10/02/2021 13:04
Nói ra thì sợ bạn buồn, thật tình tôi không nhớ đây là năm thứ bao nhiêu bạn gửi quà tết cho mình, toàn những thứ, như cách gọi bây giờ, là “hàng sạch”, là đặc sản. Trong khi quanh đi quẩn lại, cũng chỉ tặng bạn được hộp bánh, chai rượu vang, và một thứ không thể thiếu: Tờ báo tết. Nghĩ lại mà thương, những tờ báo tết được bạn giữ gìn cẩn thận hơn cả tôi, xếp gọn gàng trong ngăn tủ, luôn sạch sẽ và bóng bẩy.
Tôi luôn nhớ về bạn nhiều nhất trong đám bạn cũ. Học hết phổ thông, bạn theo gia đình đi làm ăn xa. Biền biệt nhiều năm, ai dè cuộc đời đưa đẩy, 2 đứa gặp lại ở quê mới khi đã luống tuổi.
Bạn vẫn vậy, chân chất, hiền lành, ít nói. Chân chất đến cả trong cách nhắn gửi, không zalo, không facebook, mà là bằng một tờ giấy kẻ ô ly của học sinh (tôi đồ rằng bạn mới “xin vắng mặt” của cậu con trai học lớp 4); “Này, có ít thịt heo sạch, măng khô sạch, rau sạch mình gửi bạn ăn tết nhé. Toàn những thứ của nhà làm ra, yên tâm mà dùng”.
Tôi gọi điện cho bạn, bày tỏ sự áy náy rằng, bạn đừng vì tôi mà tốn kém nữa; rằng, tôi biết lấy gì để đền đáp tấm lòng của bạn? Nhưng bạn nói, nào có đáng kể chi. Chỗ bạn bè với nhau, làm ra được mới tặng, chứ không mua đâu, vì không có tiền, nào có ai đong tấm lòng bằng những món quà quê. Rồi cười hiền, y chang cậu bạn năm nào ngồi cùng bàn chỉ biết cười, nhận phạt thay đứa khác.
Nhưng với tôi, dù không đong tấm lòng bằng những món quà ấy, thì vẫn thấy vui hơn cả niềm vui, tình nghĩa hơn cả những gì được gọi là tình nghĩa.
|
Tôi đã từng đón tết ở làng bạn sinh sống. Gọi là làng, nhưng chỉ chừng mươi nóc nhà, quây quần trên một doi đất ăn ra lòng hồ thủy điện. Đất nhỏ nhoi, phận người cũng nhỏ nhoi, thầm lặng, nhưng lại làm cho người ta nhớ. Con người nghèo mà sống sạch, sống thơm; sống tử tế, tình nghĩa với nhau đã đành, còn không tham lam, kiếm đỏ con mắt không ra một cử chi làm đau lòng người khác.
Hôm dẫn tôi đi chúc Tết mấy nhà hàng xóm, bạn giới thiệu vui: Ở đây, nhà nào cũng nghèo bằng nhau. Quanh năm dầm dãi ngoài đồng ngoài bãi, không lúc nào móng tay, móng chân thôi đóng phèn, ngoài lúc ăn, ngủ không khi nào mà đôi tay không cầm cày cuốc. Tôi muốn cười mà không cười nổi.
Ở đây tết đến muộn hơn nơi khác. Lu bu chuyện ruộng rẫy đến ngày hai mươi mấy tháng Chạp mới thảng thốt kêu “Trời, mới đây mà đã tới tết”. Thế là quýnh quáng bắt tay vô dọn cỏ, cọ rửa quét vôi mộ ông bà sau vườn. Rồi sửa sang nhà cửa, vì “để xập xệ vậy coi đâu có được”. Rồi cũng phải đi sắm đồ mới cho tụi nhỏ, tính coi ăn tết sao đây. Heo, gà, cá, rau thì sẵn, nhưng cũng phải sắm ít quần áo mới, bánh mứt cho con trẻ; làm ít khô cá, dầm hũ rượu để anh em có cái lai rai.
Đêm giao thừa, cả xóm kéo nhau đi… chúc tết nhau. Đến mỗi nhà uống với gia chủ ly rượu xuân lấy thảo, cũng đủ để chuếnh choáng, đủ để lâng lâng chìm vào giấc xuân. Tỉnh dậy đã là năm mới. Thấy đời tươi hơn, thấy bao nhiêu khó khăn trôi qua hết, thấy mình còn ngon lành, còn sức để đi tiếp.
