Dọc dài “xương sống” Tây Nguyên

03/06/2018 08:50

Theo phân giới hành chính hiện nay, đường thiên lý Bắc – Nam Hồ Chí Minh bắt vào địa phận Tây Nguyên tại khoảng km 1402; phía bắc là huyện Phước Sơn tỉnh Quảng Nam, phía nam là huyện Đăk Glei tỉnh Kon Tum.

Chúng tôi bắt đầu từ đây cho một chuyến “phượt” dọc dài cung đường “xương sống” Tây Nguyên, đến khoảng km 1946, giáp ranh giữa huyện Đăk Rlấp tỉnh Đăk Nông và huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước - điểm cuối thuộc địa phận Tây Nguyên.

Nhớ lại ngày 5/5/2000, tại bến phà Xuân Sơn bên sông Son, gần động Phong Nha, Thủ tướng Chính phủ long trọng nhấn nút phát lệnh khởi công “Đường Trường Sơn công nghiệp hóa - hiện đại hóa”, tức đường Hồ Chí Minh, trải dài thiên lý Bắc - Nam. Mặc dầu được nối nhập và nắn sửa nhiều chỗ, song về cơ bản, đường Hồ Chí Minh đoạn ngang Tây Nguyên vẫn là theo tuyến đường 14 cũ.

Đoạn ngang 4 tỉnh Tây Nguyên, đường dài 544km, chia ra: tỉnh Kon Tum, từ giáp Quảng Nam ở khoảng km 1402 đến khoảng km 1564, dài 162km; tỉnh Gia Lai, từ giáp Kon Tum ở khoảng km 1564 đến khoảng km 1666, dài 102km; tỉnh Đăk Lăk, từ giáp Gia Lai ở khoảng km 1666 đến khoảng km 1793, dài 127km; tỉnh Đăk Nông, từ giáp Đăk Lăk ở khoảng km 1793 đến khoảng km 1946, dài 153km.

Gần trăm cây số đầu tiên phía bắc, đường nằm trọn trong lòng quần sơn Ngọc Linh đại ngàn, ngút ngát, nên con đèo Lò Xo quanh co lên ghềnh xuống thác đến vài mươi cây số, ngoạn mục và hùng vỹ. Năm 1941, bị lưu đày tại đây (Căng an trí Đăk Glei), nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Đường lên đỉnh núi Đăk Glei/ Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim/ Gà đâu gáy động im lìm/ Mơ mơ mấy xóm tranh chìm trong mây…”. Cũng tại khu vực này, có một đoạn chừng trên 30 cây số (từ Đăk Pék đến Đăk Sút) chính là cung đường vào năm 1931-1932 thực dân Pháp bắt tù chính trị Ngục Kon Tum lao động khổ sai xoi mở, chỉ 6 tháng trên 200 người bỏ xác! (Bình quân 1km đổi 6 – 7 mạng người)! Thế cho nên, khi ngang qua đây, Tố Hữu đã viết: “Chao ôi, xưa cũng chốn này đây/ Thân bạn vùi xương dưới gốc cây/ Mỗi hòn đá đó - bao hòn huyết/ Một khúc cầu đây - mấy khúc thây!…”.

Dọc dài đường đi, ngoài cảnh quan ngoạn mục của núi rừng thảo dã, đường còn ngang qua các khu đô thị sầm uất: thị trấn Đăk Glei, thị trấn Plei Kần, thị trấn Đăk Tô, thị trấn Đăk Hà, thành phố Kon Tum, thị trấn Phú Hòa, thành phố Pleiku, thị trấn Chư Sê, thị trấn Nhơn Hòa, thị trấn Ea Drăng, trung tâm huyện Krông Búk mới, thị xã Buôn Hồ, thành phố Buôn Ma Thuột, thị trấn Ea Tling, thị trấn Đăk Mil, thị trấn Đức An, thị xã Gia Nghĩa, thị trấn Kiến Đức.

Như vậy, trên cung đường 544km, có đến 18 khu trung tâm đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn). Ấy là chưa kể các thị tứ (trung tâm xã) cũng đông đúc không thua gì thị trấn. Tính bình quân, cứ khoảng 30km lại có một khu đô thị với đầy đủ các dịch vụ cần thiết, rất thuận tiện cho người lữ hành đường bộ cần phục vụ, hay muốn dừng chân nghỉ lại để tham quan, thăm thú.

