29/06/2020 06:04
Công việc bận rộn, bố mẹ cu Tý cứ đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về, thậm chí có khi vài ba ngày họ mới về nhà một lần. Ngoài việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vật chất, họ ngày càng ít quan tâm tới việc ăn, việc học hay các vấn đề khác trong cuộc sống khiến cu Tý cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà và giữa những người thân của mình. Hơn thế nữa, khi ở nhà, bố mẹ Tý cũng thường xuyên “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Chán cảnh gia đình bất hoà, Tý lao vào các trò tiêu khiển để xả nỗi niềm và rồi trở thành con nghiện game lúc nào không hay.
Chẳng riêng gì nhà Tý, đây cũng là vấn đề của nhiều gia đình hiện nay. Họ chỉ mải miết để xây dựng một cái nhà thật to chứ không chú tâm vun đắp cho một gia đình, một tổ ấm đúng nghĩa để yêu thương, chia sẻ và có trách nhiệm.
Lối sống hiện đại đang làm nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam ít nhiều bị phai nhạt, mất đi. Xã hội phát triển, cuộc sống bận rộn, thiết bị công nghệ thông minh ra đời khiến các thành viên gia đình ngày càng ít thời gian bên nhau, quan tâm lẫn nhau. Nhiều bậc cha mẹ vì mải lo làm ăn kinh tế, phấn đấu vì sự nghiệp mà ít gần gũi, chú trọng đến giáo dục nhân cách cho con cái. Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực gia đình, ly thân, ly hôn, lối sống tự do, buông thả…đang có chiều hướng gia tăng đã làm cho giá trị gia đình dần giảm đi.
Khi gia đình không còn là “tổ ấm” yêu thương, rõ ràng, nạn nhân phải gánh chịu nhiều nhất chính là trẻ em. Và người gây nên hậu quả đó, không ai khác là những bậc làm cha, mẹ.
Không phải ngẫu nhiên mà Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) lại được lấy vào đúng Tháng hành động vì trẻ em. Bởi, đối với trẻ em, gia đình không chỉ là nơi được sống trong hạnh phúc mà còn là trường học đầu tiên của trẻ, giúp các em từng bước hoàn thiện bản thân cả về tư duy lẫn nhân cách. Tình yêu thương gia đình là tình cảm đặc biệt của những người ruột thịt, có sức mạnh vô cùng to lớn, là chỗ dựa không thể thiếu về vật chất và tinh thần, đặc biệt, là điểm tựa quan trọng cho sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em.
Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội. Gầy dựng, vun đắp hạnh phúc trong mỗi gia đình không chỉ là chuyện riêng của mỗi nhà, mà đó còn là nền móng để xây dựng một xã hội lành mạnh, tốt đẹp. Nhưng làm sao để gia đình thực sự trở thành tổ ấm yêu thương lại là câu hỏi không dễ trả lời đối với mỗi người.
Người xưa có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, đó như là một quy định ngầm nhiệm vụ của mỗi người trong gia đình. Theo đó, nhiệm vụ ra ngoài kiếm tiền, chăm lo vật chất cho gia đình là thuộc về đàn ông; còn người phụ nữ đóng vai trò “giữ lửa”, vun vén hạnh phúc gia đình, chăm lo cho con cái. Tuy nhiên, ngày nay, người phụ nữ không chỉ quanh quẩn “nơi góc bếp” mà họ cũng có công việc, có địa vị cũng như các mối quan hệ xã hội. Vì vậy, việc xây nhà và xây tổ ấm đều đòi hỏi phải có sự đồng lòng, chung sức của cả vợ lẫn chồng.
Thực tiễn cho thấy xã hội dù văn minh đến đâu, con người có hiện đại đến mấy thì cũng không ai có thể phủ nhận giá trị thiêng liêng của hạnh phúc và tình yêu thương gia đình. Gia đình êm ấm, hạnh phúc là điều kiện, tiền đề bảo đảm chất lượng cuộc sống, lao động sáng tạo. Tuy nhiên, xây một ngôi nhà đã khó, nhưng xây dựng một mái ấm gia đình càng khó gấp bội phần, vì nó không phải tạo dựng từ tiền bạc, của cải mà chắt chiu qua mỗi ngày bằng tình thương, trách nhiệm, bổn phận của từng thành viên.
Mỗi năm, Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) nhắc nhở chúng ta hãy trở về nhà để vun đắp cho mái ấm gia đình bằng những việc làm đơn giản mà bấy lâu nay mình lãng quên. Đó có thể là một lần hủy bỏ những buổi tiệc tùng xa hoa, những bữa nhậu vô bổ để về nhà sớm hơn, hay hãy bỏ điện thoại xuống, cất Ipad đi để cùng nhau vào bếp chuẩn bị bữa cơm gia đình. Đôi khi chỉ đơn thuần mỗi người hãy quên đi những niềm vui riêng tư, về nhà ăn một bữa cơm có đầy đủ các thành viên; điều này cho thấy rằng, tình yêu gia đình không phải là những điều gì to tát, lớn lao mà xuất phát từ những điều giản dị nhất trong cuộc sống hàng ngày.
Thiên Hương