Dạy chữ quan trọng, dạy người quan trọng hơn

24/09/2019 06:01

Không phải ngẫu nhiên mà trước đây trong hầu hết các trường học đều có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, nghĩa là học sinh phải học lễ nghĩa trước, sau đó mới học văn hóa. Nghĩa là giáo dục đạo đức cho học sinh là một vấn đề hết sức quan trọng.

Phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới 2019-2020 ở một trường THPT ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Dạy chữ quan trọng, dạy người, dạy đức, dạy lối sống văn hóa còn quan trọng hơn trong thời kỳ hội nhập và trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Rõ ràng, khi những vụ thảm án anh giết em, con giết cha mẹ, cha mẹ giết con… liên tục xảy ra, rồi tình trạng lệch chuẩn, nhầm lẫn về giá trị và đi cùng với đó là những vụ việc được cho là “nhỏ” hơn, kiểu trộm cắp, cướp giật hay cứ động một chút là sử dụng bạo lực trong lứa tuổi thanh thiếu niên thì lời nhắn nhủ của Thủ tướng trước một năm học mới bắt đầu rất đáng suy ngẫm, đòi hỏi không chỉ gia đình, xã hội mà trong nhà trường cần quan tâm nhiều hơn đến yếu tố dạy người, dạy đức, dạy lối sống văn hóa.

Không phải ngẫu nhiên mà trước đây trong hầu hết các trường học đều có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, nghĩa là học sinh phải học lễ nghĩa trước, sau đó mới học văn hóa. Nghĩa là giáo dục đạo đức cho học sinh là một vấn đề hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, lâu nay, ngành Giáo dục đang thiên về “dạy chữ” hơn, chú trọng nhiều đến học sinh giỏi, đến tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, đỗ đại học mà ít quan tâm động viên, khích lệ, biểu dương những học sinh biết quan tâm, chia sẻ từ những việc nhỏ với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh. Không ít trường học còn nặng về xử lý kỷ luật, tức là khi đã xảy ra vi phạm mà chưa có giải pháp ngăn chặn, giáo dục từ khi mới có biểu hiện, có nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật. Chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục - đào tạo và Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cũng thẳng thắn thừa nhận, nội dung giáo dục đạo đức chưa sâu, chưa chạm đến trái tim làm thay đổi thái độ người học, chưa chú trọng giáo dục thói quen, hành vi, đạo đức mà còn nặng về kiến thức đạo đức học hàn lâm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cũng không thể phủ nhận môi trường sư phạm ít nhiều có sự xuống cấp. Gần đây, báo chí và dư luận đã lên tiếng nhiều về những tiêu cực trong quan hệ thầy - trò, lại thêm những tác động tiền bạc (lạm thu, bắt ép học thêm…), nên dạy và học có nhiều mệt mỏi. Mệt mỏi không phải vì đói cơm lạt muối như những ngày gian khó mà do lạt cái tình, thiếu đi chữ “phạm” cũng đã tác động phần nào đến chữ “lễ” trong trường học.

Trong khi đó, tình trạng học sinh vi phạm nội quy nhà trường: hút thuốc, thủ dao trong cặp, quay cóp bài, mắng chửi bạn bè, thầy cô, tỏ thái độ bất cần, bất hợp tác; ỷ lại, vô cảm, sống thiếu trách nhiệm với gia đình và người thân trong gia đình; nghiện game, trộm cắp để có tiền tiêu xài, đánh đập nhau rồi quay video cổ vũ tung lên mạng xã hội… dường như không còn là chuyện hiếm. Thậm chí, có những học sinh có thể thuộc lòng những chuẩn mực, giá trị đạo đức, điểm thi môn giáo dục công dân luôn cao và được đánh giá là học sinh giỏi toàn diện trong nhiều năm liền nhưng vẫn có thể gây ra tội lỗi, có những hành động vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật.

Nguyên nhân của những hành động đó là do sự phát triển lệch lạc về mặt đạo đức, lối sống, xuất phát từ những hành vi rất nhỏ nhặt ban đầu nhưng không được kịp thời uốn nắn như: không vâng lời cha mẹ, vô lễ với thầy cô giáo, không kính trên nhường dưới, lười học tập và lao động, thiếu ý thức rèn luyện bản thân... 

Gieo hành động, gặt thói quen, gieo thói quen, gặt tính cách. Nếu những hành vi xấu nhỏ nhặt ban đầu không bị chê trách, phản đối, dần dà thành chuyện lớn, nghiễm nhiên trở thành bản tính. Lâu dần, các em không phân biệt được cái xấu, cái tốt, không phân biệt được cái đúng, cái sai, có những hành vi thiếu đi sự nhân ái, khoan dung, độ lượng, thiếu đi sự chia sẻ, cảm thông của tình người, có những việc làm thiếu văn hóa, xa lạ với truyền thống, đạo đức, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc.

Trong khi đó, bản chất của giáo dục là hình thành ở học sinh những giá trị chân, thiện, mỹ, cũng có nghĩa là loại bỏ cái xấu, cái ác… bằng con đường tự lĩnh hội, tự trải nghiệm dưới sự dẫn dắt của người thầy.

Bác Hồ đã dạy: Có tài mà không có đức là người vô dụng. Bởi vậy, để giúp cho các em học sinh tự lĩnh hội, tự trải nghiệm, hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ thì giáo dục bằng tình cảm chân thành bao giờ cũng hơn sự áp đặt từ ý chí.

Các em cần lắm những người thầy mẫu mực, thương yêu học trò, tình yêu nghề nghiệp. Các em cần được uốn nắn, nhắc nhở, định hướng, giáo dục nhân cách… ngay từ những chuyện nhỏ. Đó có thể bắt đầu từ những việc hàng ngày xung quanh các em, những bài học ngoài sách giáo khoa. Đó là những câu chuyện người thật, việc thật, nội dung không cần quá cầu kỳ, thuyết giáo dài dòng, kể lể, mà chỉ là những bài học nhẹ nhàng về tình gia đình, ơn thầy cô, nghĩa bạn bè…

Mỗi ngày mỗi chút thôi, nhưng sẽ thấm vào các em, gieo cho các em những hạt giống tâm hồn...

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác