Đã khó càng thêm khó!

20/08/2018 07:09

Chưa khắc phục xong hậu quả cơn lũ quét ở huyện biên giới Ia H’Drai, mấy ngày nay, lại thêm vùng khó Tu Mơ Rông, Đăk Glei… hứng chịu thiệt hại do mưa lũ.

Ở huyện biên giới Ia H’Drai, lũ về lúc rạng sáng, lại quá nhanh, nhiều hộ dân không kịp trở tay. Nhiều đoạn đường bị sạt lở; hàng chục ngôi nhà bị thiệt hại; hàng chục héc ta lúa bị cuốn trôi; cây trồng lâu năm, rau màu, cây ăn quả bị thiệt hại; hàng nghìn con gia cầm bị chết, cuốn trôi…

Còn ở các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Ngọc Hồi…, mấy hôm nay, tạm dừng các cuộc họp, dồn sức cho phòng chống mưa lũ. Nhà ở hàng chục hộ dân ở Đăk Glei bị sạt lở; cây cối bị vùi lấp. Thương hơn nữa là người dân làng Tu Thó, xã Tê Xăng và làng Tu Mơ Rông, xã Tu Mơ Rông của huyện Tu Mơ Rông phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng nguy cơ bị sạt lở… Cũng trong đợt mưa lũ này, đáng thương nữa, có 2 người ở huyện Ngọc Hồi bị thiệt mạng… Quá kinh hoàng cho một đợt mưa lũ mà chỉ do ảnh hưởng của rìa phía nam dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh.

Đồng nghiệp đã kể câu chuyện người đàn ông ở xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi vì sinh kế, vì bất cẩn, mặc cho nước sông Pô Kô dâng cao vẫn vượt sông sang rẫy để kiểm tra đàn bò - tài sản, nguồn sống của gia đình, đã bị cuốn trôi theo dòng nước chảy xiết.

Đồng nghiệp kể đã thoát chết trong gang tấc khi vừa bước qua cầu Đăk Nơ – cầu bắc qua suối Đăk Tờ Kan phục vụ việc đi lại của người dân trên địa bàn 2 xã Ngọc Tụ và Đăk Rơ Nga đến trung tâm huyện Đăk Tô. Nước lên quá nhanh, dữ dội, đồng nghiệp vừa qua cầu, ngoảnh đầu nhìn lại, nước đổ ầm ầm, cuốn trôi cả một con trâu.

Đồng nghiệp cũng cho xem bức ảnh chụp những người dân làng Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông áo mưa sùm sụp, tay ôm, lưng gùi đồ đạc… lầm lũi di dời ra khỏi vùng sạt lở như họ đã từng làm trong cơn bão số 9, năm 2009 khiến bao người rưng rưng và ám ảnh.

Không rưng rưng sao được khi những địa phương hứng chịu thiệt hại trong mưa lũ lần này đều là các xã vùng sâu, vùng xa chịu nhiều gian khó. Vùng sâu, vùng xa dĩ nhiên có nhiều cái sâu xa. Lấy đơn cử từ chuyện hàng của mình sản xuất ra thì bán giá gốc, còn hàng từ nơi khác đến thì phải mua giá ngọn. Rồi, ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện để tiếp cận các điều kiện sống hiện đại, sản xuất khó khăn, đói nghèo đeo bám… Đã thế, cố gắng chăm chỉ làm ăn, gom góp vay mượn mua được con bò, trồng sào cà phê, đào thêm ao cá… nhưng cuối cùng lại đổ sông, đổ bể.

Và không ám ảnh sao được khi những câu chuyện kể, những bức ảnh chụp được trong khoảnh khắc đã thể hiện sự bất lực trước sự tàn phá của thiên nhiên. Lũ quét lên nhanh khi rạng sáng đã khiến cho người dân ở Ia H’Drai không kịp trở tay. Lũ quét đi qua, bao nhiêu ánh mắt thất thần. Cả đời ky cóp, phút chốc trắng tay theo sự nổi giận của thiên nhiên. Biết làm gì và đến khi nào mới gây dựng lại được cơ ngơi như đã mất?

Nhiều người vẫn nói, thiên tai là “họa vô đơn chí”. Đã thế, thiên tai ngày một khắc nghiệt hơn, khó lường hơn. Đó là hậu quả của “biến đổi khí hậu” – thuật ngữ những tưởng chỉ dành cho giới nghiên cứu khoa học, ngày càng trở nên gần, rất gần với người dân, đặc biệt với người dân vùng khó. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế người dân, là phương tiện sản xuất, là ruộng rẫy, là vườn cây, ao cá… phút chốc tan tành theo mưa lũ. Nhưng, đó còn là hệ quả của nạn khai thác tài nguyên thiên nhiên vô tội vạ, là nạn tàn phá rừng, không còn cây để giữ đất, khiến cho lũ quét, sạt lở nối tiếp nhau đổ xuống.

Điều day dứt, trăn trở hơn cả là đằng sau những câu chuyện, những bức ảnh, những đoạn clip…; đằng sau những con số thiệt hại vì mưa lũ lạnh lùng là bao nhiêu nỗi buồn của người dân vùng khó. Nỗi buồn thương cho người xấu số không biết khi nào mới nguôi ngoai. Nỗi buồn tiếc nuối khi nhà cửa, tài sản và cả sinh kế bỗng chốc đắm chìm sau cơn mưa lũ, không biết khi nào mới gây dựng lại được. Và cả nỗi buồn lo, khi đã khó càng thêm khó, có lẽ ngày mai họ phải quay lại từ đầu…

Liễu Hạnh

Chuyên mục khác