 Công văn số 1529/UBND-KTN, ngày 17/7/2015 của UBND tỉnh theo hướng đề nghị UBND huyện Đăk Tô và UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí hỗ trợ nhân dân các loại vật tư chủ yếu để nhân dân làm đường vào khu sản xuất. Tuy nhiên, bên Sở không nhận được phản hồi.

“Vừa qua UBND tỉnh đã có công văn 1297/VP – HTKT ngày 31/8/2016 về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến thủy lợi Đăk Rơn Ga, huyện Đăk Tô. Trong đó, UBND tỉnh đã giao cho UBND huyện Đăk Tô sớm có giải pháp khắc phục đường đi vào khu sản xuất của 40 hộ dân bị ngập nước nên chúng tôi xin không có ý kiến. Trong năm 2017, nếu được tỉnh bố trí vốn, chúng tôi chỉ cố gắng sớm hoàn thành dự án kiên cố hóa kênh mương để đưa công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả” – ông Tuấn cho biết.

Còn đối với 2 hộ ông Bế Văn Hợp và Lê Hồng Hà, ông Tuấn cho biết, phần đất của 2 ông nằm ở cách đuôi tràn 100m và cách chân công trình 150m. Phần đất này khi thi công tràn chưa tính hết ảnh hưởng nên chưa đưa vào phương án đền bù. Hiện tại Sở đã có văn bản kiến nghị tỉnh sẽ xem xét xử lý trong giai đoạn tiếp theo của dự án.

Sau khi làm việc với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phóng viên Báo Kon Tum có chuyển nội dung qua mail, liên hệ làm việc với UBND huyện Đăk Tô.

Theo đó nội dung làm việc được gởi từ ngày 10/10 (theo địa chỉ email công vụ theo yêu cầu; sau này gởi lại một lần nữa vào ngày 13/10). Trong nội dung có đặt vấn đề và mong muốn bên huyện xếp lịch cho phóng viên có một cuộc gặp, trao đổi để làm rõ vấn đề nhưng không thấy phía huyện phản hồi.

Sau này, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Trầm Dương Thanh – Chánh văn phòng HĐND –UBND huyện Đăk Tô nói rằng, vì lãnh đạo thường xuyên đi công tác nên không có thời gian gặp phóng viên.

Ông cho biết, phía lãnh đạo huyện đề nghị phóng viên làm việc lại với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn vì đơn vị là chủ đầu tư dự án nên sẽ giải quyết đến những vấn đề liên quan.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì “xin không có ý kiến” về các giải pháp, còn huyện Đăk Tô lại cho rằng trách nhiệm thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Vậy, trách nhiệm thuộc về ai và khi nào vấn đề mới được giải quyết trong khi 40 hộ dân đang phải chịu thiệt hại trực tiếp?

Hoài Tiến 

Chuyên mục khác