Đất

19/03/2022 06:14

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (Tiếng hát con tàu-Chế Lan Viên)
Những ngôi nhà yên bình bên rừng già và cao su bạt ngàn. Ảnh: HL

 

Chiếc xe đò đã mất hút sau khúc cua. Nhưng nó vẫn đứng đó, nhìn về phía lưng chừng dốc, nơi có những ngôi nhà chênh vênh trên vạt đất nhỏ nhoi và những phận người cũng nhỏ nhoi, thầm lặng nhưng lại hết sức bền bỉ, kiên cường. 

Người ta có thể bỏ lại những bài học dại khôn sau khi “đi một ngày đàng”, nhưng không thể giấu được nỗi xốn xang khi tìm về quê hương.

Mắt nó như có sóng khi thấy những làn khói bay lên dưới ráng chiều. Giờ này hẳn mẹ nó đang chuẩn bị cơm tối, ba đang tất bật dọn dẹp chuồng bò. Và em gái, hẳn là đang lúi húi quét sân.

Từ ngày hắn theo bạn vào Thành phố Hồ Chí Minh kiếm việc, hẳn bố mẹ nó, em nó vất vả hơn rất nhiều.

Nhà nghèo, nên khi nghe bạn rủ vào Bình Dương làm công nhân, hắn đã nằn nì bố mẹ cho đi. Con sẽ cố gắng kiếm thật nhiều tiền gửi về- nó nói. Mẹ nó buồn rười rượi: Mẹ không cần nhiều tiền, chỉ mong con khỏe mạnh, đừng sa ngã.

Còn bố thì ngồi im lặng hút thuốc. Chỉ khi nó khoác ba lô chuẩn bị lên xe, ông mới nói: Đi cho biết đó biết đây cũng là chuyện tốt. Nhắm thấy không ăn thì về. Đất đai, ruộng rẫy nhiều, không lo đói.

Nó lặng lẽ gật đầu!

Nhưng sự đời không đơn giản, sự kiếm tiền càng không đơn giản như nó nghĩ. 4 năm làm công nhân, nó chỉ về thăm nhà tết đầu tiên, sau đó là những chuỗi ngày tăng ca, tăng giờ làm. Tết cũng đăng ký ở lại làm vì tiền công cao hơn. Nó muốn làm ra nhiều tiền, để đưa mẹ đi chữa bệnh; để giúp bố sửa căn nhà dột nát; đào ao nuôi cá. Nhiều thứ lắm.

Nhưng tiền kiếm được thì chậm, mà tiền ra thì nhanh. Chi phí đắt đỏ, thêm vài lần ốm đau, thế là chẳng còn bao nhiêu.

Dịch Covid-19 ập đến, nhà máy đóng cửa hàng loạt. Công nhân như nó về không được mà ở lại thì không có việc làm. Dành dụm được chút đỉnh cũng tiêu hết. 

Những lúc nằm ở gian phòng trọ chật chội là lúc nó nhớ nhà nhất. Cứ ngỡ cuộc sống mới sẽ làm nó nhanh quên, sẽ làm nó thôi nhớ về vạt đất nhỏ nhỏi ấy. Nơi ở mới,  biển người mênh mông, nó gặp biết bao nhiêu gương mặt, cùng làm với họ, cười đùa với họ, cùng ăn nhậu với họ.

Ai ngờ niềm nhớ ấy cứ âm thầm nằm đâu đó, khi có cơ hội là cựa quậy, là râm ran cả ngực. Cái gì cũng gợi nhớ đến vạt đất nhỏ nhoi kia.

Đêm nằm nghe tiếng mưa rơi đều như gõ nhịp trên mái tôn khu nhà ở công nhân, nó nhớ những cơn mưa rừng quất sầm sập, đổ ào ào lên căn nhà vách ván nép dưới rừng cao su.

Trưa đi làm về dưới cái nắng ngột ngạt, đầy khói bụi phố phường, nó quay quắt nhớ những trưa chói chang nắng, chan hòa gió, không khí thì thoang thoảng hương thơm của hoa cỏ.

