Đất đã hóa tâm hồn

09/02/2023 13:56

Có ai đó từng nói với hắn rằng “người Kon Tum” không nhất thiết phải là người sinh ra tại Kon Tum. Chỉ cần sống ở Kon Tum đủ lâu, yêu Kon Tum đủ sâu, là sẽ thành người Kon Tum mà thôi.

Loáng cái, hắn gắn bó với vùng đất này đã hơn 20 năm!

Những ngày đầu đặt chân đến Kon Tum, hắn nẫu ruột vì nhớ nhà, nhớ quê. Như bây giờ đi đâu xa nhớ Kon Tum vậy!

Còn nhớ khi ấy, hắn ngơ ngác như một đứa trẻ bỗng dưng bị ném vào một nơi xa lạ. Xâm chiếm hắn là cảm giác choáng ngợp.

Giống như đang ở trong căn nhà chật chội bước vào một khoảng trời đất bao la, tràn ngập ánh nắng và gió vậy- sau này hắn kể lại với bạn bè.

Thành phố Kon Tum hôm nay. Ảnh: Nguyễn Ban

 

Trong những ngày chờ việc, hắn mượn xe đạp lượn lòng vòng qua mấy con phố. Đất lạ, sông lạ, cả mưa, cả người cũng lạ. Mọi thứ diễn ra chậm rãi, như chính buổi chiều đang chầm chậm rải từng vạt nắng xuống những mái nhà.

Đạp xe dạo phố chán, hắn ngồi bên vệ đường dẫn lên cầu treo Kon Klor ngắm sông. Những tia nắng nhảy nhót trên mặt nước.

Một chiếc xe bò thong dong đi qua. Xe đi chậm rì, như chú bò kéo xe chưa muốn về nhà vào giờ này. Người đánh xe ngồi trên xe đốt điếu thuốc to tướng và nhả khói, cũng chậm rì.

Thời gian như ngưng đọng, trên gương mặt người, trên dòng nước sông lấp lánh ánh vàng, trên cái cồn đất xanh rì mì, bắp giữa sông.

Suốt những ngày chờ việc sau đó, cứ chiều đến là hắn ra cầu ngồi ngắm hoàng hôn. Người ta nói, sông Đăk Bla đoạn chảy qua cầu treo Kon Klor đẹp lãng mạn, nhưng hắn thấy buồn lắm, nước chảy chậm, thờ ơ.

Vì hắn nhớ nhà, nhớ quê chăng? 

Vì ở đây vắng đôi mắt như gói ghém cả một trời thương chăng?

Người bạn mà hắn mới quen thấy hắn cứ rầu rĩ với nỗi nhớ nhà thì cười lớn, vỗ vai nói với hắn rằng: Ông đúng là chẳng ra làm sao. Cùng là đất nước mình, đi đâu mà chả vậy?

Người bạn này mê vẽ sông. Hắn để ý mấy hôm rồi, cứ chiều đến là anh ta mang giá vẽ và đủ thứ lỉnh kỉnh ra bờ sông ngồi hý hoáy vẽ. Một lần, anh ta mời hắn điếu thuốc, nói vài câu vu vơ, thế là thành bạn. Cùng còn trẻ, cùng cảnh một mình xa nhà mưu sinh nên dễ cảm thông, gắn bó.

Có thật là nơi đâu cũng vậy không? Hắn tự hỏi.

Ở đây không có ngôi nhà gạch cũ kỹ, cái sân đất nện nhẵn bóng mà anh em hắn mất hàng tuần trời đổ đất và dùng vồ nện cho chặt để mẹ phơi lúa.

Ở đây không có gương mặt khắc khổ nhuốm đầy lo toan của bố, nụ cười hiền của mẹ; những trận cãi nhau chí chóe của mấy chị em.

Ở đây không có con đường làng rợp bóng tre xanh; không có bóng dáng cô bạn học đi trên con đường vắng vẻ ngào ngạt mùi hoa xoan, hoa cau, hoa bưởi.

