Duyên dáng áo dài

20/10/2019 13:06

Từ xưa đến nay, áo dài vốn không xa lạ với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, là trang phục truyền thống tôn lên nét nữ tính, dịu dàng cùng với tất cả niềm kiêu hãnh của phụ nữ Việt. Bởi thế, chiếc áo dài luôn là một trong những trang phục được nhiều chị em phụ nữ lựa chọn trong các ngày lễ đặc biệt để thể hiện sự trang trọng.

Ngày bé, tôi thích lắm mỗi khi được nhìn ngắm mẹ mặc áo dài đi lễ cưới hoặc thăm họ hàng nhân dịp tết đến xuân về. Vóc dáng cân đối cùng với làn da trắng ngần càng tôn lên nét dịu dàng và sang trọng mỗi khi mẹ khoác lên mình chiếc áo dài. Có lẽ cũng vì yêu thích tà áo dài ấy mà mỗi khi đi đâu xa ba cũng đều cố mua về cho bằng được xấp áo dài để tặng mẹ.

Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi đời sống kinh tế còn khó khăn, vải vóc và nhiều mặt hàng thiết yếu khác được phân phối bằng tem, phiếu…, chiếc áo dài gần như đi vào quên lãng. Những chiếc áo dài của mẹ được sửa thành áo ngắn để mặc cho tiện lợi. Tôi còn nhớ như in, ngày đám cưới của chị đầu nhà tôi, họ hàng cũng chỉ một hoặc hai người mặc áo dài, mà cũng là áo cũ chứ không phải áo may mới. Còn chị gái tôi, cô dâu của đám cưới thì phải thuê áo dài của tiệm áo đồ cưới ngoài phố…

Thời trung học phổ thông chúng tôi khi đó cũng chưa có điều kiện để mặc áo dài. Cho đến những năm cuối cấp III ngày ấy, vì muốn có được những bức ảnh, những khoảnh khắc đẹp để kỷ niệm thời áo trắng, nhóm bạn chúng tôi gồm 4 đứa đã rủ nhau đi mượn được 2 chiếc áo dài, rồi thay nhau mặc chụp hình. Đã hơn 30 năm rồi, giờ nhìn lại những bức ảnh ấy tôi vẫn còn cảm thấy thương lạ cái ngày xưa ấy…

Bất cứ người phụ nữ nào khoác lên mình chiếc áo dài cũng đều cảm thấy mình duyên dáng và xinh đẹp. Ảnh: Đức Thành

 

Có thể nói, từ sau cuộc thi Hoa hậu Áo dài đầu tiên diễn ra vào năm 1989 ở Thành phố Hồ Chí Minh thì sự “trở lại mạnh mẽ” của tà áo dài Việt Nam trong đời sống thường ngày là một dấu ấn, một trào lưu rất đẹp. Và trong thời điểm ấy, vì quá ấn tượng với tà áo dài Việt Nam mà hai nhạc sĩ Từ Huy - Thanh Tùng đã cùng nhau sáng tác bài hát "Một thoáng quê hương" với những câu hát đầy ý nghĩa: “Đẹp biết bao... quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu. Dù ở đâu, Pa-ris, Luân Đôn hay ở những miền xa, thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó...”.

Thật vậy, khi khoác lên mình tà áo dài duyên dáng, mỗi người phụ nữ chúng ta đều thêm yêu và tự hào với trang phục truyền thống của dân tộc mình, một trang phục mà không lẫn với bất cứ trang phục của quốc gia nào khác trên thế giới.

Theo nhịp sống hiện đại, ngày nay, áo dài được thiết kế nhẹ nhàng, tinh tế và ngày càng phong phú hơn, dần thích hợp với nhiều người mặc trong từng điều kiện, hoạt động khác nhau… như áo dài cách tân với nhiều màu sắc họa tiết xinh tươi mà vẫn giữ được nét dịu dàng, duyên dáng, mềm mại, uyển chuyển thuần túy riêng có.

Đặc biệt, tà áo dài Việt Nam không những được phụ nữ chọn dùng trong những sự kiện trang trọng, những ngày lễ, tết, cưới hỏi… mà áo dài còn được nhiều phụ nữ công sở, giáo viên… lựa chọn làm trang phục hàng ngày và còn là đồng phục của nữ sinh trung học...

Có một điều thật lạ là chiếc áo dài không hề kén người mặc. Bất kể người phụ nữ nào khoác lên mình chiếc áo dài cũng đều cảm thấy mình duyên dáng và xinh đẹp hẳn lên. Ngay cả nếu ai đó có vóc dáng không được cân đối lắm, thì chiếc áo dài cũng sẽ đem đến sự quyến rũ nhất mà không có một trang phục nào có thể thay thế được.

Theo thời gian, cuộc sống ngày càng phát triển và luôn đổi thay từng ngày, chiếc áo dài đã trở nên đa dạng về kiểu cách để phù hợp với phong cách thời trang của từng giai đoạn. Thế nhưng, dẫu đổi thay thế nào đi chăng nữa, áo dài vẫn là biểu tượng, là vẻ đẹp rất riêng, rất đặc sắc của phụ nữ Việt Nam.

Vỹ Dạ

Chuyên mục khác