Đôi khi, nghe tôi than chuyện tết nhất, bạn lại rủ rê: Lên ăn tết với tôi. Đảm bảo thanh thản hơn người thành phố nhiều. Không phải chạy tơi bời, thấy cái gì cũng muốn mua, cái gì cũng muốn có. Rõ ràng vật chất là cám dỗ, làm cho người ta khổ sở không ít.
Lại nữa, cứ như bạn nghe thiên hạ bàn tán, nội chuyện quà biếu cho sếp thôi lo cũng ốm, vì có khi người ta ngó tay mình chớ có nhìn mặt đâu. Mua đồ vừa với túi tiền thì sợ người ta cười khi là tặng toàn đồ bỏ. Mua quà ở mức “coi được”, chứ chưa nói sang, thì hết lương rồi còn gì.
Tấm lòng được đo bằng độ nặng nhẹ của quà, như có những cơn sóng thực dụng vô hình cứ vỗ mãi vào lòng người, làm xói lở cái gọi là tình nghĩa.
Ờ, thật tình tôi cũng muốn trốn lên làng, ở lì đó hết tết rồi về, nhưng đâu có được. Lỡ vào cái vòng xoáy này rồi, đâu phải nói dứt ra là dứt?
Mà thôi, nhắc ba cái chuyện “tế nhị” đó làm chi. Nói đến chuyện quà tết của bạn, tôi lại thấy buồn cười khi mấy nhà hàng xóm cứ mãi ghen tị với mình vì có “thực phẩm sạch” để ăn tết. Mà hình như, thời buổi thực phẩm bẩn rình rập ngoài ngõ, cụm từ “của nhà trồng được” trở nên quý giá. Mở facebook, cứ thấy trang nào quảng cáo bán đồ nhà làm, rau tự trồng,… là các bà, các cô trong xóm rủ nhau đặt hàng, dĩ nhiên là cũng phải qua tìm hiểu, chọn lựa kỹ, bởi chợ trên mạng lắm lúc cũng thật giả khó lường.
Ăn tết, cũng thay đổi theo thời gian. Tết xưa, những món bánh chưng, giò chả, bánh mứt… nhà nhà đều tự làm. Thời bao cấp khó khăn, bao món ngon vật lạ đều được nhà nhà dồn vào tết. Có những thứ đơn giản thôi, nhưng phải chờ đến tết mới được thưởng thức. Người ta nói tết là dịp để ăn ngon mặc đẹp là vậy. Còn giờ thì bánh chưng, giò chả, bánh mứt… có quanh năm, lại không cần kỳ công gói ghém, cứ “alo” là có dịch vụ ship hàng tận nơi. Nhưng đối diện với nỗi lo thực phẩm bẩn hàng ngày, nhiều người đang có xu hướng quay về với tết xưa khi muốn tận tay mình chọn nguyên vật liệu sạch, thực phẩm sạch để ăn tết cho an toàn.
Khi đã quá ngán và bội thực với tiệc tùng cuối năm, được thì nhâm nhi những thứ quà quê lại thấy “đã gì đâu”. Nhiều khi tự hỏi, mình cảm giác ngon hơn có phải vì ăn trong yên tâm, ăn mà không lo mình đang nuốt những thứ độc hại từ rau có thuốc trừ sâu, thịt heo tiêm thuốc an thần… Khách đến chơi nhà, được mời ăn bữa cơm ngày Tết, chỉ cần nghe gia chủ nói món này sạch đấy, bạn ở quê gửi xuống cứ yên tâm mà dùng, đảm bảo ai cũng cảm thấy ngon miệng.
Bởi thế, những món quà quê được biếu tặng vào dịp tết giờ trở nên quý hơn, không chỉ ở tấm lòng. Mở thùng quà bạn gửi ra, tự nhiên thấy xúc động, thấy như được trở về thời thơ ấu, ăn cái tết thời thơ ấu với những món mà mẹ thường nấu, đơn giản nhưng ngon đậm đà.
Vậy cho nên, bạn có biết không, khi tết đến, dù không nói ra, nhưng tôi luôn ngóng thùng carton của bạn gửi về mỗi ngày, bên trong là những món quà quê dung dị, và tờ giấy học trò kẻ ôly ghi mấy chữ nguệch ngoạc “toàn những thứ của nhà làm ra, yên tâm mà dùng”. Sau đó còn đi khoe khắp xóm nữa chứ.
Tất nhiên, như bạn nói, tôi không lấy những món quà ấy để đong tấm lòng thơm thảo của bạn!.
Hồng Lam