Đăk Tô: Người dân mong sớm đầu tư xây dựng cầu Đăk Nơ

22/06/2018 07:35

​Đã nhiều năm nay, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp, cử tri xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô) đã nhiều lần kiến nghị các cấp, các ngành sớm đầu tư xây dựng cầu Đăk Nơ ở thôn Đăk Nu của xã. Vì, cầu Đăk Nơ đã xuống cấp, gây nguy hiểm cho bà con khi đi lại, đặc biệt vào mùa mưa lũ.

Cầu Đăk Nơ nằm trên tuyến đường phục vụ việc đi lại của tất cả các hộ dân trên địa bàn 2 xã Ngọc Tụ và Đăk Rơ Nga đến trung tâm huyện Đăk Tô.

Cầu có chiều dài khoảng 40m và chiều rộng khoảng 5m bắc qua con suối Đăk Tờ Kan vừa rộng và sâu, nước chảy xiết.

Đã trải qua nhiều năm kể từ lúc xây dựng, và chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 9 (năm 2009), giờ đây, cầu Đăk Nơ đã xuống cấp nghiêm trọng. Đi dọc cầu Đăk Nơ, chúng tôi nhận thấy hai đầu cầu đã bị hư hỏng, thanh chắn cầu một số chỗ đã hoen rỉ, bị đứt gãy.

Cầu Đăk Nơ là con đường huyết mạch của 2 xã Ngọc Tụ và Đăk Rơ Nga, hàng ngày đa số người dân đi làm bên ngoài xã, đều phải đi qua cầu. Ảnh: T.T

 

Mặc dù mới chỉ chớm vào mùa mưa lũ, mực nước sông đã dâng lên gần sát sàn cầu, ấy vậy mà, hằng ngày, những người dân đi làm và học sinh đến trường đều buộc phải qua con đường này.

Anh A Đông, một hộ dân tại thôn Đăk Nu kể, khi mùa mưa lũ đến, nước suối dâng lên, ngập qua sàn cầu, dòng nước mạnh, chảy xiết, bà con ở đây không thể qua cầu được. Nhiều người đi làm vào buổi sáng, đến chiều về, do mưa lũ mà mắc kẹt ở bên kia cầu, không sao qua được phải chờ nước rút, có lúc đợi đến tận khuya. Những trường hợp bà con đau ốm phải đi bệnh viện cũng không thể tự đi được, phải chờ bệnh viện mang thuyền đến chở đi. Còn đối với trẻ em trong xã, giống như mặc định, cứ vào thời điểm mưa lũ hàng năm là không thể đến trường, buộc phải ở nhà.

Trao đổi về vấn đề này, ông A Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tụ cho biết: Cầu Đăk Nơ đã quá cũ, xuống cấp nghiêm trọng. Xã đã nhiều lần kiến nghị lên huyện để xây dựng cầu mới, nhưng bởi thiếu kinh phí nên không thể làm được. Cứ vào mùa mưa lũ, người dân khi di chuyển qua cầu tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro cao. Xã cũng đã thực hiện nhiều biện pháp ứng phó tạm thời như cử nhân viên túc trực tại cầu Đăk Nơ để không cho người dân đi qua khi nước đang dâng cao, và để kịp thời ứng phó, nếu có trường hợp nguy hiểm xảy ra. Bên cạnh đó, tuyên truyền, ngăn cấm không cho trẻ em chơi gần cầu, tránh trường hợp đuối nước; tổ chức dọn cây cối, vật cản bị lũ cuốn trôi, mắc kẹt tại đây, tránh gây thêm hư hỏng cho chiếc cầu…

Cũng theo ông Hùng, các biện pháp trên chỉ mang tính tình thế, tạm thời. Cho đến hiện tại, rất may, vẫn chưa có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra nhưng nếu không sớm khắc phục, những rủi ro có thể xảy đến bất cứ khi nào, đặc biệt là trong mua mưa lũ đến gần.

Ông Cao Trung Tin -  Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho biết: Cầu Đăk Nơ từ khi xây dựng đến nay đã trải qua nhiều lần sửa chữa. Theo thời gian, cầu Đăk Nơ ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Huyện đã nhiều lần huy động, xin vốn đầu tư từ các nguồn tài trợ, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả. Vốn xây dựng cầu quá lớn, ước tính lên đến khoảng 26 tỷ đồng, nằm ngoài khả năng chi trả của huyện.

Đáng mừng là mới đây, tỉnh đã có chủ trương đầu tư nguồn vốn xây dựng những công trình cấp bách, bức thiết đối với một số địa phương. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính , Sở Giao thông vận tại, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan, hướng dẫn UBND huyện Đăk Tô xây dựng dự án phù hợp, theo hướng: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, ngân sách huyện đảm bảo 30% tổng mức đầu tư.

Tuy nhiên, 30% vốn xây dựng cầu Đăk Nơ đối với ngân sách huyện Đăk Tô hiện vẫn là quá lớn để có thể thực hiện.

Tất Thành

Chuyên mục khác