Dưới bóng me xanh

18/07/2020 13:02

Hè đến, khi nắng lên, vạn vạn chiếc lá nhỏ cụp lại như những đôi mắt ngủ mơ màng, chiều mát, lá lại mở ra. Đông sang, dù không rụng lá rõ rệt như những loài cây khác, nhưng lá me chuyển vàng, lắc rắc bay. Mưa về, tán cây thoắt cái thay áo mới xanh biêng biếc, điểm hoa vàng. Trong tiếng rì rào của vòm me xanh, tôi thả trôi mình giữa nhịp thở thanh thản của phố xá.

Ở quán cà phê mà tôi yêu thích trên đường Trần Hưng Đạo (thành phố Kon Tum) có một cây me cổ thụ, cành lá xum xuê, xòe rộng. Ngồi trên ban công tầng hai, có cảm giác chỉ với tay lên là có thể kéo cành me vào hái trái.

Ngày ngày gốc me vô tư buông thả từng đợt lá kép lông chim và hoa vàng rơi trên vai áo người lại qua. Rồi không để phiền hà ai, bầy lá hoa mặc tình cuốn theo chiều gió dập dìu tấp vào lề đường. Những quả me thuôn dài,  phân đốt buông thõng, đong đưa gợi hương vị chua thanh lẫn ngọt ngào.

Đã thành thói quen, mỗi lần đến quán, tôi đều kéo ghế ra ban công, ngồi dưới vòm me xanh đang rung rinh trong gió. Có lá me bay, có gió, có tiếng chim hót, có tiếng lẩm nhẩm đọc danh sách đồ uống do khách đặt của những cô cậu chạy bàn, và đặc biệt, có những phút giây tĩnh lặng. Nên tôi xem chỗ này như một cõi bình yên.

Một mình nhưng không cô đơn. Những buổi trưa đọc sách hay nghe nhạc. Những buổi tối thả trôi mình trong nhịp thở thanh thản của phố xá, trong tiếng rì rào của vòm lá me xanh. Những ngày mưa, ngồi nhìn chùm quả đong đưa mà tâm trí tôi lãng đãng trở về với thời thơ ấu, với góc vườn quê nhà.

Vòm me xanh gợi nhớ bao kỷ niệm tuổi thơ. Ảnh: HL

 

Tuổi thơ của tôi cũng êm ả đi qua dưới vòm me cổ thụ ở vườn nhà nơi cực Bắc miền Trung nghèo xơ xác.

Quê tôi vốn là vùng bán sơn địa, mùa hè nắng cháy da cháy thịt, mùa đông giá rét tím tái cả người. Người quê tôi vốn nghèo, quần quật với đồng đất chai sạn, bạc màu. Năm nào may mắn mưa thuận gió hòa, không lũ lụt, hạn hán thì đủ ăn. Những khoảnh vườn bạc phếch, chỉ lơ thơ dăm bụi chuối, lá rách tướp bởi gió mưa.

Nhưng me lại không thiếu, nếu không muốn nói là nhiều. Thật kỳ lạ là vườn nhà nào cũng có một vài cây me, hầu hết là cổ thụ, có lẽ vì thích ứng tốt với khí hậu khô nóng và đất đai khô cằn. Cây me nơi góc vườn nhà tôi cũng vậy. Nghe mẹ kể, khi mẹ sinh ra, cây me đã có rồi. Khi tôi biết nhận mặt người là đã thấy tán me che kín nửa khoảnh vườn, thấy chị tôi khệ nệ bê rổ trái me nâu sẫm vào đặt ở giữa sân.

Ờ, mà có lẽ như mẹ tôi đùa, thật ra “cụ me” biết mặt tôi, thậm chí còn “chạm” vào tôi từ khi tôi còn ẵm ngửa, chỉ là tôi không nhớ được mà thôi.

Nghe mẹ tôi kể lại, cú lật đầu đời của tôi là trên tấm chiếu trải dưới gốc me. Những bước chân chập chững đầu tiên của tôi là men theo gốc me xù xì, thô ráp. Những giấc ngủ trưa hè oi ả của tôi ngon hơn dưới vòm me xanh mát.

