14/10/2018 07:08
Tôi nhớ, những ngày đầu ấy, cả cơ quan Báo Kon Tum chỉ có hơn chục người; từ lãnh đạo đến cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên. Tất cả anh chị em đều ở tập thể, kể cả người đã có gia đình và những người còn độc thân.
Cuộc sống tuy kham khổ nhưng chúng tôi sống với nhau rất tình nghĩa, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Nhà ai có món ăn gì ngon đều san sẻ cho anh chị em, nhất là những người chưa lập gia đình.
Thời gian đó, anh Võ Tấn Long đảm nhận cả hai vai, vừa làm Tổng biên tập Báo, vừa kiêm Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Bước vào một ngày làm việc mới, anh chạy như con thoi giữa 2 cơ quan để duyệt bài đăng báo, phát sóng.
Những năm đầu, Báo Kon Tum phát hành 1 số/tuần. Điều kiện cơ sở vật chất vô cùng khó khăn. Trụ sở làm việc cơ quan chỉ là một dãy nhà cấp 4 xập xệ, cũ nát với 5 phòng làm việc, còn lại là 3 dãy nhà tập thể của cán bộ, công nhân viên. Cả cơ quan chỉ có một máy đánh chữ, phóng viên viết bài trên giấy A4. Sau khi Ban biên tập duyệt bài, chuyển cho nhân viên đánh máy, đến lượt Tòa soạn lên ma-két trang báo, rồi đưa đến xí nghiệp in để dàn trang và in báo.
Chuyện đi in báo cũng rất vất vả. Khi đó, Kon Tum chưa có xí nghiệp in nên muốn in báo phải sang tận Đăk Lăk, vài năm sau chuyển xuống in ở Bình Định. Tôi làm phóng viên, thỉnh thoảng cũng được cơ quan cử đi in báo vài lần. Mỗi lần đi là một lần cơ cực, trách nhiệm vô cùng lớn lao. Nếu báo in bị nhòa, sai sót kỹ thuật, hay bị rách trên đường vận chuyển thì thế nào cũng bị nhắc nhở, phê bình vì chưa làm tròn nhiệm vụ.
Chuyện in báo là vậy, nhưng chuyện làm nên một sản phảm báo chí cũng khó khăn không kém. Khi ấy, cơ quan cấp cho phóng viên toàn giấy viết A4 màu đen, vừa xấu vừa nhìn không rõ chữ. Khổ nhất là đối với những phóng viên mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm viết lách nên Ban Biên tập bắt buộc phải sửa bài. Sửa lần đầu chưa ưng ý thì hướng dẫn cho người viết sửa lại lần 2, lần 3. Bởi vậy, phóng viên phải viết đi viết lại nhiều lần mới hoàn thiện một sản phẩm báo chí theo đúng tôn chỉ, mục đích tuyên truyền của tờ báo Đảng.
Đi công tác ở cơ sở hồi đó cũng rất khó khăn. Cơ quan chỉ có 1 chiếc xe ô tô 4 chỗ cũ kỹ, 1 chiếc xe gắn máy và 2 chiếc máy ảnh để phục vụ công tác. Hầu hết anh em phóng viên mới vào nghề đều không có phương tiện đi lại. Muốn đi cơ sở thu thập tư liệu để viết bài, phương tiện duy nhất là đi xe đò. Có chuyến đi công tác, nếu không may xe khách bị lầy, phóng viên đi công tác lẫn hành khách trên xe phải ở lại dọc đường ăn mỳ tôm 1-2 ngày là chuyện “thường ngày ở huyện”. Còn nếu cơ quan cử đi tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo ở địa bàn thị xã thì phóng viên phải đi bộ.
Cơ quan chỉ có 2 máy ảnh nên mỗi lần anh em phóng viên mượn đi tác nghiệp cũng rất khó, phải đăng ký trước với Ban Biên tập. Máy ảnh là máy cơ, sử dụng phim nên rất tốn kém, phải cân nhắc trước khi tác nghiệp, nếu không biết cách chụp thì ảnh không đạt chất lượng, gây tốn kém cho người chụp.
Khó khăn như thế nên mỗi chuyến đi công tác của phóng viên thường kéo dài từ 3-4 ngày hoặc có khi cả tuần. Mỗi lần xuống huyện công tác, phóng viên tranh thủ đi nhiều xã, làm việc với nhiều cơ quan, đơn vị để nắm bắt tình hình. Phóng viên nào quan hệ tốt với cơ sở, thì chuyện tác nghiệp tương đối dễ dàng. Lãnh đạo huyện quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi về chỗ ăn, chỗ ở, phương tiện đi lại. Mỗi chuyến đi như thế, phóng viên có cả một “kho nguyên liệu” để “ăn dần”, sau này từ từ “sản xuất” ra nhiều sản phẩm báo chí...
Còn nhiều và rất nhiều những kỷ niệm đong đầy khó quên trong 26 năm gắn bó với tờ báo Đảng của tỉnh nhà, nhưng trong khuôn khổ trang báo có hạn, không thể kể hết ra đây. Riêng đối với bản thân tôi, luôn xem cơ quan Báo Kon Tum là “gia đình thứ hai” của cuộc đời mình.
Quang Định