Dân nhậu đã... biết sợ

18/01/2020 13:19

Suốt những ngày đầu năm 2020, câu chuyện nóng nhất được nhiều người nhắc đến là việc lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra nồng độ cồn ở các tuyến đường. Dân nhậu dường như đã biết... sợ khi quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã đủ sức răn đe.

Hôm rồi, cô bạn tôi ghé chơi tíu tít khoe: Bạn à, từ ngày có quy định phạt nặng những người uống rượu bia tham gia giao thông, chồng mình tự dưng “ngoan” hơn hẳn. Chiều đi làm xong là về thẳng nhà ăn cơm tối với vợ con chứ không la cà như trước. Mình vui lắm, mấy đứa con thì tỏ ra vô cùng thích thú khi tối đến cả nhà quây quần bên nhau, vì bố không đi nhậu.

Nghe bạn tôi kể, chẳng là trước đây, cứ chiều chiều là anh chồng cùng bạn bè rủ nhau ghé một quán nhậu bình dân nào đó “giao lưu”. Hôm nay người này mời, ngày kia người khác rủ, loanh quanh thành ra mỗi tuần cũng phải dăm ba bữa nhậu. Thế nhưng, từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực (từ ngày 1/1/2020) thấy nhiều người bị xử phạt thì họ bắt đầu biết sợ.

Một anh bạn khác của tôi thật thà chia sẻ: Bây giờ đi nhậu mà bị Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn, xử lý vi phạm thì có mà mất cả tháng lương. Bởi, chỉ sau chầu chén chú chén anh, theo quy định người điều khiển xe gắn máy bị phạt lên tới 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 22-24 tháng, người điều khiển xe ô tô bị phạt lên tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 22-24 tháng nên thôi thì bỏ nhậu cho chắc. Nếu có tiệc tùng hay bắt buộc phải tiếp khách thì mình đi xe ôm hoặc taxi chứ chẳng dại gì mà tự phóng xe đi.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở của tài xế. Ảnh: Văn Phương

 

Trong khi cánh mày râu cảm thấy “bí bách” vì phải nhịn nhậu thì hầu hết chị em phụ nữ lại tỏ ra vui mừng. Trên mạng xã hội, nhiều chị em chia sẻ những mẩu chuyện bi hài khi các ông chồng đã biết sợ nhậu, thậm chí có người còn “mừng ra mặt” khi chồng bị xử phạt vì lái xe sau khi uống bia, bởi theo các chị có như vậy mấy anh mới nhớ và “chừa”.

Có lẽ đây là lần đầu tiên dân nhậu biết sợ. Tất nhiên, ban đầu một số người cũng tỏ ra bất bình, chống đối hoặc tìm cách né tránh lực lượng chức năng. Thế nhưng, cuối cùng thì hầu hết đều phải gật đầu ủng hộ việc xử phạt nghiêm khắc ma men cầm lái. Bởi không gì so sánh được với sức khỏe, sinh mạng con người.

“Ngẫm lại hồi xưa mình cũng liều thật, nhiều khi nhậu say mà vẫn đi xe về nhà không chỉ đặt mình vào tình huống nguy hiểm mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người khác. Chưa hết, vợ con ở nhà cũng thấp thỏm lo âu khi mình đi nhậu rồi tham gia giao thông ” - một người bạn tôi thú nhận.

Chẳng riêng gì dân nhậu “né” rượu, bia mà trong nhiều buổi liên hoan cuối năm, tiệc tùng trong dịp Tết Nguyên đán của nhiều cơ quan, đơn vị, mọi người cũng đã hạn chế sử dụng rượu, bia, chuyển sang chúc tụng nhau bằng nước ngọt hoặc nước lọc, vì hầu như không ai muốn bị phạt.

Thực tế cho thấy, Nghị định số 100/2019 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt và đường bộ và Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, thực sự góp phần mang lại nhiều thay đổi tích cực trong đời sống xã hội.

Trong những ngày qua, lượng người uống rượu, bia tham gia giao thông giảm rõ rệt và các vụ tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra cũng giảm hẳn. Thông tin từ nhiều bệnh viện tuyến Trung ương cho thấy số lượng bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông do rượu, bia đã giảm rõ rệt. Có lẽ ít có con số giảm nào lại khiến người dân vui mừng đến thế.

Tuy nhiên, không ít người vẫn băn khoăn rằng liệu sau đợt ra quân rầm rộ, những chốt kiểm tra nồng độ cồn có được duy trì thường xuyên hay chỉ “hô hào đánh trống rồi lặng lẽ bỏ dùi” và như vậy thì Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sẽ khó phát huy được ý nghĩa tích cực với cộng đồng. Bên cạnh đó, không ít ý kiến lo ngại có thể xảy tình trạng tiêu cực, thỏa hiệp giữa những người vi phạm với lực lượng thực thi nhiệm vụ.

Tết Nguyên đán Canh Tý  đang cận kề, người dân mong muốn rằng lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm khắc đối với những người điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia, trước hết để nhiều người e sợ, từ đó từng bước dẹp bỏ được tệ nạn ma men cầm lái.  Rõ ràng, việc hạn chế rượu, bia không chỉ góp phần bảo đảm an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông mà còn tạo tiền đề xây dựng lối sống lành mạnh, tránh những hệ lụy đáng tiếc trong hành động của một số người chính từ việc lạm dụng rượu bia .

Thùy Hương

Chuyên mục khác