Dấu ấn lịch sử trong lòng người trẻ

23/07/2018 07:01

27/7 năm nào cũng vậy, cả vào dịp lễ, tết nữa, chị Tú ở thành phố Kon Tum đều dẫn hai cậu con trai đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, Ngục Kon Tum. Chị nói rằng, đối với thế hệ trẻ bây giờ, lịch sử tưởng như rất xa xôi, nhưng khi có nhân chứng, có hiện vật, có hình ảnh làm bằng chứng thì lại trở nên sống động vô cùng.

Đúng như suy nghĩ của chị, lần nào cả gia đình thăm viếng các anh hùng liệt sĩ đều để lại trong các con chị nhiều cảm xúc. Cùng với những lần viếng thăm ấy, chị đều kể cho các con nghe về tiền thân của Đảng bộ tỉnh Kon Tum được thành lập từ Chi bộ Đảng đầu tiên tại Ngục Kon Tum, kể về cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, về cuộc vượt ngục của cụ Tố Hữu, về Hồi ký Ngục Kon Tum của cụ Lê Văn Hiến…

Chị còn kể cho các con nghe về những cuộc đấu tranh giành từng tấc đất của Tổ quốc, về “mỗi bước đường mỗi bước hy sinh”, về những cánh rừng lụi tàn vì chất độc hóa học, hố bom chồng chéo hố bom, về bao lần tiễn đưa đồng đội giữa rừng già…

Và lần nào cũng vậy, các con chị đều như sống lại giai đoạn lịch sử hào hùng và quý giá của dân tộc. Chị hiểu rằng, chẳng riêng Ngục Kon Tum, Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh mà những địa chỉ đỏ khác trên địa bàn tỉnh đã nói lên sự thật lịch sử một cách khách quan, có sức thuyết phục, giáo dục vô cùng sống động với thế hệ trẻ.

Thế hệ trẻ phải biết ý nghĩa của hy sinh để trân trọng cuộc sống hiện tại. Thế hệ trẻ phải biết tôn trọng và phát huy truyền thống của dân tộc, để cùng với việc sáng tạo, phát triển khoa học, công nghệ, góp phần xây dựng quê hương đất nước, sẽ ngày càng thắp lên nhiều ngọn lửa tưởng niệm, tri ân, nhớ về nguồn cội.

Đúng vậy! Thế hệ trẻ sẽ khó hình dung về thắng lợi vĩ đại của dân tộc cũng như những góc khuất đằng sau đó – ký ức đớn đau, sự mất mát, hy sinh của những chàng trai, cô gái mới ở lứa tuổi đôi mươi trong cuộc chiến tranh gian khổ triền miên… nếu thiếu vắng những chuyến hành trình về nguồn, những cuộc trò chuyện, giao lưu với các nhân chứng lịch sử, những hoạt động “uống nước nhớ nguồn”…

Những câu chuyện được chia sẻ đằng sau những di tích lịch sử, những nghĩa trang liệt sĩ, những hiện vật, những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử… có tác động sâu sắc đến những người không trực tiếp chứng kiến chiến tranh.

Chẳng phải 10 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh với hơn 7 nghìn mộ liệt sĩ được an táng và trong số đó có không ít phần mộ vẫn chưa xác định được danh tính là chứng nhân của những vùng đất anh hùng bất khuất trong kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc đó sao.

Chẳng phải trên địa bàn tỉnh có tới 40 nghìn người có công - một con số không hề nhỏ so với tổng số dân 500 nghìn người – họ là những người trong đoàn quân trùng trùng ra trận nay sống sót trở về tóc đã pha sương, sức khỏe giảm sút vì những vết thương in hằn trên thịt da, buốt nhói mỗi khi trái gió trở trời…

Lịch sử vì thế trở nên gần gũi với thế hệ trẻ. Họ hiểu chúng ta chiến đấu để chiến thắng chứ không phải để hy sinh; nhưng chiến tranh không thể tránh được hy sinh. Họ thấu hiểu sự hi sinh của cha ông để giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc, để họ ngày hôm nay có được những giây phút bình yên, có được những bát cơm đầy trên cánh đồng độc lập, tự do, hạnh phúc.

Và cũng từ những lần như được quay trở lại dòng chảy lịch sử của mấy chục năm về trước – những gian khó, hy sinh của lớp lớp cha ông, thế hệ trẻ càng hiểu thêm giá trị của hòa bình, càng hun đúc thêm lòng biết ơn, tinh thần yêu nước.

Lòng biết ơn, tinh thần yêu nước đó thể hiện qua nhiều việc làm đáng trân trọng: thăm hỏi, tặng quà người có công, làm tốt hậu phương quân đội, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ, giúp các gia đình chính sách cải tạo nhà ở, có điều kiện sản xuất, tăng thu nhập, chăm sóc, đỡ đầu thương binh, thân nhân liệt sĩ neo đơn…

Những lần thăm viếng, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, những hoạt động đền ơn đáp nghĩa đáng trân trọng ấy… đã để lại dấu ấn lịch sử trong lòng tuổi trẻ, làm cháy lên vô số ngọn nến tưởng niệm và tri ân!

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác