28/08/2018 18:10
Tài sản, sinh kế cả đời ky cóp, gây dựng, phút chốc trắng tay đã khiến cho bao người đối mặt với nỗi lo đói - no ngay trước mắt và cả những trăn trở cho ngày mai biết làm gì và biết đến khi nào mới lấy lại được…
Và, khi những nhu cầu thiết yếu trở thành nỗi lo canh cánh của các ông bố, bà mẹ thì chắc hẳn con đường đến trường của các em vốn đã gập ghềnh gian khó nay lại nhân lên gấp bội theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng.
Bao nhiêu năm nay, chuyện huy động học sinh ra lớp vào đầu năm học, sau các kỳ nghỉ lễ, tết; chuyện duy trì tỷ lệ chuyên cần… ở các trường học vùng khó luôn là nỗi trăn trở của không chỉ ngành Giáo dục.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng mấu chốt hơn cả vẫn là do người dân chưa nhận thức đầy đủ lợi ích của việc đưa con em mình đến trường, chưa coi việc học là cần thiết... Không ít phụ huynh phân vân giữa chuyện cho con đi học hay cho con ở nhà để lên rẫy, phụ giúp gia đình và “phần thắng” thường là: ở nhà làm rẫy. Vì bao nhiêu năm ăn học, cuối cùng cũng làm nông, thôi thì nghỉ học “chuyên tâm” làm rẫy ngay từ đầu đỡ tốn công, tốn của.
Bao nhiêu thầy cô giáo, cán bộ xã, thôn khi trực tiếp đi vận động học sinh ra lớp đã gặp những câu hỏi “khó” của phụ huynh: Đi học có làm ra mì, ra thóc không? Cái chữ có làm hết đói không? ... Thậm chí, học sinh chỉ cần nghe tiếng xe thầy cô giáo đến nhà là chạy trốn; nhiều phụ huynh khi được giáo viên vận động nhắc nhở con lại nói: “thầy cô cứ hỏi nó”; có phụ huynh lại nói: “đã nói cháu bỏ học rồi sao thầy cô cứ đến mãi?...”
Qua thời gian, nhờ tuyên truyền, vận động cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời, điều đáng mừng là phụ huynh, học sinh vùng khó đã có những thay đổi tích cực, công tác huy động học sinh ra lớp nơi vùng núi cao, rừng thẳm mỗi năm học dần vơi đi những nhọc nhằn…
Nhưng, trận mưa lũ vừa qua đã khiến bao nhiêu gia đình vừa mới gom góp xây được căn nhà khang trang, vì bị sạt lở, bị sụt lún đành phải bỏ “của một đống tiền” di dời đến nơi ở mới. Bao nhiêu hộ nghèo vừa mới vay mượn mua được con trâu, con bò, đầu tư trồng được vài sào cà phê, đào được ao nuôi cá… những tưởng sẽ khấm khá hơn, thì chỉ trong phút chốc cuốn trôi theo mưa lũ. Bao nhiêu ông bố, bà mẹ thất thần khi sinh kế bị mất, nguy cơ tái nghèo của gia đình hiển hiện. Những giọt nước mắt lăn dài trên má, những ánh mắt vời vợi lo lắng…
Lo bữa ăn hàng ngày đã khó, lo cho con có đủ áo quần, giày dép, sách vở… để đến trường ngày đầu năm học mới chắc chắn càng khó hơn, hẳn không phải là chuyện riêng của gia đình nào ở những vùng mới hứng chịu thiệt hại từ trận mưa lũ này.
Cũng phải, khi đói – no trở thành nỗi lo thường nhật thì mấy ai đủ sức, đủ thời gian để lo chuyện học. Có thực mới vực được đạo; đã thế, quan niệm con chữ có làm no cái bụng được đâu – đâu đó vẫn còn trong nếp nghĩ của bà con ở những vùng khó này. Thôi thì, cứ nghỉ học vài ba hôm, thậm chí sẽ có em phải bỏ học để trở thành lao động chính, đỡ đần việc rẫy, việc đồng, kiếm kế sinh nhai phụ giúp bố mẹ.
Nhưng, đâu phải chỉ vì đói - no. Lâu nay, chuyện học sinh vùng Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Ia H’Drai, Kon Plông… - những nơi có địa hình cách trở - phải lội suối băng rừng hàng chục cây số để đến trường không phải là hiếm.
Đã thế, trận mưa lũ vừa qua, bao con đường liên thôn, liên xã bị sạt lở, sụt lún, khiến con đường đến trường của các em đã xa càng thêm xa, đã gập ghềnh lại thêm lấm lem bùn đất và thậm chí là cả những hiểm nguy phải đối mặt.
Vậy là, những cái “tặc lưỡi” của phụ huynh, học sinh: mới đầu năm, chưa học gì nhiều, nghỉ ráng vài hôm cũng chẳng sao; rồi, nghỉ vài hôm thành “quen”, thành “ngại”, thôi thì đường sá gian khó, cách trở quá, hay là không đi học nữa… khiến cho lớp học vơi phân nửa.
Ngày khai trường đang đến gần. Không để con đường đến với con chữ của các em vùng khó càng thêm khó, các em, gia đình các em cần lắm sự chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành, của cộng đồng.
Nguyên Phúc