04/10/2022 06:13
Là một “tín đồ” của thực phẩm siêu thị, tôi thực sự hụt hẫng khi đọc những thông tin một nhà cung ứng tại tỉnh Lâm Đồng đã “phù phép” biến các loại rau, củ ở ngoài chợ thành rau an toàn để đưa vào hệ thống các siêu thị bán cho người tiêu dùng. Thất vọng, bức xúc, cảm thấy như bị lừa bao trùm trong suy nghĩ của tôi khi ấy.
Không riêng tôi, có lẽ nhiều người cũng cảm thấy bất bình khi đã chấp nhận “móc hầu bao”, bỏ ra một số tiền nhiều hơn để mua rau ở siêu thị - nơi bán hàng được xem là có thương hiệu chỉ với mong muốn mua được rau an toàn hơn ở ngoài chợ, thế nhưng không ngờ lại... vẫn là rau chợ.
Rau xanh là một mặt hàng thường xuyên và thiết yếu trong tiêu dùng hằng ngày của người dân. Thời gian qua, trước những thông tin nhiều loại rau, quả sử dụng hóa chất, chất kích thích độc hại được bày bán tại các chợ dân sinh khiến nhiều người không yên tâm về độ an toàn của rau củ ngoài chợ nên tìm đến siêu thị hay chuỗi cửa hàng tiện ích với niềm tin rằng hàng hóa được kiểm soát, kiểm định chặt chẽ về chất lượng, có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thế nhưng, niềm tin ấy bị vỡ vụn khi cái mác “hàng sạch”, tiêu chuẩn VietGap đôi khi chỉ là một cách ngụy trang để những sản phẩm kém chất lượng được bày bán một cách công khai với giá cả đắt đỏ.
|
Chuyện “rau bẩn” đội lốt rau sạch vào siêu thị không phải bây giờ mới xảy ra. Thời gian qua, có nhiều vụ việc cũng đã được báo chí và cơ quan chức năng phanh phui.
Không chỉ rau xanh, nhìn rộng hơn, suốt thời gian qua, vấn đề thực phẩm “bẩn” diễn ra khá phức tạp, với nhiều mặt hàng, dưới nhiều hình thức và ở nhiều địa phương.
Các cơ quan chức năng thì luôn khuyến cáo người dân chọn mua hàng hóa tại những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thế nhưng, thực tế không phải lúc nào người tiêu dùng cũng có thể mua được thực phẩm an toàn.
Lỗi là do một số doanh nghiệp sản xuất, nhà cung ứng thực phẩm làm ăn theo kiểu “chộp giật”, vì hám lợi đã bất chấp sức khỏe, tính mạng của người dùng. Nhưng không thể không nói đến ở đây là các siêu thị, nhà bán lẻ dường như quá tin tưởng vào nhà cung cấp, không có biện pháp thường xuyên kiểm tra, hoặc kiểm tra qua loa chiếu lệ đã tạo kẽ hở để thực phẩm “bẩn” lọt lên kệ hàng. Các cơ quan quản lý chưa thường xuyên, đôi khi còn buông lỏng kiểm tra, giám sát nên thực phẩm “bẩn” mới có cơ hội lưu thông trên thị trường. Thế là, khi người dân gửi gắm niềm tin vào hàng hóa ở siêu thị hay các trung tâm thương mại thì cuối cùng cũng chỉ nhận về sự thất vọng.
Hậu quả mà thực phẩm “bẩn” mang lại cho người tiêu dùng có lẽ ai cũng hiểu. Đó không chỉ là những vụ ngộ độc ngay tức khắc mà nguy hại hơn là nó âm thầm, ngấm ngầm gây ra ảnh hưởng lâu dài lên sức khỏe người sử dụng.
Song cũng thật khó để trở thành người tiêu dùng thông thái khi thực phẩm “bẩn” len lỏi vào các ngóc ngách của đời sống. Những chứng chỉ VietGap hay rau sạch, rau an toàn cũng chỉ là một tờ giấy để tạo lòng tin với người tiêu dùng, còn kiểm soát việc thực hiện và ý thức trách nhiệm như thế nào của các cơ sở sản xuất, kinh doanh như thế nào mới là quan trọng.
Đi đâu mua thực phẩm an toàn, rồi người tiêu dùng biết tin vào đâu để mua thực phẩm là nỗi băn khoăn của không ít người tiêu dùng.
Việc thực phẩm “bẩn” trà trộn vào thị trường, thậm chí gắn mắc an toàn làm mất niềm tin của người tiêu dùng đối với cả những đơn vị sản xuất, kinh doanh chân chính.
Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, không có con đường nào khác là phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các quy định, quy trình từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa trên thị trường. Cơ quan quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm cần phải thanh tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ hơn nữa, đồng thời, cương quyết xử phạt nghiêm những vi phạm để đảm bảo tính răn đe.
Thiên Hương