16/12/2019 06:08
1. Chưa bao giờ niềm tin vào nước máy của tôi lại lung lay như thời gian vừa qua. Cứ tưởng chuyện “nước bẩn” chỉ ở tận đẩu tận đâu nơi đất Bắc, ai ngờ nó sầm sập xuất hiện ngay ở xóm mình, ở nhà mình.
Suốt mấy ngày liền, tôi phải đón tiếp những hàng xóm, với gương mặt cau có, ức chế, đến phàn nàn về tình trạng nước máy “bẩn hơn nước sông”. Trong khi đó, tôi cũng đang rối rắm với việc tìm giải pháp cho chuyện nước máy nhà mình đục ngầu, không thể ăn uống, tắm giặt.
Để an ủi họ, cũng là tự an ủi mình, tôi thông tin rằng, theo lý giải của đại diện Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum, nước sinh hoạt cấp cho người dân bị cặn, đục chỉ mang tính cục bộ và tạm thời, do sự cố vỡ ống nước trong quá trình thi công các công trình. Bên cạnh đó, Công ty đang nâng cấp bể lọc từ 12.000m3 lên 17.000m3 nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nước.
Tựu trung lại, theo vị đại diện này, chất lượng nước vẫn nằm trong quy chuẩn cho phép - tôi nhấn mạnh.
Cũng vị đại diện này cam kết, để đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân sử dụng, doanh nghiệp sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát chất lượng nước của toàn bộ hệ thống cấp nước, đặc biệt là chất lượng nước tại vòi của các hộ; tăng cường súc xả định kỳ bể chứa, các tuyến ống cấp nước; thường xuyên bảo dưỡng và nâng cấp hệ thống xử lý đảm bảo nước đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Tất nhiên là những hàng xóm tốt bụng của tôi chỉ có thể nghe và chấp nhận (một cách cam chịu) những gì tôi kể lại, bởi họ không có lựa chọn khác. Rõ ràng trong “cuộc chơi” này, người sử dụng nước máy đang thất thế, không thể có chuyện hôm nay nước đục thì ngày mai bạn đổi nhà cung cấp luôn.
Điều đáng nói là, “nước máy bẩn hơn nước sông” không phải là chuyện mới phát sinh, mà năm nào cũng có, nhất là vào mùa mưa.
|
Mới năm ngoái, một anh bạn ở đường Trường Chinh đã quyết định đầu tư khoản tiền không nhỏ để khoan giếng, vì nước máy thường đục ngầu mỗi khi trời mưa. Một số gia đình khác thì xây bể lọc tại nhà, dùng than, cát và sỏi để loại trừ các tạp chất hữu cơ, chất bẩn và vi sinh trong nước, dù biết rằng cách lọc này chỉ có tác dụng với các chất bẩn thô, kích thước lớn, đối với hợp chất hữu cơ, phèn thì không thể xử lý triệt để.
Còn nhớ vào thời điểm ấy, nhà cung cấp cũng đổ lỗi cho sự cố đường ống, cho việc súc lọc bể, và hứa sẽ kiểm tra, xử lý và cải thiện chất lượng nước.
2. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao tình trạng người dân phải dùng “nước bẩn” luôn tái diễn năm này qua năm khác?
Nhiều ý kiến cho rằng, câu trả lời nằm ở sự bất cập trong quản lý hoạt động cung cấp nước máy hiện nay. Đó là thiếu một quy chuẩn cụ thể để đảm bảo rằng, mọi sự vận hành đều được tuân thủ theo một khung thống nhất, trong đó xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên có liên quan, cũng là căn cứ để xử lý vi phạm khi có sự cố xảy ra.
Theo tìm hiểu, thì chúng ta đã có những những quy định khá cụ thể về trách nhiệm của các bên, đặc biệt là về giá, về công tác giám sát, kiểm soát chất lượng nước (cả nước thô và nước sạch), nhưng việc thực hiện chưa tốt.
Một kỹ sư chuyên ngành về tài nguyên nước cho rằng, hạn chế này dẫn đến hậu quả là nhà máy nước “một sân một bóng”, muốn “đá” thế nào cũng được.
Rất may là, tới đây, những người đang lung lay niềm tin với nước máy như tôi sẽ có thể thở phào nhẹ nhõm khi UBND tỉnh có văn bản số 3239/UBND-HTKT ngày 5/12 chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát chất lượng nguồn nước nguyên liệu dùng cho các nhà máy nước sạch, kiểm soát quy trình sản xuất nước sạch và hệ thống truyền dẫn nước để đảm bảo chất lượng nước sạch thành phẩm cung cấp đến khách hàng; tăng cường công tác đảm bảo chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
Sở Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu về việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt
Chia sẻ về vấn đề này, một khách hàng đánh giá, sự vào cuộc của UBND tỉnh là rất cần thiết. “Cơ quan chức năng phải giám sát từ nguồn nước đầu vào, như quan trắc kiểm tra, theo dõi thường xuyên diễn biến chất lượng nước, môi trường nước tại lưu vực sông và khu vực thu nước, đồng thời kiểm soát các khâu xử lý nước, nước sau xử lý và mạng lưới phân phối” - anh nêu quan điểm của mình.
Bên cạnh đó, theo anh, đơn vị cung cấp nước phải có sự tái đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa vận hành thiết bị; kiểm soát chất lượng trong từng khâu xử lý như lắng lọc, bể chứa, mạng lưới phân phối; duy tu, sửa chữa thay thế đường ống cũ kịp thời để bảo đảm chất lượng nước.
Còn một khách hàng khác thì khẳng định sẽ “xem xét dùng lại nước máy”, dù trước đây chưa lâu, anh đã chuyển sang dùng nước giếng khoan.
Rõ ràng, việc UBND tỉnh quy định rõ trách nhiệm của các ngành có liên quan trong kiểm soát chất lượng nước máy cho thấy đây là một vấn đề cấp bách, cần được triển khai một cách rạch ròi, minh bạch và nghiêm túc. Đặc biệt trong đó, UBND tỉnh yêu cầu ngành Y tế nghiên cứu, tham mưu xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt được dư luận đồng tình ủng hộ.
Không thể bàn cãi, nước sạch là một loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy việc quản lý rủi ro và khắc phục sự cố có thể xảy ra từ nguồn; quản lý cơ sở xử lý và hệ thống truyền dẫn phân phối đến khách hàng sử dụng; đảm bảo cấp nước liên tục, đủ lượng nước, duy trì đủ áp lực, chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định... là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị cung cấp.
Và khi các bên có liên quan thực hiện tốt trách nhiệm của mình thì tin rằng, “nước bẩn” sẽ không còn là nỗi ám ảnh.
Hồng Lam