Già làng

20/10/2024 13:25

Già làng bập bập tẩu thuốc, dáng vẻ trầm tư. A Nguýt và mấy thanh niên ngồi xung quanh, ánh mắt đọng lại trên gương mặt quắc thước. Từ khi đi dự Đại hội các DTTS về, nhiều lúc già cứ trầm tư như vậy.

Dù đã hơn 70 tuổi, nhưng già vẫn còn khỏe khoắn, nhanh nhẹn và minh mẫn. Trong làng, người lớn trọng vọng già; thanh niên, trẻ em thì nể sợ và nghe lời già.

Nghe dân làng kể lại, chính già là người đi tiên phong trong việc bỏ phát rẫy, khai hoang ruộng nước trồng lúa. Ruộng lúa chạy dài hai bên đường vào làng kia là của già, cũng là ruộng lúa nước đầu tiên ở làng.

Ngày trước, dân làng không biết trồng lúa nước. Một lần, khi ấy già còn là một thanh niên, được đi xem đồng bào ở xã dưới làm lúa nước cho năng suất cao thì thích lắm, xuống xin ở hẳn nhiều ngày học cách làm, cách chăm sóc, rồi về làm thử.

Ban đầu cũng gian nan vô cùng. Vợ con, dân làng không ủng hộ, họ nói bao đời ông cha đều làm lúa rẫy, bây giờ trồng lúa nước có sống được không, có cho hạt không?

Dân làng làm lúa nước. Ảnh: T.H

 

Cũng không thể trách được vợ con, trách được dân làng. Ngày ấy, ở làng, nhà nào cũng nghèo như nhau. Dân làng quanh năm nhọc nhằn, sáng lên rẫy, tối về túm tụm bên bếp lửa, chẳng biết làm gì, lại lôi rượu ra uống. Bao đời nay vẫn vậy, làm cho cái đầu không nghĩ được cái hay, cái mới.

Nhưng già nghĩ, bà con dưới kia không mấy thuận lợi mà còn làm tốt như vậy, ở trên mình đất tốt, nước sẵn, sao lại không làm được. Làm gì cũng có khó khăn, nhưng chẳng lẽ cứ chịu nghèo mãi sao?

Đất ta có, sức ta có, lại được Nhà nước cho vay vốn, hỗ trợ lúa giống, cái ta thiếu là kinh nghiệm, kỹ thuật cũng chẳng sao, cứ đi học hỏi; rồi huyện, xã sẽ về mở lớp tập huấn cho mình nữa. Muốn hết đói, hết nghèo thì phải làm thôi.

Với sự giúp đỡ của xã và bộ đội biên phòng, già đắp bờ dẫn nước vào đám đất ven đường, làm đất thật kỹ, rồi gieo hạt, làm cỏ, bón phân. Chăm bẵm, nâng niu còn hơn con mình.

May sao, già đã “thắng” ngay từ vụ đầu. Dân làng kéo tới xem ruộng lúa chín vàng bên đường. Có người lội hẳn xuống ruộng, vạch bụi lúa ra xem, cầm bông lúa lên đếm từng hạt. “Lúa tốt quá. Mình nên học theo thôi”- mọi người nói.

Kể từ ruộng lúa nước đầu tiên ấy, từng khoảnh, từng khoảnh ruộng nước nối tiếp nhau hình thành. Vài năm sau, nhà nào trong làng cũng làm lúa nước, không còn lo đói, thậm chí tới mùa rồi vẫn còn lúa vụ trước.

Khi tuổi đã cao, được bầu làm già làng, là người có uy tín, già tích cực vận động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; khuyên bảo người lớn bỏ hủ tục, tích cực làm ăn; dạy dỗ thanh thiếu niên không rượu chè, cờ bạc, không bỏ học, không theo lời kẻ xấu.

