Giấc mơ Kô Xia

01/11/2022 13:00

Tôi xúc động ngắm A Bên nâng niu mấy cây sâm giống cao cỡ gang tay bằng đôi tay thô ráp. Mấy ai biết được, những cây sâm nhỏ xíu ấy lại mang theo giấc mơ vươn lên thoát nghèo ở làng Kô Xia heo hút này.

Chiều qua, sau hơn một tiếng đồng hồ leo núi, tôi cũng lên được vườn sâm của A Bên.

Gọi là vườn, thực ra có 7 luống sâm rộng bằng chiếc chiếu đơn, khoảng 1,2m, dài khoảng 5m, nằm dưới những gốc cây rừng lớn cỡ vài người ôm, trên độ cao gần 1.900m.

Có gì là lạ khi đi giữa những luống sâm dưới tán rừng già. A Bên đi phía trước, thỉnh thoảng lại ngồi xuống, nhẹ tay gạt lớp mùn dày ra kiểm tra; đôi khi anh vun lại gốc cho những cây sâm nhỏ chưa rụng lá bị đổ nghiêng.

Lá sâm? Phải rồi, tôi đã biết cảm giác là lạ từ đâu ra. Trong chuyến đi năm ngoái, cũng vào cữ này, dù là mùa sâm “ngủ đông”, nhưng tôi vẫn thấy sức sống bừng bừng ở từng luống. Nếu nhìn kỹ, vẫn thấy những mắt sâm trồi lên lớp mùn; những cây sâm chưa rụng hết lá, trên ngọn đính chùm hạt xanh như ngọc, hoặc ngả sang màu đỏ.

Nhưng bây giờ, trông xơ xác lắm. Không như năm ngoái!

A Bên cười buồn: Đợt vừa rồi sâm chết nhiều quá. Gia đình em vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội mua 1.000 cây giống sâm Ngọc Linh về trồng. Nhưng đến tháng 6, tháng 7, bỗng dưng cây sâm chết hàng loạt một cách bất thường.

Hỗ trợ cây sâm Ngọc Linh giống cho hộ nghèo. Ảnh: T.H

 

Khi thăm vườn, em thấy cây sâm cứ rụng lá dần, rễ thối đen. Mà sâm non thì yếu ớt lắm, hễ bị rụng lá thì coi như xong không cứu được. Đáng lo hơn là tốc độ chết rất nhanh- A Bên kể.

Việc sâm Ngọc Linh trồng bị chết hay hao hụt là điều không lạ. Có rất nhiều kiểu mất sâm, như bị sóc, chuột cắn; mưa đá, cây rừng đổ đè lên sâm, cũng có khi mất trộm. Nhưng sự hao hụt ấy có thể chấp nhận được.

Đằng này, sâm chết bất thường với số lượng lớn làm vấn đề trở nên nghiêm trọng. Thế là các ngành chức năng và chính quyền địa phương khẩn trương vào cuộc, xác định nguyên nhân, tìm cách cứu chữa. Dù vậy, cũng để lại thiệt hại nặng nề.

Từ khi phát hiện đến khi vườn sâm được cứu, em mất gần 200 cây- A Bên tiếc nuối nói.

Tôi giật mình gần 200 cây? Với giá bình quân 300 nghìn đồng mỗi cây, đó là một khoản tiền lớn. Sâm chết hàng loạt cũng có nghĩa thời gian thoát nghèo của A Bên, của nhiều gia đình ở Kô Xia bị kéo lùi lại.

Cây sâm 1 tuổi thì chưa tượng củ nên chưa có vị đắng, nhưng tôi nhận thấy vị đắng đót trong lòng A Bên.

Đêm ở rừng xuống thật nhanh. Gió luồn dưới tàng cây rậm rạp, đem theo cái lạnh tê tái. A Bên và A Linh- cháu gọi A Bên bằng cậu- đốt lên một đống lửa lớn trước chòi. Cơm nắm với thịt khô, muối ớt được dọn ra; có thêm món rau rừng luộc mà A Linh tranh thủ hái lúc chiều.

