Dùng dằng Kon Klor

31/05/2020 06:06

Tôi viết những dòng này tặng những người sinh sống ở vạt đất nằm bên cầu treo Kon Klor. Nghĩ cũng lạ, đất nhỏ nhoi, phận người cũng nhỏ nhoi, thầm lặng bên cây cầu treo nổi tiếng, nhưng lại là một phần không thể thiếu làm nên sự nổi tiếng ấy.

Bạn là người đầu tiên bấm nút like bức ảnh tôi chụp cầu treo Kon Klor vào buổi bình minh. “Trông cứ như cây cầu được khoác lên một tấm áo choàng dệt bằng những sợi tơ vàng mỏng manh nhưng quyến rũ ấy nhỉ. Ước gì được một lần dạo bước trong khung cảnh ấy” - bạn viết ở phần bình luận.

Thật tình, tôi luôn nuôi một niềm hy vọng sẽ được cùng bạn dạo bước trên cây cầu treo Kon Klor trong một ngày đẹp trời. Để tôi được khoe cái yên tĩnh, mơ màng, thơ mộng của buổi bình minh; sự khoáng đạt, bay bổng của buổi trưa, và cảm nhận cái man mác, sâu lắng của buổi chiều.

Nơi ấy, nước sông Đăk Bla lững lờ chảy, liếm nhè nhẹ vào bãi bồi, vấn vít quanh những chân cầu. Những vạt bắp, mì xanh non rào rạt tiến về phía trước giữ đất lại cho người.

Nơi ấy, những ngôi nhà đều không cửa, mở toang cho gió sông và khách khứa thoải mái ra vào. Trước sân mỗi nhà thường có một bộ bàn ghế nhựa xếp dưới tán cây. Bình thủy luôn chứa đầy nước nóng, trà cũng sẵn để đón khách ghé thăm bất cứ lúc nào. Đất nhỏ nhoi, những phận người cũng nhỏ nhoi, thầm lặng nhưng lại là một phần không thể thiếu làm nên sự nổi tiếng của cầu treo Kon Klor.

Ở phố núi nhỏ bé này, cánh bạn trẻ hay nói với nhau, nếu cuộc sống đã mệt nhoài, rã rượi với công việc rồi, nếu ho khan với khói bụi thành phố rồi... thì vào Kon Klor đi. Cứ theo đường Trần Hưng Đạo, hay đường Đào Duy Từ, gặp đường Bắc Kạn thì rẽ vào, thêm ít phút chạy xe máy thôi là đến, để hòa mình với thiên nhiên, để được cởi mở lòng mình với sông nước, với cây trái, con người  và với cây cầu treo nổi tiếng xa gần.

Tốt nhất là hãy đến vào buổi bình minh!

Bình minh trên cầu treo Kon Klor. Ảnh: Nguyễn Ban

 

Sao lại là buổi bình minh? Bởi vì lúc bình minh lên, sông nước và cây cầu đẹp đẽ, tinh khiết, trong ngần như thời thơ ấu của một đời người. Sương đọng trên những tán lá vươn ra phía đầu cầu, bám trên những dây cáp như những chuỗi ngọc trai trước khi lặng lẽ tan cho một ngày bận rộn bắt đầu. 

Có người nói, điều kiện địa lý đã đem lại cho cây cầu treo này sự khác biệt khi đón ngày mới. Có lẽ vậy, bởi dường như mặt trời xuất hiện sớm hơn những nơi khác. Khi ánh bình minh hình rẻ quạt bắt đầu ló lên như những ngón tay hồng sau rặng núi xám mờ còn ngái ngủ, cây cầu được sơn màu vàng độc đáo rực rỡ hẳn lên, như khoác một tấm áo choàng dát vàng.

Ta hãy đứng trên cầu, nhìn về hướng những tia nắng đầu tiên nhẹ nhàng đậu xuống và nhắm mắt lại để cảm nhận sự tinh khôi, dịu nhẹ, mát mẻ chứ chưa gay gắt của nắng mai. Khi ánh nắng bắt đầu loang dần trên sông thì mặt nước cũng óng ánh vàng.

