23/07/2019 13:01
Người có con trai thì mong mỏi con gái, còn người có con gái lại khao khát sinh được đứa con trai nối dõi. Như anh bạn tôi, dù đã có 3 cô con gái, nhưng vì áp lực của gia đình, anh vẫn phải sinh thêm. Mà có riêng gì anh, từ vùng quê cho đến thành phố, với suy nghĩ “có đứa con trai vẫn hơn” nên nhiều gia đình đã sinh đến 5-6 người con gái vẫn chưa dừng lại.
Bên cạnh áp lực tìm con nối dõi, ở nhiều xã vùng sâu vùng xa, vì đời sống khó khăn, nhận thức còn hạn chế, lại nghĩ “con cái trời cho” nên nhiều hộ gia đình vẫn sinh con đông. Như một trường hợp ở xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, dù mới 36 tuổi nhưng chị đã có 10 đứa con. Nhà cửa tuềnh toàng, con cái nheo nhóc, cơm không đủ chất, áo không đủ ấm nhưng khi được hỏi “có đẻ nữa không?”, chị lại cười và bảo: “Mình không biết”.
Đâu chỉ gia đình chị, hơn 40% hội viên phụ nữ đang trong tuổi sinh đẻ nơi đây sinh con thứ 3 trở lên. Cán bộ phụ nữ xã rất trăn trở khi đã nỗ lực phối hợp với đội ngũ y tế thôn, cán bộ dân số và người uy tín của từng thôn đi vận động chị em sinh con đúng chính sách dân số nhưng tỉ lệ này chưa có chiều hướng giảm, bình quân mỗi nhà có từ 5-6 người con.
Không riêng xã Đăk Tờ Re, trong 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh ta có hơn 3.900 trẻ được sinh ra, trong đó có 790 trẻ là con thứ ba trở lên, chiếm tỷ lệ hơn 20%. Theo thống kê mới đây, dân số trung bình năm 2018 đã lên 533.000 người; mật độ dân số khoảng 55 người/km2.
Sinh con không kế hoạch (sinh 3 lần trở lên) gây ảnh hưởng đến chất lượng dân số, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cả mẹ và bé. Không chỉ gây nguy cơ xảy ra các tai biến thiếu máu, thai ngoài dạ con, vỡ dạ con, sản giật cho mẹ, việc sinh nhiều lần còn có nguy cơ gây ra tình trạng dị dạng, dị tật thai nhi… Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao câu chuyện một sản phụ ở Hà Nội trong lúc sinh đứa con thứ 7, cả mẹ và con đều bị tử vong do vỡ tử cung. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những gia đình có ý sinh đông con.
|
Đông con còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, đưa người dân rơi vào vòng luẩn quẩn: đông con - đói nghèo. Con đông, đất đai sản xuất có hạn, nhiều hộ gia đình chẳng mấy chốc rơi vào cảnh nghèo. Trước gánh nặng kinh tế, cha mẹ lại chật vật kiếm sống, không có thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng nên các con sinh ra không có điều kiện để ăn học đàng hoàng, phát triển toàn diện. Đơn cử như ở xã Đăk Tờ Re, năm 2018, toàn xã có đến 249 hộ gia đình hội viên phụ nữ có con suy dinh dưỡng và bỏ học.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới có nêu rõ, dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.
Thực hiện theo Nghị quyết, thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động toàn dân bảo vệ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình để từng bước nâng cao chất lượng dân số. Đến nay, toàn tỉnh có 37.342 người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 91,32% so với chỉ tiêu kế hoạch giao.
Truyền thông là một trong những giải pháp hữu hiệu, chính vì vậy, bên cạnh Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, các ban ngành, đoàn thể cũng cần phối hợp nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Cùng với đó cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Sinh con, gái hay trai đều là món quà vô giá, mỗi gia đình đừng vì sinh con một bề, đừng vì trọng nam khinh nữ, khát khao sinh con trai mà tạo áp lực, làm khổ chính mình và khúc ruột của mình. Hơn thế, nên sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại để tránh sinh con ngoài ý muốn.
Dù gái hay trai chỉ hai là đủ! Sinh hai con để có điều kiện nuôi dạy con tốt nhất, để gia đình thêm ấm no, hạnh phúc!
Hoài Tiến