Đi đường, biết tránh cho lành

14/01/2019 06:10

Nghe tin 4 người chết, hàng chục người bị thương trong khi đang dừng chờ đèn đỏ trong vụ tai nạn giao thông ở Long An, chồng nhắc vợ, nếu có sự lựa chọn khác hay nếu không có việc gì, bớt đi những quốc lộ có đông xe cộ lưu thông, đặc biệt là có nhiều xe container, xe tải hạng nặng…, tai bay vạ gió chẳng chơi.

Chỉ sau mấy hôm, bà vợ lại chuyển sang dặn ông chồng, có nhậu hay uống cà phê, trà nước gì đừng ngồi mấy góc vỉa hè nhé. Đấy, ở Vũng Tàu, có 2 người đang ngồi nhậu bên vỉa hè mà lại có xe khách lao vào tông chết hay sao.

Ừ, à. Mà cái gì cũng tránh vậy, biết đi chỗ nào?

Rồi, cả vợ lẫn chồng cùng chép miệng, thôi thì, tốt nhất là tránh đi gần các xe có tải trọng lớn, tránh đi các tuyến quốc lộ có đông xe cộ lưu thông, tránh ngồi chơi dọc vỉa hè, tránh đi dưới các cần cẩu ở các công trình xây dựng, thấy mấy em tre trẻ rú ga, đánh võng cũng tranh tránh ra… cho lành.

Không tránh ra cho lành sao được khi mỗi ngày có hơn 60 người thương vong do tai nạn giao thông (theo con số thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia năm 2018), thì nói theo chữ dùng của nhà báo Lê Thanh Phong trong bài “Nạn nhân tai nạn giao thông dự khuyết”, nên mỗi người đều là “tai nạn giao thông “dự khuyết””.

Không tránh sao được khi chỉ vì một phút nông nổi, một giây bất cẩn, một tích tắc chủ quan, một quyết định sai lầm, mà có hàng chục người chết, bị thương và không ít trong số đó trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đáng nói hơn nữa là hậu quả của những vụ tai nạn thảm khốc có lẽ không dừng lại ở con số người chết, người bị thương nằm la liệt mà đằng sau đó còn là bao gia đình, bao cảnh ngộ đớn đau đến cùng cực…

Để vượt qua cái “dự khuyết” ấy, mỗi người phải biết “tránh”, tạo khoảng cách an toàn cho chính mình. Ai nấy đều như tự dặn mình, dặn người thân của mình, cái gì không an toàn, thiếu an toàn, tìm cách mà tránh.

Nhưng trời ạ, biết bao người cũng chầm chậm, cũng đi đúng làn đường nhưng tai bay vạ gió ở đâu tự ập đến đó.

Như những người dừng đèn đỏ ở Long An, họ đang nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, vậy mà tai họa chỉ trong cái chớp mắt kéo đến, chẳng ai kịp nghĩ suy đến chuyện phòng hay tránh.

Hay như những người đang ngồi bên vỉa hè ở Vũng Tàu, họ đâu có tham gia giao thông, đang nghỉ ngơi, thư giãn, vậy mà chiếc xe khách đang lưu thông trên đường lại lao thẳng vào bàn nhậu khiến 2 người thiệt mạng.

Chứng kiến những vụ tai nạn giao thông liên tục xảy ra, có người còn cực đoan mà cho rằng, có công có việc thì mới ra đường, còn không cứ ở nhà cho lành; rồi, có ra đường cũng đừng nghễu nghện chất cả nhà lên một chiếc xe hay đi trên cùng một chuyến xe, nhỡ ra gặp chuyện còn người ở lại để mà lo toan cho gia đình…

Suy nghĩ tưởng chừng như cực đoan ấy không phải không có lý. Vì cho dù mình có đi đứng từ tốn, đúng phần đường, đúng Luật Giao thông đường bộ… nhưng tai bay vạ gió, gặp mấy tay lái mê tốc độ cao, lạng lách, đánh võng tông vào mình thì sao?

Thậm chí, đang ở trong nhà, đang yên đang lành mà lại có xe lao vào hay sao. Như năm 2016, vụ chiếc xe khách đang lưu thông bất ngờ lao vào một quán cơm trên đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum. Rủi ro là vậy nhưng ai cũng bảo có nhiều cái may: may là thời điểm xảy ra vào lúc nửa đêm nên không có khách đến ăn cơm; may nữa là chiếc xe lao vào trúng trụ nhà mới dừng lại, nên không có người thương vong…

Thôi thì, lấy câu nói cha ông “trời kêu ai người nấy dạ” như một cách AQ thắng lợi tinh thần vậy. Chỉ mong sao “trời” đừng có “kêu” đến mình, chừa mình ra. Có lo, có tránh, lắm khi chẳng thể tránh nổi.

Bởi có biết bao người trước khi bước chân ra đường không mảy may suy nghĩ mình sẽ không có ngày trở về.

Biết bao nhiêu người thân của nạn nhân cũng không chút mảy may suy nghĩ, lần vẫy tay tạm biệt chỉ cách đó vài tiếng, vài chục phút, thậm chí vài phút lại là lần gặp mặt nhau cuối cùng.

Quá trình cơ giới hóa phương tiện giao thông ngày càng gia tăng. Chỉ mong sao sự gia tăng đó tỷ lệ thuận với ý thức của người tham gia giao thông. Ý thức tham gia giao thông đó, nói cách khác chính là mỗi người tự dặn mình phải chấp hành đúng Luật, chẳng đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp mà ngã, mà quàng phải … xe và biết tránh những nguy cơ tiềm ẩn. Vì ngẫm lại từ những vụ tai nạn giao thông liên tục xảy ra trong thời gian gần đây, biết tránh những nguy cơ tiềm ẩn cũng chính là góp phần đảm bảo sự sống, sự an toàn cho chính mình và toàn xã hội.

Liễu Hạnh

Chuyên mục khác