Dịp hè, trẻ em sử dụng internet nhiều hơn

18/07/2018 18:18

​Thiếu không gian sinh hoạt, giải trí công cộng miễn phí, dành riêng cho trẻ em, ngày hè, các em thường tìm đến các cửa hàng dịch vụ internet để xem phim, chơi game online mà không có người thân định hướng về nội dung và giới hạn thời gian sử dụng. Điều này rất nguy hại, cần có sự vào cuộc kiểm tra, siết chặt quản lý của ngành chức năng, sự quan tâm của phụ huynh, để trẻ em không bị sa đà dẫn đến nghiện các trò chơi điện tử, kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Dẫn chứng cho tác hại xấu “đắm đuối” game online trẻ nhỏ, chị Nguyễn Thị Chuyên ở phường Duy Tân (thành phố Kon Tum) kể: Đầu tháng 6, mùa hè mới bắt đầu, con trai lên lớp 9 của chị đã nghe theo lời một nhóm bạn ở xóm, cùng nhau đưa chiếc xe đạp của em đi “cắm” ở 1 cửa hàng cầm đồ được một triệu đồng. Có tiền trong tay, cả nhóm 4 bạn rủ đi chơi trò chơi điện tử trực tuyến 4 đêm liên tục, tại cửa hàng chuyên kinh doanh game online trực tuyến tốc độ cao ở đường Lê Hồng Phong.

Theo chị Chuyên, lúc đầu thấy con trai đi chơi không mang xe đạp về, chị có hỏi, nhưng con cứ nói cho bạn A ở xóm mượn đi vài ngày. Tuy nhiên, qua theo dõi, chị thấy con có biểu hiện mệt mỏi, đến bữa ăn rất vội vàng để sang nhà bạn chơi. Có đêm, con trai chị đi đến 10-11h mới về. Vợ chồng chị sinh nghi đã theo  dõi, mới phát hiện, con và các bạn mỗi ngày đều kéo vào quán internet, đúng giờ ăn cơm lại về nhà. “Khi phát hiện, tôi và chồng đã im lặng đưa con trai về nhà hỏi chuyện, lúc này cháu mới kể lại chuyện đưa xe đạp đi cầm cố chơi game trực tuyến cùng chúng bạn. Sau phát hiện này, tôi đã đăng ký cho cháu tham gia các lớp học năng khiếu thể thao, bơi lội để tách khỏi đám bạn lỡ mê game” - chị Chuyên nói.       

Trường hợp khác, chuẩn bị vào hè, chị bạn kinh doanh quán phở buổi sáng ở phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) đã gửi con gái duy nhất học lớp 7 về với ông bà ngoại ở huyện Đăk Tô. Chị bảo, tranh thủ mùa hè không đưa đón con gái đi học, hai vợ chồng tăng ca bán thêm bánh xèo thịt nướng vào buổi chiều, tối. Tuy nhiên, con gái chị vốn hay mượn điện thoại iphone của bố chơi điện tử say sưa, lúc khác thì mở mạng vào Facebook chát chít với bạn bè. Vào dịp nghỉ hè rảnh rỗi, cháu có tần suất sử dụng điện thoại cập nhật mạng càng thường xuyên hơn nên anh chị đã đưa con gái đi gửi ông bà.

“Tôi đưa cháu về quê ở với ông bà cả tuần, đến sáng thứ bảy lại đón con gái về phố. Một phần, cháu quý và rất quấn quýt ông bà không phải lo nghĩ. Phần khác, ở nhà bố mẹ tôi làm nông, nên cháu cũng giúp đỡ tý việc vặt đồng áng cho ông bà. Có thể lâu dần, giúp cháu hiểu dần giá trị lao động. Mặt khác, giúp cháu tránh “nghiện” các trò chơi game bạo lực, kết bạn phức tạp trên mạng xã hội, cũng như giảm bớt tụ tập bạn bè rảnh rỗi vào dịp hè thiếu kiểm soát của người lớn. Đến giữa tháng 7, chị lại đưa con gái về phố để tham gia các lớp học thêm và đăng ký thêm các lớp học ghi ta, bơi lội.

Trên đây là 2 trong số nhiều phụ huynh than thở về tình trạng trẻ em ngày nay có xu hướng nghiện sử dụng mạng internet, sống ảo. Dần dà, các em có hành xử bên ngoài cuộc sống thực với các biểu hiện đáng lo ngại như bạo lực, hoặc lười vận động, ít giao tiếp với người xung quanh.

Chủ đề Tháng hành động Vì trẻ em năm nay là “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”. Tuy nhiên gần một tháng phát động, qua tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, tất cả mới dừng lại ở công tác thông tin, tuyên truyền; còn  việc kiểm tra về giờ giấc hoạt động, nội dung game online có phù hợp độ tuổi trẻ em theo quy định hay không... nhằm hướng về bảo vệ trẻ em ở lĩnh vực này chưa được các cấp, các ngành thật sự quan tâm.

Trong khi đó, phóng viên rảo quanh tầm 8 – 10 cửa hàng tư nhân hoạt động kinh doanh internet có trò chơi điện tử trực tuyến trên địa bàn thành phố Kon Tum và trung tâm các huyện, người dân sống xung quanh đều phản ánh, mùa hè, số lượng học sinh vào đăng ký thuê máy vi tính chơi điện tử trực tuyến gần như kín 100% máy hiện có của nhà chủ, thời gian chơi kéo dài đến ngày hôm sau...

Mai Trâm

Chuyên mục khác