Đợi xem rối nước

19/01/2019 13:22

Cuộc sống lao động và sinh hoạt bình dị, sáng trong… qua trò rối, bao đời vẫn tươi vui, lôi cuốn. Với bọn trẻ, càng thích thú hơn với trò rối thả vịt, chọi trâu, câu cá…Giữa làn nước dập dềnh, hình người ngồi câu, lâu lâu lại giật cần lên, rồi đành đợi hoài cho đến khi chú cá to kềnh nằm gọn trong tay.

“Khi nào mới được xem rối nước hả mẹ? Phải đợi đến Tết nữa à?...”. Con gái tuổi trăng rằm, đầu năm nay học kỳ 2 lớp đầu bậc trung học phổ thông. Hai Tết vừa qua, hai lần con vui mừng được xem múa rối, lại rối nước mới lạ lẫm và thú vị chứ! Được vậy, ấy là nhờ các cô chú ở Bảo tàng tỉnh, với nỗ lực đem lại nét mới cho sắc xuân Kon Tum, đã cất công đưa vào hội vui ở cao nguyên các trò chơi dân gian của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong đó có trò rối nước.

Niềm vui, nỗi mong của con gái phải chăng cũng là tâm tư ngóng đợi của chính người mẹ cùng bao người lớn, bọn trẻ mà dạo nào chị đã gặp trong không khí hào hởi, vui tươi xem múa rối. Niềm vui, nỗi mong đưa chị về với những kỷ niệm không quên cho dù tháng năm ngày càng lùi xa theo miền quá khứ.

Không vang danh nổi tiếng, nhưng ngày trước, đồng chiêm quê chị cũng là nơi lưu giữ và duy trì múa rối dân gian cùng những trò chơi dân gian, truyền thống. Tết đến và hội làng, thêm cả dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9, người người tề tựu.

Nói về múa rối dân gian, phải rõ rằng có rối cạn và rối nước. Rối cạn thì sân đình chính là sân khấu. Ở đó, người ta đóng cọc, treo tấm phông lớn. Phía trên tấm phông ấy là không gian của những con rối diễn trò. Rối nước thú vị hơn vì sân khấu được dựng lên trên mặt nước ao làng có cây đa tỏa bóng. Cũng hình mái đình cong cong làm xong, cũng khoảng sân con thoáng mát. Nhà rối hay còn được gọi một cách “văn hoa” là “Thủy đình” càng thêm bắt mắt nhờ nhiều chiếc cờ vuông, cờ hình tam giác, chữ nhật sắc màu sặc sỡ.

Ngày ấy, để xem rối nước, buổi chiều, cơm nước xong, lũ trẻ các chị đã kéo nhau ra ao làng để chờ từ sớm. Ngày ấy, cuộc sống sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn, phim ảnh và các trò giải trí thuộc hàng quý hiếm nên chỉ cần nghe tin rối về là đứa nào đứa nấy háo hức đợi trông. Trước đó mấy ngày, bạn bè đã ồn ã bàn tán, tưởng tượng ra bao nhiêu là điều vui thích.

 “Này bà con ơi!...’’. Còn nhớ hình ảnh chú Tễu nhanh nhảu, láu lỉnh bước ra sau tấm mành mành xanh hồi ấy. Đó là hình rối một cậu bé mũm mĩm đóng khố, áo ngắn hở ngực khoe cái bụng tròn tròn trắng trẻo, trông rất khỏe khoắn lại hiền lành, chất phác; gương mặt, nụ cười rất tươi. Đáp lại lời gọi của Tễu, mọi người đồng thanh cất tiếng “Sao?...” như để trả lời.