Nhớ quá, bất cứ cái gì ở quê hương cũng nhớ. Nhớ từ cánh đồng lúa con gái mơn mởn nhớ đi. Nhớ từ những trưa hè oi ả, ở trong nhà không chịu được, dân làng phải kéo nhau ra đường làng, trải chiếu dưới những bụi tre nằm ngủ nhớ về.

Nhớ từ những tháng Giêng lất phất mưa phùn, đất trời lạnh căm căm mà vẫn phải quấn áo mưa ra đồng nhổ mạ cấy lúa nhớ xuống.

Còn ở đây, dù những ngày xuân, nhưng trên các nẻo đường nắng chói chang. Ừ thì nắng vàng có làm cho người vốn quen với mưa phùn mùa Xuân như hắn thấy hơi… háo hức đấy, nhưng lại khiến cho cổ họng khô khát, muốn uống nước cả ngày, uống rồi lại khát, khát rồi lại uống.

Cuộc sống mới nơi phố núi của hắn trôi đi như vậy. Rồi hắn cũng có việc làm. Ngày nhận thông báo, hắn và anh bạn họa sĩ ngồi trên bãi cỏ quen thuộc nói lan man về những dự định.

-Còn ông? Dự định thế nào? Hắn hỏi.

Anh bạn nhún vai: Mình sẽ đi nhiều nơi nữa để hoàn thành bộ sưu tập về những con sông chảy qua đô thị.

-Lại lang thang nữa à. Khi nào đi?

-Vài ngày nữa. Chúc ông có một công việc tốt. Và hãy mở lòng hơn nhé. Anh bạn nói khi thu xếp giá vẽ, rồi vỗ vai hắn.

Hắn thở dài. Thương nhau, muốn an ủi lẫn nhau, mà không biết nói thế nào. 

Loáng cái đã hơn 20 năm. Anh bạn họa sĩ không biết còn mải rong ruổi nơi đâu. Hắn vẫn mong có ngày gặp lại để nói với anh rằng, bây giờ, không chỉ hắn mở lòng được với quê mới, mà còn yêu sâu đậm đất này.

Tất nhiên, tình yêu ấy không tự nhiên mà có. Nó như mầm cây, được ươm hạt, nảy mầm và lớn dần theo năm tháng, bởi sự bồi đắp của tình đất, tình người. 

Nhiều khi hắn tự hỏi, vì sao mỗi lần đi công tác xa, chỉ cần nói đến “về nhà”, là lại nghĩ ngay đến cây cầu Đăk Bla, và nôn nao  tự nhủ, chỉ cần qua cây cầu ấy, mình về nhà, dù chặng đường phía trước có xa đến mấy đi nữa.

Bên mái nhà rông. Ảnh: DUY TUYÊN

 

Có ai đó từng nói với hắn rằng “người Kon Tum” không nhất thiết phải là người sinh ra tại Kon Tum. Chỉ cần sống ở Kon Tum đủ lâu, yêu Kon Tum đủ sâu, là sẽ thành người Kon Tum mà thôi.

Vậy thì việc giới thiệu “mình là người Kon Tum” có thể chấp nhận được. Bởi thời gian hắn gắn bó với vùng đất này dài hơn hẳn quãng thời gian hắn ở quê nhà- nơi sinh ra và lớn lên. Bởi vùng đất này bao bọc, chở che hắn, cho hắn những năm tháng có vui buồn, có đau khổ và hạnh phúc, có thành công và thất bại.

Ngày xuân, thay vì than vãn về cái nắng chói chang và mơ về những ngày tháng Giêng trăng non mưa phùn, thì hắn đã quen, và thích, được nằm bên cửa sổ, nhìn ra ngoài cánh đồng, ngắm trà lúa đông xuân mướt xanh, thoảng một mùi hương man mác.

Rồi phía đỉnh núi, bắt đầu có những vệt xanh tươi hiện ở trên trời. Bình minh lên, trên nền trời trong veo bắt đầu có những làn sáng hồng hồng hình rẻ quạt.

