Đi qua khúc hát dân ca

19/09/2024 13:04

Vốn đam mê “chủ nghĩa xê dịch”, đi đến đâu tôi cũng tự dặn lòng sẽ có ngày quay trở lại. Vậy mà thời gian thấm thoắt thoi đưa, rồi chẳng biết đến khi nào mà hẹn, mà chờ. Thoáng chốc cũng đã mấy năm, tôi mới trở lại ngôi làng nằm dưới chân núi Ngọc Linh hùng vĩ này.

Với tôi, ngôi làng nhỏ này luôn luyến lưu, gợi nhớ. Có lẽ vì  cảnh sắc hữu tình, vì những con người chân chất, hồn hậu và cả vì làn điệu dân ca lúc trầm ngâm, da diết, lúc cao vút bay lên trong không gian của làng trập trùng, bát ngát, mênh mông.

Dọc đường về làng mùa này đang mênh mang màu vàng lúa chín. Từ trên cao nhìn xuống, ngôi làng nhỏ với những ngôi nhà sàn xam xám nổi lên trên màu vàng no ấm của những thửa ruộng bậc thang mùa về. Trong ánh nắng bao phủ núi non, làng mạc, những thửa ruộng bậc thang chênh chếch theo sườn núi càng ánh lên vẻ đẹp bát ngát, mênh mông. Đúng là thiên nhiên và những giá trị cao quý bao giờ cũng lấp lánh, cũng vững bền, khiến kẻ lữ khách như tôi khi ngắm nhìn không khỏi trầm trồ, thán phục và suy tưởng.

Làng vẫn thế, vẫn hữu tình, vẫn nồng ấm, thân thương như thế. Mà lạ chưa, cũng như lần về làng mấy năm về trước, bên căn nhà ven đường vọng lên tiếng hát dân ca ru con của người mẹ Xơ Đăng. Tiếng bé con khóc ngằn ngặt, còn tiếng hát người mẹ lúc thầm thì, lúc vút cao nghe sao mà mênh mông, mà da diết khiến bước chân tôi chậm lại, ngoái nhìn, lặng yên lắng nghe.  Tiếng hát vẫn đều đều trôi đi trong không gian mênh mông của làng, như gửi bao ước mong vào bé con vẫn đang thổn thức, như gửi bao niềm vui vào những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa vàng óng ả, như gửi bao nỗi nhớ, niềm thương vào dãy núi cao hùng vĩ phía sau nhà.

Sắc màu no ấm dưới chân núi Ngọc Linh. Ảnh: N.P

 

Say nồng trong tiếng hát dịu ngọt, chất chứa tình yêu thương, tiếng khóc đứa bé nhỏ dần, nhỏ dần. Người mẹ vẫn cất tiếng hát. Tiếng hát da diết, đắm say vẫn cứ đều đều trôi đi trong mênh mông, trong muôn vàn ước mong, thương nhớ. 

Tiếng hát nhẹ đưa bước chân tôi vào ngôi nhà nhỏ. Trong chiếc địu, bé con dần say giấc nồng, còn người mẹ đang ngồi bên bếp lửa, vừa lúi húi nấu cơm, vừa khe khẽ cất tiếng hát đều đều, rồi nhỏ dần, nhỏ dần. Tôi thấy người mẹ ấy và không gian căn nhà nhỏ ấy đang ngập tràn bao niềm hạnh phúc. Nó khiến cho tiếng hát vừa mang vẻ dịu dàng, du dương như tiếng mưa đang rơi giăng giăng, vừa mạnh mẽ, lấp lánh như  sắc cầu vồng đang vẽ lên nền trời đang sẫm dần.

Lần nào cũng vậy, khi làn điệu dân ca vang lên, tôi cảm nhận được bao tâm tình, bao ước mong, bao câu chuyện kể từ ngày xửa, ngày xưa và cả chuyện ngày nảy, ngày nay của  người mẹ dành cho con. Chuyện từ ngày chọn đất lập làng, đặt tên làng, chuyện về ngọn núi cao sừng sững phía sau làng, chuyện con suối chảy qua làng mỗi năm cho bao nhiêu bữa cá, bữa tôm, chuyện tháng nào làng có hội, tháng nào người làng bắt tay vào cấy trồng cây lúa.

Những câu hát dân ca dịu dàng như tình yêu của mẹ và cũng mạnh mẽ như tấm lòng của mẹ. Chẳng biết từ bao giờ cứ thế mà cất lên như mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn bao nhiêu người con của làng dưới chân núi Ngọc Linh này thấm đẫm tình yêu làng, yêu ngọn núi, yêu con suối, yêu những thửa ruộng bậc thang mang sắc màu no ấm bao quanh làng mà lớn lên, mà trưởng thành. Ngày nhỏ, nằm trong chiếc địu,  lớn hơn một chút theo mẹ cha đi hội làng, lên rẫy, ra đồng, lắng nghe mẹ cha ứng tác, vận vào những làn điệu mà cất thành tiếng hát êm ả, thiết tha, mãi mãi là ký ức êm dịu của tuổi thơ bao đứa trẻ nơi này.

Cũng đã từng nhiều lần nghe những câu hát dân ca. Mà sao lần nào nghe câu hát cất lên từ những căn nhà nhỏ dưới chân núi Ngọc Linh cũng khiến tôi nhiều xúc động. Tôi nghe trong tiếng hát như có mưa. Lòng tôi cũng có mưa. Người mẹ Xơ Đăng bảo mùa này nơi đây thường có mưa. Những cơn mưa kéo từ trong núi ra, chảy ào ạt qua làng. Mùa này cũng là mùa thu hoạch lúa trên những thửa ruộng bậc thang. Người làng ai cũng mong sao được ngày nắng ráo để còn phơi phóng, cất lúa mới vào kho, cho những bữa cơm nhà được đủ đầy, no ấm. Để bao người với gương mặt ngời sáng vin theo những câu hát mà miệt mài cùng những thửa ruộng bậc thang, hăm hở cùng những rẫy vườn xanh ngát.

 Lần nào về làng cũng được nghe câu hát dân ca da diết mà mênh mông cất lên trong những ngôi nhà nhỏ. Câu hát thân thương gợi nhớ mùi đất đai ruộng vườn, mùi đồng chiều cuống rạ và bao thăm thẳm lời dặn dò tình đất, tình người. Như ché rượu cần càng ủ lâu càng thơm, càng nồng, tiếng hát của người mẹ trẻ sao mà da diết, mà mênh mang, mà lấp lánh. Tiếng hát như sợi dây kết nối với một nẻo đã qua, sợi dây đưa vào cõi an yên, sâu lắng, khiến tôi tự dặn lòng sẽ có thêm lần quay trở lại nơi đây.

NGUYÊN PHÚC

Chuyên mục khác