 “Tễu tôi vốn dòng trên thiên thượng/Bởi hái đào bị trích xuống trần gian/Thấy sự đời bối rối đa đoan/Nên tôi phải lặn lội để lo toan sự… rối”…

 Thế là màn rối bắt đầu…

 Nhiều năm trôi qua, mãi đến đón Xuân Đinh Dậu (2017) và kế tiếp là mừng năm mới Mậu Tuất (2018), trên mảnh đất Kon Tum quê hương thứ hai từ lâu đã thành gốc rễ, chị mới được trở lại xem múa rối. Hào hứng và yêu thích nhất vẫn là con gái, lũ bạn của nó và đám trẻ nhỏ.

 Không sẵn mặt nước như nơi ao làng, sân khấu được tạo ra là hồ nước trong veo, long lanh cờ phướn. Chú Tễu tinh anh và các tiết mục hội làng, chọi trâu, nhà nông sản xuất…vui nhộn là dấu ấn mà các nghệ nhân Phường rối Tế Tiêu nổi tiếng miền Bắc để lại trong lòng bà con nơi nẻo xa này.

Lâu lắm, trải nghiệm xem rối nước của cô bé đồng Chiêm ngày xưa mới có dịp quay trở về, để thêm vào niềm vui con gái. Người trưởng đoàn múa rối nhanh nhẹn và nhiệt tình giới thiệu với các khán giả rằng: Các nghệ nhân biểu diễn rối nước thường được chia làm hai bộ phận. Một số chuyên đánh đàn, thổi sáo, đánh trống, phèng la…Nửa đông hơn vừa lành nghề điều khiển con rối, vừa thuần thục đảm nhận hát, nói cho nhân vật trên sân khấu rối nước của mình. Mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ, các tiết mục rối nước là sự hòa quyện đặc biệt giữa động tác của con rối với giai điệu của những bài hát chèo, hay làn điệu dân ca vừa gần gũi, quen thuộc vừa mang ý nghĩa chân thực, nhẹ nhàng.

Mỗi tiết mục rối đều chuyển tải một nội dung tích xưa hay chuyện nay hoàn chỉnh, song cho đến giờ, với chị, hấp dẫn và đáng yêu nhất vẫn là trò rối về công việc nhà nông. Trong tiếng nhạc rộn rã và lời ca điệu chèo trong trẻo cao vút “Chị em chúng ta … i í i i ì i…/Chị em chúng ta bắt cua bỏ giỏ….”, trên mặt nước hồ trong veo và đằng sau những tấm mành thưa vững chãi, những con rối lần lượt hiện ra. Bác nông dân đầu chít khăn với chiếc giỏ tre bên hông chăm chỉ cuốc đất. Những chị em áo ngắn thắt dây ngang eo nghiêng người nhanh tay thả từng đon mạ non. Chàng trai khỏe liên hồi xay lúa. Cô thôn nữ nhịp nhàng đưa chân giã cối… “Tôi xin kể về đồng lúa nước/Rủ bóng tre xanh ngắt quê làng/Lưng trâu sáo thổi véo von…”.

Cuộc sống lao động và sinh hoạt bình dị, sáng trong… qua trò rối, bao đời vẫn tươi vui, lôi cuốn. Với bọn trẻ, càng thích thú hơn với trò rối thả vịt, chọi trâu, câu cá…Giữa làn nước dập dềnh, hình người ngồi câu, lâu lâu lại giật cần lên, rồi đành đợi hoài cho đến khi chú cá to kềnh nằm gọn trong tay. Ở trong màn nước tung tóe, hai con rối trâu trùng trục lao vào nhau với những tư thế húc, lộn, đỡ, tránh…cứ như là thật… Trận chiến diễn ra đầy kịch tính, lúc trâu này thắng thế kìm đầu con trâu kia, khi chú trâu kia vùng lên phản công rượt đối thủ này chạy dài một đoạn…

 “Bao giờ lại xem rối nước? Phải đợi đến Tết phải không?...”

 Ngày đông sẽ qua, chờ vui xuân mới. Chẳng phải ngày xưa kham khó, cho đến bây giờ, rối nước vẫn đợi xem…

Thanh Như

Chuyên mục khác