Rồi hắn sẽ lấy xe chạy lòng vòng, ghé vào một làng nào đó để cảm nhận rõ hơn hơi thở của ngày xuân. Ở thành phố Kon Tum thì làng gần thôi, ở ngay trong phố, những Kon Tum Kơ Pâng, Kon Rờ Bàng, Plei Tơ Nha, Plei Tơ Nghia, Plei Đôn… Chỉ cần ngoặt vào bất cứ một con đường nhỏ nào đó là ta đã hòa mình vào đời sống của người dân chất phác.

Trong lúc rong ruổi ấy, thể nào cũng được nhà nào đó mời thưởng thức một bữa cơm thường. Ấy là lúc thịt mỡ, bánh chưng đã ngán, người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị, có cà đắng, bắp chuối nấu cá suối, đọt mây luộc chấm muối tiêu rừng, hay bát canh lá mì chua.

Dưới sàn nhà, hoặc trước hiên, nơi có bóng me che mát, người ta còn ngồi nhắc lại chuyện Tết với nhau. Rồi câu chuyện rẽ ngang sang việc ruộng, việc rẫy, việc học hành của con em khi nào không hay. Những dự định mới về trồng rừng, trồng cây ăn quả, tham gia tổ hợp tác trồng rau, trồng nấm, trồng sa nhân sẽ cuốn hút người ta đến đêm khuya.

Và cũng từ câu chuyện bên hiên nhà ấy, có thể thấy rõ sự thay đổi trong cách nghĩ, cách chơi xuân của bà con nông dân. Họ ra đồng chăm bẵm cây trồng từ khi hương vị Tết vẫn còn níu kéo trong nhà. Người trồng cà phê nô nức rủ nhau kéo máy, rải ống bước vào mùa tưới; người trồng cao su đi dọn thực bì phòng cháy; người trồng lúa đi lấy nước, bón phân, làm cỏ, trong lòng chộn rộn hi vọng một vụ mùa thắng lợi.

Sáng nay, bỏ qua những lao xao giấy tờ, tất bật chữ nghĩa, hắn lang thang trên phố. Đang trong những ngày xuân đẹp nhất, đất trời và lòng người đều phơi phới niềm vui..

Đường phố phấp phới cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu mừng Xuân, mừng Đảng, mừng kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh. Công sở, nhà dân 2 bên đường vẫn rực rỡ sắc hoa, hơi hướng ngày tết còn vương vấn đâu đây. Một chiếc xe bán tải chở 2 chậu mai to đùng ì ạch chạy qua; hoa bay lả tả như một đàn bướm xuân trên đường phố.

Hắn ngồi ngắm người và xe trên đường bờ kè sông Đăk Bla. Ly cà phê sáng sớm bốc khói nghi ngút. Có lẽ do khí xuân làm cho con người ta phấn chấn hơn, muốn yêu thương hơn nên cái gì cũng thấy đẹp, người nào cũng tươi.  

Câu chuyện về các chuỗi hoạt động nhân ngày kỷ niệm đang “chiếm sóng” ở các bàn xung quanh. Hắn lắng nghe một cách thú vị.

Sức lực và trí tuệ con người đã và đang làm cho vùng đất này thức dậy và vươn tới sau hơn trăm năm. Sôi động và mạnh mẽ, Kon Tum đang băng băng trên con đường phát triển bền vững.

Chuông điện thoại reo vang. Một giọng nói vừa quen vừa lạ vang lên “xin chào bạn cũ. Đã mở lòng được chưa? Hơn 20 năm rồi” làm hắn bật dậy.

Anh bạn họa sĩ đây rồi. Hắn quýnh quáng, vồ vập hỏi chuyện. Anh bạn chỉ cười: Tớ đang trở lại. Hẹn gặp nhau sau. Lần này về là ở hẳn.

Phải rồi. Về đi, mình sẽ kể cho ông nghe chuyện đất đã hóa tâm hồn là như thế nào. Hắn tự nhủ.

Hắn lại ra phố!

HỒNG LAM

Chuyên mục khác