Hãy hít thở thật sâu, để thưởng thức  khí trời trong văn vắt, chỉ hít thở thôi đã nghe ngọt lịm rồi. Bạn sẽ thấy, đứng nơi đây, dường như người và thiên nhiên không bị bứt rời nhau.

Tôi sẽ mời bạn vào một ngôi nhà nằm cạnh chân cầu, quay mặt ra sông, đón gió lồng lộng thổi vào. Cả 2 vợ chồng chủ nhà đều đã nghỉ hưu, con cháu làm ăn xa, vẫn mong muốn được đón bố mẹ vào để tiện bề chăm nom, săn sóc, nhưng anh chị vẫn quyến luyến không rời được vạt đất nằm ven sông, nên dựng căn nhà sàn ở đó để vui vầy chút tình sông nước.

Căn nhà ấy không cổng, không cửa, xung quanh cây trái xanh um, ở bãi đất sát mép sông có trồng mì, trỉa bắp. Nhìn nhà là hiểu người, chân chất, thật tình lắm, chân thật đến bày cả gan ruột.

Dù rằng, những gì trong căn nhà ấy, mảnh vườn ấy đều thường thấy ở những nhà khác, vườn khác, nhưng đều làm cho người ta nhớ. Cây mận rung rinh trước sân; những vạt rau muống xanh mướt nơi giếng nước; dăm ba gốc lựu đung đưa trái đỏ thẫm, mỗi lần đến chơi, tôi lại mắc võng nằm ngó lên cầu treo ngắm thiên hạ qua lại. Còn bãi mì, vạt bắp nếp thì xanh thẳm ngoài mép sông.

Nơi đây, đất và người luôn cởi mở, chân tình. Ảnh: HL

 

Dường như ở đây trời cao và xanh hơn. Nắng thì mênh mang, hừng hực. Gió thì cởi mở, phóng túng. Cây trái thì xanh rưng rức đến nao lòng. Còn người thì hào sảng, đã thương là thương sâu, đã nhớ thì nhớ đậm. Cho nên, mỗi khi khách ghé chơi, chẳng ai nỡ lòng nào từ chối mà không “hết mình”, lai rai cả đêm bên đống lửa rừng rực cháy.

Để rồi khi ra về, khách mới như bừng tỉnh: Phải rồi, cầu treo là cốt, còn tình người là hồn để mời gọi, để níu kéo bước chân du khách.

Mà khoan, trong sự mơ màng bởi men nồng, bởi tình người ấy, chắc chắn bạn sẽ nghe những câu chuyện thú vị về cây cầu treo này.

Đây, tại chỗ này đây - chủ nhà chỉ ra hướng cầu - năm 1990, từng có một cây cầu treo bằng gỗ nối đôi bờ Đăk Bla để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sinh sống 2 bên bờ sông qua lại. Tuy nhiên chỉ hơn 2 năm sau, cây cầu ấy đã bị sóng đánh sập trụ, chao nghiêng.

Trước khi có cây cầu treo bằng gỗ ấy, bao đời trôi qua, người dân các làng Ba Na sinh sống ven sông chỉ có 2 cách để vượt sóng nước Đăk Bla: lội sông hoặc ngồi đò ngang.

Cứ như lời chủ nhà, vào mùa khô, nước sông Đăk Bla cạn, nhiều đoạn xuống ngang bụng, bà con có thể lội sông, thậm chí đánh xe bò qua lại để trao đổi, mua bán hàng hóa và làm ruộng rẫy. Mùa mưa, nước lũ về, bà con vượt sông bằng thuyền độc mộc, thuyền nan. Vì vậy, nhà nào cũng có thuyền, ít thì 1 chiếc, nhiều thì 2-3 chiếc, vừa để vượt sông, vừa để chài lưới cải thiện đời sống.

