25/02/2019 13:03
Nhìn sắc hồng đào đậu bên dòng Đăk Bla, nhìn các cô gái trong những bộ váy áo đủ sắc màu nghiêng nghiêng vành mũ làm duyên, rồi xem ảnh, rồi tạo dáng mà sao đáng yêu đến lạ. Cứ ngỡ như đang ngắm vườn đào phai nào đó ở tận miền Bắc. Cứ ngỡ như đang lạc vào vườn hoa anh đào của đất nước Nhật Bản xa xôi…
Như gọi, như mời. Muốn tìm đến tận cùng của sắc hồng hút mắt, tôi bước nhanh từ cầu treo Kon Klor xuống bãi bồi. Vít cành xuống để ngắm nhìn kỹ càng hơn nét xuân lặng lẽ đơn sơ, bình yên của đào đậu. Vít cành xuống để xin chút duyên với đào đậu khiêm nhường. Vít cành xuống để hít hà mùi thơm dịu của đào đậu giữa mùi ngai ngái của đồng đất, bãi bồi…
Xa xa giống hoa đào, nhưng nhìn kỹ, đào đậu khác về hình dáng. Hoa xếp chen dày, những cánh hoa be bé cong lên như lên khoe vẻ duyên dáng, mềm mại như hoa đậu. Ừ, thầm nghĩ, có lẽ vì thế mà tên hoa là đào đậu. Hương hoa dìu dịu, không quá gắt nồng, cũng không quá nhàn nhạt, đủ độ để vấn vương…
Chẳng riêng ở bãi bồi ven sông Đăk Bla. Chạy xe dọc từ cầu treo Kon Klor qua làng Kon Jơ Ri, Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa)…, đào đậu khoe sắc hồng lặng lẽ hai bên đường, bên suối, trước nhà. Cách một quãng, là có cây đào đậu. Có khi, vài ba cây mọc liên tiếp cạnh nhau, hoang dã, tự nhiên, không cắt gọt. Cái khẳng khiu của cành, chen lẫn màu xanh thắm của đôi chiếc lá non, màu trắng/màu hồng mỏng manh tinh khiết của sắc hoa lưu giữ sức xuân, không chỉ tươi thắm mà còn tô thắm cho vẻ đẹp của cung đường, của làng quê trong dịp Tết Nguyên đán này.
Xuống bến sông làng Kon Ktu, đào đậu còn được trồng khoanh trên một khoảnh đất rộng. Xen lẫn sắc màu hồng nhạt có thể bắt gặp ở nhiều nơi, thì nơi đây còn có đào đậu khoe sắc trắng tinh khôi.
Bên những cành cây cao gầy, khẳng khiu, chúm chím những nụ hoa phơn phớt hồng hay trắng tinh khôi như thổi thêm hồn xuân vào đất trời, mấy người phụ nữ, già có, trẻ có và thêm mấy đứa nhỏ lúi húi tắm giặt, nô đùa bên bến sông. Hỏi thăm cây đào đậu, tất cả như cùng cười xòa. Có cô bé tre trẻ cười vui, hoa xuân của làng đấy.
Hoa xuân. Đúng là hoa xuân của làng rồi. Sau mùa hoa dã quỳ vàng rực khoe sắc trên các triền đồi, là đến mùa hoa đào đậu khoe sắc hồng, sắc trắng khắp các nẻo đường. Chẳng ai biết cây đào đậu bén duyên nơi đây từ bao giờ, chỉ nhớ rằng, tuổi thơ lớn lên với đào đậu. Hoa cũng chất phác, cũng mộc mạc, cũng sức vươn lên mạnh mẽ như con người nơi đây. Chỉ cần cắm cành xuống, sau mươi hôm, cây bình thản mà bén rễ, mà đâm chồi, nảy lộc. Xuân về, cây trơ trụi lá. Từ những cành cây khẳng khiu những nụ mầm mở mắt. Chỉ sau mấy ngày, những chùm hoa như những ngọn lửa hồng thắp sáng. Tết Nguyên đán năm nào cũng vậy, chẳng cần hứa hẹn, chẳng cần cắt cành, lặt lá, sắc hoa thắp sáng, gợi cái nô nức, bình yên của một năm mới bắt đầu…
Vậy là, những ngày Tết, chẳng rực rỡ đào phai, mai kiểng, cúc vàng…, bà con nên duyên với những hàng cây đào đậu khoe sắc dọc theo các nẻo đường. Bao mùa Tết qua đi, nhiều nhà chưng những cành hoa đào đậu khi thăm thắm sắc hồng phai, khi tinh khiết sắc trắng, tỏa hương thơm dịu, đẹp thanh sơ, khiêm nhường ở gian nhà giữa. Một vẻ đẹp giản dị, mộc mạc, đầy chất xuân, đầy chất wabi-sabi giữa cao nguyên những ngày Tết Nguyên đán.
Chẳng hiểu sao, từ khi bắt gặp sắc hồng thắm đào đậu thành vạt rộng bên bãi bồi dưới chân cầu treo Kon Klor, đến sắc trắng tinh khôi pha lẫn sắc hồng của đào đậu bên bến sông Kon Ktu, tôi lại có cảm giác luyến lưu đến lạ. Chùm hoa bình dị, sắc hoa tinh khiết, hương hoa nhè nhẹ…, tất cả cứ thế mà ngập ngừng, líu ríu theo tôi suốt cả đường về…
Liễu Hạnh