Điểm thi môn Sử - Bao giờ hết buồn?

22/07/2019 13:01

Kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Môn Lịch sử tiếp tục xếp vị trí cuối cùng trong tổng số 9 môn thi và có tới hơn 70% thí sinh không đạt được điểm trung bình, khiến nhiều người buồn và suy nghĩ về việc dạy và học bộ môn Lịch sử.

Mấy hôm nay, đi đến đâu, tôi cũng nghe các bậc phụ huynh hỏi thăm, chia sẻ về điểm thi và việc chọn trường, chọn ngành của con em. Điều này cũng dễ hiểu, vì giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của cả xã hội, nhất là với một kỳ thi quan trọng như kỳ thi THPT Quốc gia.

Có người hớn hở khi con được điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia, cũng có người chưa thực sự hài lòng, tiếc nuối về kết quả thi cử của con, có người thì lại chia sẻ về cơ hội, định hướng chọn trường, chọn ngành học của con…

Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện vui buồn ấy, có không ít những giãi bày khiến tôi giật mình suy nghĩ, đại khái như: May quá cháu nó qua được môn Sử, tôi cứ nơm nớp lo con bị trượt tốt nghiệp chỉ vì môn Sử…

Những người làm trong ngành Giáo dục và cả những người quan tâm hay đơn giản là yêu Lịch sử như tôi không khỏi chạnh lòng chua xót, vì môn Lịch sử- một môn học rất ý nghĩa lại đang bị coi như một “gánh nặng” đối với học sinh.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có tới 569.905 thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử, nhiều nhất so với số thí sinh thi các môn tổ hợp Khoa học xã hội. Nhưng điểm trung bình môn lại thấp nhất, chỉ đạt 4,3 điểm, thậm chí có tới 15.415 thí sinh bị điểm liệt từ 1 trở xuống.

Với góc nhìn lạc quan, chúng ta thấy điểm thi môn Lịch sử năm nay có cao hơn so với năm ngoái. Nhưng khách quan mà nhìn nhận, kết quả này là do đề thi Lịch sử năm nay không có nhiều câu khó, nói đúng hơn là dễ hơn rất nhiều so với năm ngoái chứ không hẳn là học sinh học tốt hơn. Hẳn rằng nhiều người cũng không lấy gì làm bất ngờ hay ngạc nhiên khi điểm thi môn Lịch sử thấp đến vậy bởi câu chuyện không chỉ của riêng mùa thi này mà đã kéo dài nhiều năm nay.

Và cũng chẳng phải chờ đến kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia mà từ rất lâu rồi, những băn khoăn về chuyện lớp trẻ ít mặn mà với môn Lịch sử đã được ngành Giáo dục và cả xã hội đặt ra.

Những nguyên nhân được các chuyên gia, những người làm công tác nghiên cứu, thầy cô giáo dạy Sử chỉ ra rất rõ ràng. Học lệch, chọn môn thi để xét tuyển tốt nghiệp, môn Lịch sử kém hấp dẫn… là những góc nhìn lý giải cho việc điểm thi rất thấp.

Nhưng rõ ràng nhìn vào phổ điểm môn Lịch sử tại kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, chúng ta thấy mấu chốt vấn đề có lẽ chính là cách ứng xử với môn Lịch sử.

Hiện nay, trong nhà trường, môn Lịch sử vẫn được coi là môn học phụ, lại không phải là môn thi bắt buộc, từ đó tác động và chi phối đến động cơ học tập môn học này của đa số học sinh. Nhiều em lựa chọn Lịch sử để thi đơn giản vì các em suy nghĩ bài thi tổ hợp Khoa học xã hội dễ kiếm điểm, đảm bảo an toàn xét tốt nghiệp THPT và vừa để xét tuyển vào đại học với mục tiêu của hầu hết các em chỉ là không bị điểm liệt. Nhu cầu là vậy nên các em không cần đầu tư học môn Lịch sử quá nhiều, quá sâu.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

 

Song nhìn nhận một cách công bằng hơn thì điểm thi môn Lịch sử thấp không hẳn tất cả là do học sinh. Thực tế, vẫn có những em rất yêu thích Lịch sử, học Lịch sử rất tốt, nhưng khi đến kỳ thi THPT Quốc gia, trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai, các em đành phải lựa chọn một hướng đi nhằm có được kết quả tốt nhất khi xét tuyển đại học. Bởi, so với những môn thi khác thì môn Lịch sử có rất ít ngành học. Mặt khác, cơ hội tìm việc làm cho những người học Sử sau khi ra trường cũng rất khó khăn, trong khi đó những môn học khác, nhất là khối tự nhiên, rất rộng mở nên khi các em có học lệch thì thầy cô bộ môn cũng chấp nhận, châm chước để tạo điều kiện cho học sinh ôn thi đại học. Và việc điểm thi môn Lịch sử thấp cũng là điều dễ hiểu.

Cùng với tính thực dụng khi chọn học, nhiều ý kiến cho rằng sách giáo khoa và cách dạy học Lịch sử ở các trường THPT hiện nay còn quá cứng nhắc, nặng tính một chiều với dày đặc con số, diễn biến, ngày tháng năm cụ thể… Giáo viên cũng chỉ truyền tải những kiến thức có trong sách giáo khoa nên dễ dẫn đến nhàm chán trong quá trình học.

Những năm gần đây, mặc dù đề thi môn Sử trong kì thi THPT Quốc gia đã được chuyển sang hình thức trắc nghiệm nhưng lại quá dàn trải với vô vàn các sự kiện khó học, khó nhớ. Bởi thực tế là, dù thi trắc nghiệm thì học sinh cũng phải học thuộc lòng mới có thể làm được bài. Chính vì vậy mà môn học này trở nên khô khan, kém hấp dẫn đối với học sinh.

Lịch sử không chỉ trang bị một cách toàn diện những kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc và thế giới cho người học mà học Sử còn bồi đắp tâm hồn, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước... Nếu những người làm giáo dục, những người có chức trách và bản thân mỗi chúng ta chưa nhìn nhận một cách nghiêm túc và thay đổi trong cách dạy, học môn Lịch sử ở nhà trường thì chưa biết đến bao giờ nỗi buồn điểm thi môn Lịch sử mới kết thúc.

Thùy Hương

Chuyên mục khác