Đường ngang qua nhiều vùng văn hóa phong phú và đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên anh em, như: Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Ba Na, Ja Rai, Ê Đê, Mơ Nông… Do vậy, cung đường đã thu hút nhiều nhóm “phượt”, nhiều đoàn caravan, nhiều tua du lịch sinh thái - văn hóa… chọn làm hướng lữ hành ngày càng nhiều để thưởng ngoạn cảnh quan hoang sơ rừng núi, để rẽ ngang cắt dọc tham quan các vùng biên giới, các di tích lịch sử, hoặc tìm hiểu các bản sắc văn hóa địa phương…

 Kể từ khi đường Hồ Chí Minh thông xe, xe khách, xe tải, xe con, xe máy… từ khu vực phía nam đều chọn đường này ra Bắc vào Nam. Ấy là do: cự ly rút ngắn hơn so với vòng xuống Quốc lộ 1A; miền núi mát mẻ trong lành hơn cái gay gắt ở đồng bằng miền Trung; lưu lượng xe cộ cũng thưa hơn, tránh được các khu đô thị san sát dọc Quốc lộ 1A…

Đường cũng ngang qua nhiều địa danh và chứng tích lịch sử - văn hóa cho những ai quan tâm thăm viếng; ngang qua bao cảnh sắc vừa kỳ vỹ vừa nên thơ của núi non đại ngàn và thảo nguyên bát ngát. Nếu ở đầu bắc là núi non hùng vỹ tiêu sơ thì đầu nam lại là một cung đường thoáng đãng phong quang; đặc biệt từ vùng núi lửa Đăk Mil (khoảng km 1844) trở dài vào Nam là cung đường lượn lờ những “đường cong mềm mại” rất đẹp mắt, ngoạn mục.

Đi dọc cung đường, điều không bàn cãi, là ai cũng nhận ra đây miền đất ba-zan màu mỡ, trù phú, đầy tiềm năng qua những khu đô thị sầm uất, qua những vùng dân cư quần tụ, qua những rẫy những vườn, nào là cà phê, hồ tiêu, cao su, điều… bạt ngàn xanh mướt mát hai bên. Hương hoa cà phê dìu dịu, mùi nhựa thông hăng hắc, mùi đất núi hương rừng thơm thoảng suốt dọc dài trong gió… Một cảm giác trong lành, bình yên và sảng khoái.

Đó là niềm vui, song, kèm theo cũng là mối lo về hệ môi trường sinh thái đang dần bị xâm hại. Nhớ lại gần trăm năm trước, khi vua Bảo Đại kinh lý các tỉnh Tây Nguyên, cảnh sắc dọc đường này được miêu tả: “Ngày 17-02-1933. (Từ Kon Tum - NV) Khải giá xuống Ban Mê Thuột. 8 giờ 40, đến Pleiku (…). Đường đi giữa rừng. 10 giờ 05, đến địa đầu Darlac (…). 10 giờ 50, tới trạm Gia Leo (Éa Léao) (…). Ở đó im mát (…) bốn bề rừng rậm cây xanh, cảnh cũng đìu hiu tịch mịch (…). Cách Ban Mê Thuột chừng 3 cây số đã có người Thượng gái, trai chia nhau ngồi hai bên đàng cái mà chực hầu (…). Lại còn một quang cảnh lạ nữa, là voi đứng đóng hầu một dãy dài gần một cây số. Đếm cả thảy 162 con…”.

Từ cảnh quan “đường đi giữa rừng”, “bốn bề rừng rậm cây xanh, cảnh cũng đìu hiu tĩnh mịch”, thế mà mới gần trăm sau, cũng cung đường này, khách lữ hành sau cái “mát mắt” với màu xanh rẫy vườn là cái “nhức mắt” với bao la đồi núi trọc trơ vây bủa. Đã có nhiều cảnh báo và kêu cứu về nạn phá rừng Tây Nguyên và canh tác không theo quy hoạch, kế hoạch. Voi rừng đã trở thành quý hiếm, cây rừng đã bị đẩy lùi xa, nguồn nước (kể cả mạch nước ngầm) cũng đang bị khoan đào vắt kiệt… Giật mình, sực nghĩ đến những mùa khô Tây Nguyên!

Tạ Văn Sỹ

Chuyên mục khác