Còn cây cầu treo Kon Klor dây văng hiện đại, vững chãi mà ta đang ngắm đây được khởi công xây dựng đúng ngày 3/2/1993, khánh thành ngày 1/5/1994. Cầu dài  292 m, rộng 4,5 m, được làm hoàn toàn bằng thép, kiên cố, vững chãi nhưng kiểu dáng lại hết sức mềm mại, như cây lược vàng óng cài trên mái tóc sơn nữ Ba Na.

Rất nhanh chóng, cầu treo Kon Klor trở thành niềm tự hào của đất và người Kon Tum. Nhiều diễn đàn du lịch có tiếng xếp cầu treo Kon Klor vào tốp đầu danh sách những nơi “phải đến” khi du lịch phố núi.

Cầu nối đôi bờ thương nhớ. Ảnh: HL

 

Đặc biệt, những nhịp cầu “nối hai bờ vui” không chỉ giúp bà con đi lại thuận tiện hơn mà còn tạo động lực thúc đẩy tiến trình thực hiện chủ trương tách hộ lập vườn của thành phố Kon Tum những năm sau đó trở nên nhanh chóng và thuận lợi. Nhiều hộ gia đình các làng Kon Tum Kơ Nâm, Kon Klor, Kon Tum Kơ Pâng (phường Thắng Lợi) vui vẻ di dời sang bên kia sông tách hộ lập vườn, thành lập các làng mới Kon Tum Kơ Nâm 2, Kon Klor 2, Kon Tum Kơ Pâng 2 (thuộc xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum).

Cũng từ đó, những con thuyền độc mộc vắng dần trên sông, chỉ thoáng gặp dập dềnh nơi bãi bồi khuất nẻo đâu đó giữa um tùm lau lách, như dùng dằng, như tiếc nuối. Có phải vì vậy mà trong bài hát “Chiều qua cầu treo Kon Klor”, nhạc sỹ Lê Minh Thế mới bần thần mà thốt lên rằng “Chiều qua cầu treo Kon Klor, bỗng thương một vùng quê nhỏ, cầu nối đôi bờ tuổi thơ. Thôi, buồn chi nhé, con đò”?

Với nhiều người thích khám phá, cây cầu treo Kon Klor như một gạch nối giữa hiện tại và quá khứ. Nếu như bên này cầu là làng Kon Klor cũ, nay đang dần “phố hóa”, hiện đại hơn bởi nhà cao tầng, quán xá, khách sạn, thì phía bên kia cầu là những ngôi làng thanh bình, được bao bọc bởi màu xanh ngút ngàn, vẫn còn những nét sinh hoạt truyền thống của dân tộc Ba Na, vẫn còn thiên nhiên hoang sơ và tình người nồng ấm.

Nhưng thôi, tôi không kể nữa, để bạn còn tò mò, háo hức mà tìm đến. Này cầu, này sông, này cây trái trên những bãi bồi, này sự khoáng đạt, hồn hậu, chân thật không vụ lợi của người phố núi, tất cả đều sẽ được giữ lại, dù trải qua tuế nguyệt phôi pha. Để bạn đến quây quần bên bữa rượu ấm nồng với những chủ nhà mến khách; đêm mắc võng nằm thao thức bởi tiếng sóng vỗ bờ và gió thổi xào xạc dưới bãi.

Và cầu treo Kon Klor vẫn như chiếc lược cài trên mái tóc nàng sơn nữ. Nước sông Đăk Bla vẫn vấn vít chân cầu, trôi mà như không trôi, lững lờ, buông thả như mặc kệ, như dửng dưng mà lại hết sức níu kéo.

Bạn sẽ thiếp ngủ trong tiếng ghi ta bập bùng và lời ca tha thiết “Chiều lên bến sông Kon Klor, khúc ca trên cầu treo đó, xin hát thay câu hẹn hò”.

Hồng Lam

Chuyên mục khác