Cứ như thế tôi lớn dần lên dưới vòm me xanh. Mùa hè về, khi nắng lên, vạn vạn chiếc lá nhỏ cụp lại như những đôi mắt khép ngủ mơ màng, đến chiều mát, lá lại mở ra. Vào mùa đông, dù cây me không rụng lá rõ rệt như những loài cây khác, nhưng lá cây chuyển vàng,  lắc rắc bay.

Khi mưa xuân về, tán cây thoắt cái bừng dậy, thay áo mới xanh biêng biếc, điểm những nốt vàng của hoa. “Chiếc áo” cũ rụng đầy dưới gốc, làm nên tấm thảm vàng. Màu xanh lá me non, màu vàng lá me rụng làm nên bức tranh đẹp đến lạ thường cho khoảnh vườn nghèo. 

Tôi thích được lăn mình trên “tấm nệm” của hoa và lá me vàng ấy.

Ngày nào cũng vậy, đi học về, ăn cơm trưa xong là tôi tót ra vườn. Dưới cội me già, tôi thoải mái bày biện cho cái thế giới yên tĩnh của riêng mình, sách vở, bút mực, dăm ba trái ổi, cuốn truyện mới mượn được. Khoảnh vườn bước vào giấc trưa với sự trầm mặc đầy thư thái; không gian thơm nhẹ mùi đất, mùi lá cây, mùi cỏ.

Cứ như những gì mà tôi đọc được, thì gốc me trong vườn nhà tôi, cũng như vô số cây me trong làng, thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae), phổ biến khắp các vùng nhiệt đới. Tại Việt Nam, me có nhiều chủng loại, có nơi mọc thành rừng. Đây là một loài cây gỗ lớn, có thể cao đến 20 m, rụng lá trong môi trường nhiệt đới ẩm đổi mùa. Là một loài cây nhiệt đới, nó rất nhạy cảm với sương giá, chịu đựng tốt với vùng khí hậu nóng và đất khô.

Không chỉ dùng làm thực phẩm, me còn là một loài cây dược liệu. Cả thịt quả, lá và vỏ cây đều được sử dụng cho y học, dùng đắp ngoài da trị viêm khớp, bong gân, viêm nhiễm quầng thâm hay đinh nhọt;  uống để xổ giun, điều trị tiêu chảy, lỵ, bệnh vàng da, bệnh trĩ; nấu nước ngậm, súc miệng chữa được viêm lợi. Me còn được trồng làm cây bóng mát và cây cảnh phổ biến nhiều nơi, ngoại trừ chỗ úng ngập. 

Ấy là sau này tìm hiểu tôi mới biết, chứ từ nhỏ đến lớn, tôi chỉ gắn bó với lá, với hoa, với những trái me thuôn dài, chia đốt. Khi còn non thì mẹ hay hái xuống cạo vỏ ngoài nấu canh cá hay luộc rau muống (tôi thấy ngon hơn chanh thì phải). Chị gái tôi và bạn bè cũng thường tụ tập nhau, xúm xít bên rổ me non chấm mắm ruốc ớt, xuýt xoa vì chua, vì cay.

Khi những trái me già hơn, chua nhiều hơn, mẹ vẫn dùng nấu canh cá, luộc rau, nhưng chị gái tôi chuyển sang ăn với muối ớt, rồi năn nỉ mẹ mua cho ít đường, học mấy chị lớn hơn làm me ngâm, mới ít ngày hớn hở dụ dỗ cậu em ăn thử. Ừ, có vẻ đỡ chua hơn nên ăn cũng ngon.

Rồi những trái me bắt đầu già và gần chín, không còn chua lắm, bắt đầu có vị ngọt. Me lúc này có thế bóc vỏ dễ dàng, để lộ thân trái mập mạp màu trắng xanh, có trái lại hơi ngả màu vàng nâu, nhìn chỉ muốn ăn ngay. Đến khi chín, có trái ngọt, có trái chua, nhưng dù có ngọt đến mấy vẫn không mất đi vị chua vốn có của me.

Những tháng năm học đại học, giữa phố phường Hà Nội, tôi vẫn tìm cho riêng mình một khoảng trời yên bình dưới tán me trên đường Lương Thế Vinh. Những gốc me xù xì nơi đô hội không còn nép mình hiền lành nữa mà vươn tán chở che những phận đời gắn liền sương gió như chú xích lô, bác vá xe, bà bán nước chè.

