Để con trẻ có mùa hè bổ ích, ý nghĩa

13/07/2020 13:04

Để các em học sinh, đặc biệt ở bậc tiểu học có được mùa hè thảnh thơi, ý nghĩa, các bậc phụ huynh cần sắp xếp thời gian vừa phù hợp với lịch học, sức khỏe, vừa có khoảng thời gian cho con em mình nghỉ ngơi, thư giãn, phát huy khả năng sáng tạo.

Cậu con trai học lớp 8 chưa tổng kết năm học, nhưng chị bạn đã chạy đôn chạy đáo tìm chỗ, kiếm thầy cô giáo để học thêm lớp 9 cho con. Chị bảo, chị phải tìm chỗ học thêm mới vì các chỗ học cũ đang học không hiệu quả lắm, trong khi đó năm học tới là cực kỳ quan trọng, năm học chuyển cấp, quyết định cháu có đỗ vào trường THPT đúng như mong muốn không.

Theo danh sách chị vạch ra, ngoài 3 môn thi đầu vào bậc THPT là Toán, Văn, Anh văn, chị còn cho cháu học thêm môn định thi chuyên như môn Hóa, Lý, tổng cộng 5 môn. Như vậy, nhẩm tính trung bình mỗi môn 2 buổi/tuần, mỗi tuần cháu phải học tới 10 ca. Nếu đúng vậy thì coi như các cháu không có ngày nghỉ trong tuần và đương nhiên cũng đồng nghĩa với việc ngày nghỉ hè sẽ không trọn vẹn.

Trả lời cho thắc mắc của tôi là cháu có học quá nhiều môn, không có thời gian nghỉ ngơi ngày hè, chị chân tình: Biết rằng con đã mệt mỏi sau 9 tháng trời miệt mài học tập nhưng hè đến biết cho con làm gì, nếu không đi học hè? Con ai cũng học, con mình không học thua thiệt biết làm sao. Mà không đăng ký ngay từ đầu được lớp học thêm trong hè thì vào năm học cũng khó mà xin được. Nếu có xin được thì kiểu chen ngang như vậy liệu con có theo kịp các bạn đã theo học trước không?.

Chẳng riêng chị bạn, phụ huynh nào cũng vậy, ai cũng mong muốn con mình đạt thành tích cao trong học tập. Suy nghĩ ấy khiến cho các bậc phụ huynh từ thành thị đến cả các vùng nông thôn chưa hết năm học đã lo đến chuyện tìm lớp, tìm thầy học thêm ngày hè. Muốn môn học nào có môn học đó, muốn cấp học nào có cấp học đó. Chẳng riêng bậc THCS, THPT, ngay cả những em học sinh ở bậc tiểu học, trong hè cũng theo hết lớp học thêm Tiếng Anh đến lớp học thêm chương trình Toán, Tiếng Việt, hầu như kín trọn các buổi trong tuần. Thậm chí các cháu chuẩn bị vào lớp 1 cũng được bố mẹ sắp xếp đến các lớp học thêm để rèn chữ viết, học trước chữ cái, làm quen với phép tính…Các em chưa kịp tận hưởng cảm giác nghỉ hè, thậm chí không có đến một ngày nghỉ hè đúng nghĩa.

Cần sắp xếp thời gian vừa phù hợp với lịch học, sức khỏe, vừa có khoảng thời gian cho con em mình nghỉ ngơi, thư giãn. Ảnh minh họa  

 

Trong khi đó, khác với mọi năm, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19 nên năm học này kết thúc muộn gần 2 tháng. Như các năm trước, giờ này học sinh đã nghỉ hè được hơn một tháng. Như vậy, thành ra thời gian nghỉ hè năm nay của học sinh cũng ít hơn mọi năm, chỉ được tháng rưỡi (tính cả thời gian năm học tới không tổ chức học trước khai giảng như các năm trước). Điều đó cũng đồng nghĩa với việc con trẻ có ít thời gian nghỉ ngơi sau một năm học dài vất vả.

Không phải ngẫu nhiên mà nhu cầu dạy hè và học hè lại lớn như vậy. Bởi vì, người muốn thông qua việc học để nhờ cô giữ con; người lại muốn con luôn có ý thức và thói quen học tập ngay cả trong hè. Còn có người do thấy con người khác học con mình không học lại không yên tâm…nên đã khiến cho dạy hè, học hè trở thành phong trào. Vậy nên, vào thời điểm này, lịch học hè đã được nhiều bậc phụ huynh vạch sẵn và con trẻ cứ thế làm theo sự sắp đặt ấy.

Nắm được nhu cầu này, một số trung tâm ngoại ngữ cũng tranh thủ cử nhân viên đứng trước các cổng trường phát tờ rơi, nhu cầu tuyển sinh trong dịp hè đến phụ huynh, học sinh ngay trong buổi học cuối cùng của năm học này.

Phải nói rằng, nếu sắp xếp cho các cháu cân bằng học - chơi trong ngày hè thì cũng tốt thật, vừa bổ sung kiến thức vừa có điểm đến an toàn cho các cháu. Nhưng  nếu cứ bắt ép con trẻ học trong ngày hè theo kiểu “hiệu ứng đám đông” hoặc học quá nhiều, tràn lan thì cũng đáng lo ngại, làm con trẻ không có những ngày hè đúng nghĩa.

Bên cạnh những mặt được của việc dạy hè, học hè (như được cung cấp kiến thức một cách có hệ thống trong thời gian ngắn; rèn luyện và duy trì thói quen học tập…) thì lịch học quá nặng nề trong thời gian được gọi là “kỳ nghỉ” sẽ gây áp lực, căng thẳng không khác gì với lịch học chính khóa và có thể gây ra những hệ lụy không mong muốn về mặt tâm lý như lo âu, căng thẳng, suy nhược, rối loạn tâm lý...

Ngoài ra, việc học hè thường được các thầy cô dạy học trước chương trình trong năm học mới, vô tình tạo cho không ít học sinh chủ quan vì đã biết trước. Từ đó, khi vào học chính thức lại chây ỳ và ỷ lại. Cũng có không ít trường hợp mặc dù được bố mẹ quan tâm gửi gắm cô giáo nhưng khi đến lớp học hè, các em không tiếp thu được vì không thích học, vì bị bắt ép, rồi sau đó trốn học, bỏ học trốn ra quán nét đến hết giờ học lại cắp cặp về mà các bậc phụ huynh không hề hay biết.

Để các em học sinh, đặc biệt ở bậc tiểu học có được mùa hè thảnh thơi, ý nghĩa, các bậc phụ huynh cần sắp xếp thời gian vừa phù hợp với lịch học, sức khỏe, vừa có khoảng thời gian cho con em mình nghỉ ngơi, thư giãn, phát huy khả năng sáng tạo. Việc ôn tập, học thêm trong ngày hè cũng cần có chừng mực để các cháu rèn tính tự học, củng cố kiến thức nhưng vẫn có được mùa hè bổ ích, ý nghĩa. Đừng để các em phải mệt mỏi, chịu áp lực trong những ngày nghỉ hè và đừng để ngày hè của các em lại trở thành “học kỳ 3”.

PHÚC NGUYÊN

Chuyên mục khác