Gia đình già còn là gương sáng cho dân làng noi theo trong phát triển kinh tế. Không chỉ tích cực trong áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới vào sản xuất, già còn đi đầu trong phát triển chăn nuôi bò, chuyển một phần diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn

Già vẫn nói: Dân làng ta vốn “quen nhìn tay làm hơn nghe miệng nói”. Người có uy tín phải là người biết làm giỏi, chứ không phải là người chỉ biết nói hay.

Bây giờ thì sướng lắm rồi. Ðường ô tô đã vào tận làng, trong làng có trường học; nhiều gia đình xây nhà mới khang trang, có xe máy, tivi, tủ lạnh. Dân làng đoàn kết một lòng, ra sức xây dựng quê hương, trước cũng vậy, bây giờ cũng vậy, chỉ nghe theo Ðảng, theo Bác Hồ, không nghe kẻ xấu.

Đó là nhờ ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền quan tâm, giúp đỡ. Nhưng cũng nhờ già đi tuyên truyền, vận động, thậm chí “ép” những người còn chần chừ phải làm nữa- dân làng nói như vậy. 

Còn già chỉ cười: Dân làng quý nên nói vậy thôi. Ngày ấy, nếu không có cán bộ xã, có bộ đội biên phòng đến vận động, giải thích thì đầu già không nghĩ ra được, không biết cách làm đâu. Già chỉ hơn lũ làng ở chỗ biết nghe lời phải sớm hơn thôi.

Giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Ảnh: TH

 

Khi biết tin già được bầu đi dự Đại hội các DTTS tỉnh, cả làng vui mừng. Nhưng già lại băn khoăn, suy nghĩ mãi vì  thấy “mình chưa có thành tích gì đáng kể. Đi dự cấp huyện thì được, chứ cấp tỉnh thì thấy vẫn còn chưa xứng đáng”.

Nhắc lại đại hội cấp huyện, A Nguýt cứ thấy buồn cười. Đợt ấy, khi được dân làng giới thiệu để bầu đi dự đại hội, già đã kiên quyết từ chối. Già xin bà con bầu người khác xứng đáng hơn.

Không, già xứng đáng nhất- trăm người một lời. Thế là già không còn từ chối được nữa!

Rồi già lại lo lắng, ở đại hội, nếu như người ta yêu cầu phát biểu về những thành tích của mình thì sao? Già biết nói gì đây? Thế là A Nguýt, đang làm bí thư chi đoàn, được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho già “bản báo cáo thành tích”.

Trước khi già đi, A Nguýt dặn “già cứ đọc như thế là được”. Thế nhưng, khi được mời lên phát biểu, già quên khuấy bản báo cáo thành tích trong túi. Bí quá, già đành kể hết sức chân thật về làng mình, về những gì mình đã làm được, những gì mình chưa ưng cái bụng.

Vừa kể, già vừa thấp thỏm không yên. Ai ngờ, khi già nói xong, mọi người vỗ tay hoan hô to quá, làm ông già “choáng” mất một lúc.

Sau đó, già được bầu đi dự đại hội cấp tỉnh. Làng vui như hội vì vinh dự ấy không chỉ của già, mà còn là của cả làng.

Nhưng sau khi đi dự đại hội về, nhiều lúc già cứ trầm tư suy nghĩ. Hỏi chuyện thì già nói, ở đại hội, già gặp nhiều gương điển hình, nghe nhiều cách làm hay, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Dân làng mình cần phải cố gắng nhiều hơn.

Buồn nữa là trong làng còn những hủ tục chưa được xóa bỏ hẳn, như trong ma chay, cưới xin, cúng ma chẳng hạn; tình trạng thanh thiếu niên hư hỏng, trộm cắp, lười làm, ham chơi vẫn còn.

Bập bập tẩu thuốc, nhìn về ngọn núi mờ mờ phía xa, già thủng thẳng nói: A Nguýt à, ngày mai theo già đến nhà A Lưng. Nghe nói nó định làm lễ cúng ma. Mình phải giải thích, vận động để nó bỏ đi thôi.

A Nguýt  “dạ” một tiếng thật to!

THÀNH HƯNG

Chuyên mục khác