Gần sáng, dậy lùng đập con muỗi chui vô mùng kêu vo ve, cũng làm nó nhớ đến gian phòng được ngăn bởi mấy miếng ván và cái mùng thủng lỗ chỗ, muỗi bay như trấu xung quanh. Tự dưng thấy thèm được mẹ la rầy không quạt mùng để muỗi chui vô.

Nó lơ mơ thức, như chờ tiếng la rầy của mẹ.  

Khi mở mắt ra, nghe tiếng xe chạy rầm rầm ngoài cửa, nó nhớ cái xóm nghèo nằm lẻ loi sát chân núi, vây xung quanh là rừng cao su. Ở đó, chỉ có những ngôi nhà vách gỗ, mái tôn bạc phếch tuềnh toàng như nhau, gió thổi qua khe ván vi vút, không bao giờ thấy đóng cửa.

Nhà nào cũng nghèo y chang nhau, cho nên gắn bó, tình nghĩa lắm, sẻ chia cho nhau từng chén gạo, dúm muối.

Còn có những con người thật thà như đất, hiền lành như đất, quanh năm dầm dãi mưa nắng, chẳng mấy khi thảnh thơi. Thú vui duy nhất của người lớn là mỗi khi mặt trời khuất sau dãy núi tụ tập ngồi uống trà ở một nhà nào đó, quanh quẩn chuyện cơm áo... Uống đến khuya rồi ai về nhà nấy.

Trong một tối nằm nhớ nhà, bố gọi điện kêu về. “Nhà cần lao động. Vừa nhận khoán chăm sóc, khai thác gần chục ha cao su, còn ruộng rẫy, ao cá, nuôn heo, bò, nhiều việc lắm. Mình bố không cáng đáng nổi. Nếu mày không về, bố phải trả bớt vườn cây”- ông nói ngắn gọn.

Em gái thì nói kỹ hơn. Đại khái là bây giờ, xóm mình thay đổi rồi. Con đường trước nhà đã đổ nhựa; có điện lưới kéo về tận nơi; nhà bá Tám mở quán tạp hóa bán đủ mặt hàng nên không phải đi xa nữa. Cao su đã đi vào khai thác nên thu nhập khá lắm, trong xóm đã có nhà xây.

“À, nhà mình cũng đủ tiền sửa nhà rồi, bố tính chờ anh về rồi làm”- con bé nói như reo.

Về thôi. Nó quyết định ngay trong đêm.

Hôm sau, mấy đứa bạn rủ nhau gầy tiệc rượu tiễn chân hắn về quê. Gọi là tiệc cho vui, chứ chỉ có mấy miếng khô cá, xoài chấm mắm ruốc giã thiệt nhiều ớt, tỏi với chai rượu đùng đục, xộc lên mùi cồn.

Nó uống từng ngụm, từng ngụm, dè dặt như hồi mới tập tành uống rượu, cảm giác mình đang run rẩy.

Lại nhớ. Ngày trước, nhà nó luôn sẵn rượu, loại rượu ủ men lá, trong văn vắt như mắt mèo, lắc nhẹ thấy sủi tăm từ đáy chai, mở nút ra thơm lừng. Cứ hết là mẹ nó lại ủ cơm, cất một nồi, 3 lon gạo chỉ lấy được 1 chai 65ml. Nhưng không phải bố nó ghiền. Ông nói, cất sẵn rượu để có khách đến nhà thì nhâm nhi chút chơi…

Giờ thì nó chuẩn bị bước vào ngôi nhà vách ván nằm nép dưới rừng cao su. Mẹ và em sẽ chạy ra ôm chầm lấy nó. Bố sẽ ở trong nhà nhìn ra, chỉ cười thôi, nhưng đủ làm nó tin rằng, ông đang rất vui vì nó về.

Một cơn gió ào qua. Rừng cao su uốn mình rào rạt như chào đón.   

Hẳn rằng đất cũng vui khi gặp lại nó.

HỒNG LAM

Chuyên mục khác