A Hốt, A Chiến, A Ngăn cũng tìm sang. Đây là mấy gia đình cũng ở Kô Xia tham gia liên kết với doanh nghiệp trồng hơn 1ha sâm Ngọc Linh từ năm 2013, không xa vườn sâm của A Bên

Ly rượu ủ men lá truyền tay nhau xua đi lạnh giá của đại ngàn. Câu chuyện cứ miên man không đầu không cuối, từ phòng, chống rét cho đàn trâu, đến chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân; từ chuyện thu hái cà phê xứ lạnh đến thực hiện mô hình chăn nuôi gia cầm.

Trong chuyến đi trước, tôi đã từng cùng A Bên ngủ ở chòi canh sâm 2 đêm liên. Và trong 2 đêm ấy, chúng tôi đều đốt lửa như vậy. Tôi thấy mê tấm lòng ưu ái đậm đà của những người dân nghèo nhưng ăn ở lúc nào cũng như bát nước đầy.

Những cành củi khô được chất thêm vào, bén lửa nổ lép bép, bắn ra những tia sáng như pháo hoa. Ánh lửa bập bùng soi vào những gương mặt chất phác. Lửa và hơi ấm tình người làm tôi quên hẳn giá lạnh. 

Có một cái gì rất mờ ảo, rất thần tiên, làm cho tôi quên mệt nhọc, quên cả lo âu, quên luôn những buồn rầu.

Đêm càng sâu, lửa bếp càng ấm nồng. Câu chuyện rẽ sang chuyện trồng sâm lúc nào không hay. Nhắc đến chuyện trồng sâm mới nói, đây quả là bước chuyển biến to lớn trong tư duy của dân làng.

Bao năm rồi, dân làng chỉ biết vào rừng sâu núi thẳm tìm sâm tự nhiên về bán cho thương lái. Dần dà sâm tự nhiên cạn kiệt, có khi đi cả tháng không tìm được củ nào. Nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện trồng sâm cả.

Cho đến khi những mầm sâm đầu tiên được doanh nghiệp, được cán bộ xã đem về trồng dưới tán rừng, ngày càng xanh tốt. Bà con mới ngỡ ngàng: Ơ, hóa ra sâm cũng trồng được à.

Thế là từ “săn sâm”, dưới sự hỗ trợ của chính quyền và doanh nghiệp, dân làng chuyển sang “trồng sâm”. Hằng năm, vào đầu Đông, tức khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11, là  bắt đầu mùa trồng sâm mới.

A Bên đem khoe mấy chục gốc sâm giống 1 tuổi mới được hỗ trợ. Mọi người ồ lên: Cây giống tốt.

Là người có kinh nghiệm trồng sâm nhiều năm, A Chiến nâng một cây lên, gật gù: Cây nào cây nấy đều tăm tắp, khỏe mạnh, đã có 1 lá kép màu xanh đậm. Mỗi cây đều có từ  2- 3 rễ chính trở lên, không có dấu hiệu sâu bệnh trên lá, thân, rễ, củ.

Không khí sôi nổi hẳn. Mọi người sôi nổi bàn chuyện làm luống thế nào; phủ mùn lên mặt luống ra sao, dày bao nhiêu; trồng làm sao để không làm bể bầu, đứt rễ, dập nát cây. Rồi cách xử lý sâu bệnh hại, kiến mối, nhất là bệnh rỉ sắt.

Thậm chí A Bên còn dự kiến kè bốn mặt luống, làm vòm che luống bằng màng phủ ni lông trắng để hạn chế mưa, ngăn chuột, dúi, sóc vào cắn phá.

Ngồi ngắm những cây sâm giống, A Bên không chỉ sướng mắt mà sướng cả lòng. Này nhé, đất tốt, cây khỏe, lại được trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, nhất định cây sâm sẽ phát triển tốt thôi. 

Tôi xúc động ngắm A Bên nâng niu mấy cây sâm giống cao cỡ gang tay bằng đôi tay thô ráp. Mấy ai biết được, những cây sâm nhỏ xíu ấy mang theo ước mơ vươn lên thoát nghèo, làm giàu của A Bên, của nhiều gia đình nghèo ở Kô Xia.

Ít ngày nữa thôi, những mầm xanh nhỏ bé này sẽ bén rễ vươn lá, nuôi dưỡng ước mơ ấy lớn từng ngày.

Thời gian có thể kéo dài 5 năm, 7 năm. Nhưng nhất định sẽ thành hiện thực.

THÀNH HƯNG

Chuyên mục khác