Rồi xe đẩy bán me trước cổng khu ký túc xá mỗi buổi chiều. Chỉ cần nghe tiếng chuông leng keng là đám bạn nữ túa ra, xúm xít quanh  chiếc thau nhôm đầy ắp me ngào đường màu nâu óng ả, phía trên rắc những hạt mè và lạc (đậu phộng) rang giã nhỏ. Còn me lột vỏ, ngâm nước đường pha cam thảo vàng vàng thơm ngọt; ô mai me bọc trong miếng nilong đủ màu sắc. Nhiêu đó cũng đủ làm mê mẩn bao thế hệ nữ sinh viên ở Ký túc xá Mễ Trì.

Khi vào Kon Tum lập nghiệp, vượt qua những ngày tháng bỡ ngỡ, lạ lẫm ban đầu, tôi thường “ngồi đồng” ở quán cà phê Bốn Mùa trên đường Hoàng Diệu. Phần vì chủ quán có hai cô con gái khá xinh, hay nói chuyện, tuổi lại sàn sàn tôi, phần vì gốc me cổ thụ đầu cổng, thân lớn mấy người ôm, vòm lá che kín gần hết quán. Nhìn gốc me ấy, tôi như vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ khoảnh vườn với gốc me cổ thụ đã đi suốt tuổi thơ nghèo khó.

Sau này, trong mỗi cuộc điện thoại về nhà, mẹ lại kể lể hàng giờ về những chuyện không đầu không cuối, nhưng bao giờ cũng kết thúc bằng chuyện nhà chú A., nhà ông C., hay nhà dì D. nào đó mới chặt hạ gốc me trong vườn. “Thời buổi đất đai sốt sịch sình, người ta bán đất, chặt cây để làm nhà; cũng có người săn tìm, mua cây me cổ thụ, thuê người đào lên chở đi. Cứ đà này thì chẳng mấy chốc làng hết me”- mẹ than thở.

Cuối cùng đến lượt “cụ me” của tôi. Do “lớn tuổi”, lại bị sâu bệnh nên có nguy cơ gãy đổ bất cứ lúc nào. Có người tìm đến hỏi mua gốc đem về trồng, bàn bạc mãi rồi bố mẹ quyết định tặng họ, với hy vọng “cụ me” sẽ được chăm sóc và hồi sinh. Dù biết rằng bố mẹ đã làm đúng, nhưng tôi vẫn giận cả tháng không gọi về. Sau này nghe chị gái kể, hôm xe đến đào gốc đem đi, mẹ tôi đã trốn xuống nhà dì, mấy ngày sau không dám ra vườn.

May mắn thay khi ở Kon Tum ngày nay, trên một số tuyến đường nội thành như Nguyễn Huệ hay Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Ngô Tiến Dũng (thành phố Kon Tum)…, ta vẫn bắt gặp những gốc me cổ thụ với lá xanh, hoa vàng và những chùm quả đong đưa.

Ra phía vùng ven sẽ nhiều hơn. Ở các làng Kon Tum Kơ Pâng, Kon Tum Kơ Nâm, Kon Rơ Wang, Kon Klor phía Đông hay Plei Tơ Nghia, Plei Đôn, Kon Rờ Bàng, Phương Quý phía Bắc, Phương Hòa, Phương Nghĩa, Plei Rơ Hai phía Nam thành phố, ta đều có thể gặp bên đường vòm lá xanh nhạt của me.

Nhờ có tán me râm mát, những con đường trở nên gần gũi hơn với khách bộ hành khi nhịp bước chân bên vệ đường. Từng có những buổi chiều mưa gió, dừng xe bên gốc me cổ thụ làng Kon Klor, tôi thích thú vô cùng khi thấy kính xe bám đầy lá me.

Một sáng thứ bảy, như mỗi sáng, tôi lại ngồi ở tầng hai quán cà phê  trên đường Trần Hưng Đạo, ngắm nhìn vòm me xanh tỏa rộng. Chợt nghe cô phục vụ ngân nga: “Con đường có lá me bay/Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về/Bước chân rạo rực trên hè/Êm êm đá lát lòng nghe bồi hồi” (Con đường có lá me bay, thơ Diệp Minh Tuyền, nhạc Hoàng Hiệp). Những cành me sà xuống rung rinh, như lắng nghe, như cổ vũ.

Tâm trí tôi lại trở về với khoảnh vườn xưa, nơi từng có cội me già!

Hồng Lam

Chuyên mục khác